itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Cổ tích từ ngôi nhà ổ chuột

Cổ tích từ ngôi nhà ổ chuột

Tôi cứ băn khoăn mãi vì sao gia đình họ lại sống được trong một căn nhà khó nhỏ hơn và tồi tàn hơn được nữa. Mọi bất hạnh đều có ở căn nhà ấy song những ước vọng đổi đời mạnh mẽ cũng xuất phát từ đây

Người ta gọi ông Nguyễn Thanh Hùng là ông “Ba đầu cầu” bởi gia đình ông tá túc trong một căn nhà bỏ hoang dưới chân cầu ở chợ xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời - Cà Mau. Khi chúng tôi đến, chị Hồng, con gái lớn ông Hùng, phải nép mình lại để có chỗ cho khách bước vào. Ông Hùng cũng ái ngại bước ra sân, nhường chỗ cho khách. Cậu con trai 11 tuổi của chị Hồng lập tức được mẹ cho đi chơi, bởi căn nhà không thể chứa quá 4 người.

Bất hạnh dồn dập

Bà Nguyễn Bé Lý, vợ ông Hùng, vén tấm màn bằng vải cũ mèm bước ra chào khách với khuôn mặt hốc hác, xanh xao. Mới tháng trước, sức khỏe bà suy kiệt, phải nhập viện điều trị hơn 10 ngày. “Bác sĩ khuyên tôi chuẩn bị 30 triệu đồng để thực hiện hai cuộc phẫu thuật thận và u xơ. Không có tiền, tôi đành về nhà hốt thuốc nam uống cầu may” - bà Lý thở dài. Ngoài sân, ông Hùng liên tục ho sù sụ. Ông bị viêm phổi mãn tính, cứ gặp tiết trời trở lạnh là sức khỏe như xe xuống dốc không phanh. Ông Hùng không thể đi làm thuê được nữa, cái ăn của cả nhà giờ đè nặng lên vai chị Hồng, vốn đã trải qua nhiều bất hạnh trong hôn nhân và phải về sống với cha mẹ hơn 3 năm nay.

Bà Lý chỉ căn nhà mình, ngại ngùng: “Tệ lắm, đừng cười gia đình tôi!”. Toàn bộ tổ ấm của gia đình 4 người - chưa kể 2 người con trai đang học đại học (ĐH) ở TPHCM - không quá 10 m2, chỉ đủ chỗ đặt chiếc giường ngủ, một góc để nấu ăn và một phòng tắm. Tất cả được ngăn ra bằng những vỏ bao xi măng, chỉ chừa lối đi vừa một người chen qua. Trên nóc nhà, chi chít những tấm cao su ngăn mưa nắng.

Vợ chồng ông Hùng đều là những nông dân nghèo. Họ khởi đầu cuộc sống riêng từ 3 công đất ruộng nhiễm đầy phèn mặn. Bệnh tật, con đông đã đẩy cuộc sống của họ vào bế tắc từ 15 năm trước. Khi ấy, 3 công đất phải bán để lo thuốc thang cho bà Lý. Cậu con út phải nhờ các cậu nuôi giúp lúc lên 6 tuổi. Cái nghèo và bệnh tật đeo đẳng không cho ông bà cơ hội nào để nhận lại con, khiến cậu phải vào chùa nương nhờ cửa Phật đến nay.

Không đầu hàng số phận

Nghe bà Lý khoe có 2 con trai là Nguyễn Quốc Nam (22 tuổi) và Nguyễn Hoài Hận (21 tuổi) đang học ĐH tại TPHCM, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Bằng cách nào mà ông bà có thể nuôi được 2 người con học tới ĐH? Bà Lý khẽ cười, khuôn mặt héo hắt không giấu được vẻ rạng rỡ: “Nhờ tụi nó hiếu học nên tôi mới có tinh thần sống đến nay. Hồi trước, nhiều khi thấy bế tắc quá, tôi cứ muốn chết cho xong nhưng bây giờ thì tôi chỉ mơ được sống thêm vài năm để tận mắt thấy con tốt nghiệp ĐH”. Bà Lý kể về chuyện “học chạy” của con khi Hận và Nam cùng lên lớp 4: “Lúc đó, tôi đã mang bệnh trong người, không còn làm thuê được nên chúng nó phải sớm vất vả. Hồng, khi ấy 14 tuổi, đã bỏ học để làm thuê. Nam và Hận cũng phải tìm cách mưu sinh. Mỗi ngày, lúc gà gáy sáng, ba chị em đã mang theo cơm, dắt díu ra đồng làm thuê. Nam và Hận mang theo cả sách vở, áo quần, làm đến trưa, anh em nó lên bờ ăn cơm, thay đồ rồi chạy đi học”. Chị Hồng nhớ lại: “Mỗi ngày, hai đứa phải chạy 7-8 cây số mới đến trường, cho đến năm lớp 10 mới thôi”. Vào những tháng nghịch mùa lúa, ba chị em được mẹ phát cho các loại bánh do chính tay bà làm để đi bán. Nam và Hận vẫn tiếp tục “học chạy” vì tiết kiệm thời gian để có thể bán thêm nhiều bánh hơn. Chị Hồng kể: “Có lần, hai đứa nó cãi nhau. Hận cằn nhằn anh chạy quá chậm; còn Nam cự lại, bảo do đói bụng, cái quần cứ tuột luốt, vừa chạy vừa níu nên chậm!”.

Năm Nam và Hận lên cấp 3, vợ chồng ông Hùng bệnh tật ngày càng nhiều và chị Hồng cũng đã theo chồng. Khó khăn quá, Nam phải xin vào một ngôi chùa gần trường để làm công quả kiếm cơm hai buổi, còn Hận xin làm bảo vệ tại trường học. “Hai đứa đã vượt qua cấp 3 bằng cách đó” - bà Lý cho biết. Học hết phổ thông, Nam và Hận dắt nhau lên TPHCM vừa làm thuê vừa ôn thi ĐH. Sau đó, Hận thi đậu vào Trường ĐH An ninh, việc ăn học được Nhà nước chu cấp; Nam đậu vào Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình, phải tự túc ăn ở và học phí. Từ kinh nghiệm cũ, Nam tìm vào cửa Phật làm công quả để được ở, được ăn và được đi học. “Năm 2009, Nam tiếp tục thi đậu vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Do hai trường cách nhau khá xa, nó lại tiếp tục “học chạy” như còn ở quê” - ông Hùng góp chuyện.

Bài và ảnh: DUY NHÂN/ NLĐ