itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Người võ sư tâm huyết với võ Việt

Người võ sư tâm huyết với võ Việt

Võ sư Nguyễn Quang Tâm lúc trẻ

Từ một trận thách đấu của một võ sư trong võ đoàn nổi tiếng, Nguyễn Quang Tâm đã mang lại uy thế cho võ thuật địa phương, tạo bước ngoặt cho cuộc đời, con đường võ của mình. Ông cống hiến hết mình cho nền võ thuật cổ truyền và đạt được những thành công nhất định. Ông luôn quan niệm: “Đạo võ và đạo đời phải gắn liền, kết hợp với nhau. Người thầy dạy võ không chỉ có tài mà phải có tâm và nhiệt huyết”.

TRẬN ĐẤU QUYẾT ĐỊNH
Tiếp chuyện chúng tôi tại căn nhà nhỏ ở khu phố 4 (phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), võ sư Nguyễn Quang Tâm (SN 1955) kể lại cuộc đời mình: 12 tuổi, Tâm mê võ và bái sư với thầy Trương Minh Hiếu, trưởng môn phái Thiếu Lâm bắc phái Mai Hãn. Với tài năng và sự miệt mài khổ luyện, sáu năm sau Tâm trở thành một môn sinh giỏi.
Bấy giờ, có những đoàn võ thuật thường đi biểu diễn và thi đấu ở các tỉnh. Võ đoàn Bình Long (Tiền Giang) rất nổi tiếng, quy tụ các võ sĩ miền Nam tài giỏi. Võ đoàn có võ sĩ Hắc Hổ rất uy danh, được giới võ kính nể. Hắc Hổ khi đánh thường sử dụng ưu thế to cao để tiếp cận đối phương, tung ra những cú đòn phủ đầu “chết” người. Khi đến Quảng Trị, Hắc Hổ đã thách đấu với võ sĩ địa phương. Trong khi Hắc Hổ đã đánh bại mọi võ sĩ chủ nhà thì phía dưới võ đài, trong đám đông bỗng có một thanh niên trẻ bước lên xin “lĩnh chỉ”.
Người thanh niên có thân hình nhỏ bé so với Hắc Hổ thật khập khiễng. Đang trên đà chiến thắng, Hắc Hổ liên tục áp sát đối phương, đánh phủ đầu bằng những đòn đấm đá mãnh liệt. Người thanh niên uyển chuyển, luôn giữ khoảng cách thích hợp nhằm hạn chế những cú đánh cùi chỏ “tuyết đập cành liễu” của Hắc Hổ. Đối phương càng hung hăng, dồn ép anh vào “cửa tử” - góc đài.
Anh vẫn bình tĩnh, dựa vào dây đài và dùng khuỷu tay, găng tay khép chặt, thủ kín vùng mặt, chấn thủy, che chắn những cú đấm như trời giáng của Hắc Hổ. Hăng ra đòn, Hắc Hổ đã để sơ hở vùng đầu. Chỉ đợi có vậy, đối phương tung một đòn đánh ngược (đòn đánh sở trường và là “đặc sản” của phái Mai Hãn) cực mạnh vào mặt Hắc Hổ tiếp đó anh “phang” một đòn vào bắp chân trụ khiến Hắc Hổ ngã gục ra sàn đấu. Anh thắng cuộc trước sự reo hò của đám đông. Và đó là Nguyễn Quang Tâm.
Sau đó, anh tiếp tục giành chiến thắng tại các giải đấu võ tự do trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tên tuổi ngày càng được khẳng định trong giới võ lâm.
KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN VÕ CỔ TRUYỀN
Kế thừa di chỉ của thầy Hiếu, năm 1995 ông trở thành trưởng môn phái Mai Hãn. Vào thời điểm đó, võ cổ truyền Việt Nam nói chung, làng võ cổ truyền Quảng Trị nói riêng lâm vào cảnh suy thoái, công tác giảng dạy và phát triển võ thuật cổ truyền gặp nhiều khó khăn. Nhưng bằng niềm đam mê và nhiệt huyết, ông không ngừng cố gắng. Ông và các học trò phải thường xuyên đi biểu diễn và thi đấu ở khắp nơi: lên tận Khe Sanh (huyện Hướng Hoá), khi thì về tận vùng biển Cửa Việt (Gio Linh), rồi lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), xuống Tây Ninh... Những chuyến đi đó không chỉ tạo kinh phí cho võ phái hoạt động mà quan trọng hơn, để truyền bá võ thuật cổ truyền. Nhiều học trò của ông đã thành danh và trở thành những võ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Xuân Du, Quang Hiệp, Nguyễn Quang Tánh, Văn Trỗi...
Số lượng môn sinh không ngừng tăng lên với hơn 1.000 người. Hiện nay, võ đường Mai Hãn đã trở thành môn phái hàng đầu trong làng võ cổ truyền Quảng Trị; tạo nền tảng và động lực cho cổ truyền tỉnh Quảng Trị đi lên; có chi phái tại tất cả các huyện và một số câu lạc bộ lớn tại Quảng Bình, Lâm Đồng, Vũng Tàu...
Ông Tâm cho biết về việc phổ cập xã hội hóa võ thuật cổ truyền: “Võ cổ truyền là một di sản quý báu mà ông cha ta để lại, vì thế cần phải gìn giữ và phát huy. Muốn phát huy được nó thì phải phổ cập sâu rộng cho tất cả mọi người. Việc trước tiên là phải phân cấp thứ bậc và tạo ra một giáo trình chuẩn thống nhất, sau đó phổ cập vào chương trình học phổ thông như một môn học chính thức. Hàn Quốc đã rất thành công, Việt Nam nếu thực hiện thì tôi tin cũng sẽ thành công”.
Sau 17 năm, ông đã đào tạo ra được hàng trăm võ sư và huấn luận viên võ thuật nổi danh. Họ kế thừa những bài học, triết lý của ông để truyền dạy lại cho những học trò. Với những đóng góp to lớn, năm 2006, võ sư Nguyễn Quang Tâm vinh dự được Bộ trưởng Bộ thể dục thể thao tặng bằng khen, kỉ niệm chương vì sự nghiệp phát triển của thể thao VN; bằng khen của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN trao tặng năm 2009. Thành quả cao nhất mà ông đạt được là đã khôi phục, phát huy được võ thuật phái Mai Hãn, thúc đẩy võ cổ truyền Quảng Trị phát triển. Hiện ông là Phó chủ tịch, trưởng ban chuyên môn Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị.
Võ sư Tâm dự định sẽ mở những lớp võ dành cho các em có hoàn cảnh mồ côi, khó khăn như để bù đắp phần nào nỗi thiệt thòi, bất hạnh và để các em có nền tảng, tâm lý vững vàng bước vào cuộc sống.

Theo CAO