itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tiếng chiêng R’ Cơm Tih

Tiếng chiêng R’ Cơm Tih

R’ Cơm Tih là một trong những thanh niên muốn lập nghiệp trên quê hương mình và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của bản làng.

Am hiểu cồng chiêng và chỉnh sửa chinh chiêng, biết đánh đàn t’rưng, tinhning, hát dân ca, hát kể khan làm mê lòng người, những người như R’ Cơm Tih giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

“Vì mình là người con Tây nguyên”

Đó là cách lý giải hồn nhiên, chân thật của anh chàng R’ Cơm Tih (37 tuổi), dân tộc Gia Rai (làng Pleijut, xã Iader, huyện Jagrai, Gia Lai) khi hỏi về niềm đam mê của anh với văn hóa dân tộc.

“Từ nhỏ mình đã được sống và lớn lên bởi tiếng chinh chiêng cùng những lễ hội đã ăn vào máu thịt” - anh tâm sự.

12 tuổi R’ Cơm Tih đã biết đánh chinh chiêng. “Chinh chiêng là nhạc cụ thiêng liêng, chỉ được đem ra đánh vào dịp lễ hội chứ không thể đưa ra tập gõ bừa bãi được nên rất khó học” - anh giải thích.

Từ nhỏ mỗi lần theo ba mẹ đi hội, cậu bé R’ Cơm Tih lại đến bên những nghệ nhân chinh chiêng để học lén, cố gắng nhớ từng nhịp điệu, tiết tấu. Và rồi cuối cùng cậu mạnh dạn xin các nghệ nhân được cầm dùi chiêng biểu diễn trong một lễ hội của làng. Tài nghệ của cậu bé 12 tuổi khiến cả làng phải trầm trồ khen ngợi.

Cũng từ đó các nghệ nhân trong làng hết mực tận tình giúp R’ Cơm Tih tìm hiểu về chinh chiêng và các nhạc cụ dân tộc. Không đánh cồng chiêng như kiểu học vẹt, anh mày mò tìm hiểu về lịch sử, đặc điểm, giá trị chiều sâu văn hóa của loại nhạc cụ đậm tính cách dân tộc thông qua những câu chuyện của các già làng hay những cuốn sách của nghệ nhân trong làng. “Chỉ khi hiểu hết giá trị của cồng chiêng mới phát huy hết cái hay, cái thần và sống cùng nhịp điệu của nó được” - anh chia sẻ.

Và xưởng nghề truyền thống

Đam mê nhạc cụ truyền thống, R’ Cơm Tih cùng một người bạn trong làng góp vốn mở xưởng nghề chuyên sản xuất nhạc cụ và các sản phẩm mang đậm nét văn hóa Gia Rai làm quà cho khách du lịch.

Khi dân bản còn loay hoay với mớ rau rừng, con cá ngoài suối, lên nương rẫy để cái bụng được no cũng là lúc R’ Cơm Tih và bạn gặp khó khăn khi thực hiện ý định bảo tồn nghề truyền thống của mình. “Trẻ thì ham những giá trị vật chất hiện đại, các nghệ nhân trong làng bận bịu nương rẫy nên việc vận động đến với xưởng rất khó”.

R’ Cơm Tih chủ động mở một lớp dạy nghề miễn phí cho thanh niên trong làng, trả lương theo sản phẩm. Song ít thanh niên đến xin học, học rồi lại nhanh chóng xin nghỉ vì “không thích ngồi bó gối trong nhà cả ngày!”. R’ Cơm Tih nhận ra rằng nguyên nhân làm thui chột những ngón nghề của các nghệ nhân làng là nỗi lo cơm áo. Phải làm cho cái bụng của họ no mới được. Ban đầu xưởng mới mở lợi nhuận chưa được là bao, ông chủ trẻ đã bỏ tiền túi trả công hậu hĩnh để giữ chân các nghệ nhân.

Cuối cùng những cố gắng của anh cũng đã đem lại kết quả. Nghệ nhân tìm đến, sản phẩm nhiều cùng nhiều đơn đặt hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Xưởng nghề cứ thế không lúc nào hết việc.

Còn ông chủ trẻ, ngoài công việc ở xưởng, về nhà lại luyện hát và biểu diễn chinh chiêng tham dự những cuộc thi đem văn hóa Tây nguyên quảng bá rộng rãi. Không có lễ hội hay cuộc thi về văn hóa Tây nguyên nào vắng mặt anh. Từ những hội diễn nghệ thuật quần chúng đến những liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc toàn quốc anh đều rinh về giải thưởng làm rạng danh dân bản.

Không chỉ am hiểu cồng chiêng, R’ Cơm Tih biết chơi hầu hết nhạc cụ truyền thống khác như đàn t’rưng, đàn tinhning, là cây văn nghệ của bản hát dân ca và hát kể khan truyền thống. “Giờ thì những nét văn hóa đó đã ăn sâu vào máu thịt mình rồi, không thể sống thiếu nó dù chỉ một ngày!” - anh nói.

NGUYÊN THI/ TTO