itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Chuyện từ ổ muỗi cầu Băng Ky

Chuyện từ ổ muỗi cầu Băng Ky

Chỉ cần khơi thông dòng chảy rạch Lăng và kết hợp với ngành y tế dự phòng phun xịt thuốc diệt muỗi trong một thời gian là diệt được tận gốc ổ muỗi này. Vậy mà TP HCM vẫn không làm được.

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa khô sau Tết Nguyên đán, người dân ở phường 12, 13 (gần rạch Lăng, chảy qua cầu Băng Ky), quận Bình Thạnh, TP HCM lại bị “giặc muỗi” tấn công dữ dội.
Người dân ở đây cũng có óc hài hước khi ví đàn muỗi này như những pháo đài bay B52 của Mỹ ngày xưa. Chiều đến, nhà nào cũng tranh thủ ăn cơm tối trước 18 giờ, vì sau đó sẽ không thể nào bưng nổi chén cơm ăn vì “B52” tấn công từ mọi phía. Và người dân cũng không thể nào xem ti vi mà không chui vào mùng (nếu đứng ngoài mùng, thì phải cử động liên tục, nhảy múa như... điên, để khỏi bị muỗi cắn). Có nhà, chiều tối phải đốt lửa ngoài sân để đuổi muỗi; có nhà phải gửi con nhỏ đi lánh “giặc muỗi”.

Khu vực này nhiều muỗi đến nỗi nổi tiếng cả trên bình diện… quốc tế!. Còn nhớ, ngày 21/2/2008, hãng thông tấn United Press International (UPI) đưa tin nữ hoàng quần vợt người Nga Maria Sharapova đến Việt Nam xin thành lập học viện quần vợt mang tên cô. Lý do, Sharapova thấy người Việt rất yêu môn quần vợt.
Đây là một cú “tổ trác” nhớ đời của UPI, một bài báo với thông tin tưởng tượng hoàn toàn. Nguyên nhân của việc nhầm lẫn này là: trước đó một tờ báo của Việt Nam đăng một tiểu phẩm tưởng tượng rằng nữ hoàng quần vợt Sharapova du lịch Việt Nam, khi đi qua cầu Băng Ky lúc nào cũng thấy người dân ở đây “luyện quần vợt”, nhưng không có quả bóng. Thấy người dân ở đây quá yêu môn quần vợt nhưng không có điều kiện tập luyện nên Sharapova quyết định thành lập một học viện.
Đây là một tiểu phẩm châm biếm, có tính hư cấu, tưởng tượng, chỉ việc người dân ở đây dùng vợt điện quơ muỗi, có động tác như đánh tennis. Vậy mà không hiểu sao UPI lại đăng một bài báo “có tính quốc tế” như vậy?

Dẫn cú “tổ trác” của UPI như trên để thấy rằng chuyện muỗi ở Rạch Lăng dưới cầu Băng Ky nổi tiếng nhiều năm qua. Cũng có nghĩa là người dân ở đây đã phải chịu đựng quá lâu, dù họ đã kêu cứu khan cổ nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể diệt hết ổ muỗi.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ngành y tế TP HCM cho rằng, một mình ngành không thể diệt được, vì càng xịt thuốc thì mật độ muỗi ở đây… càng cao, nếu đánh thuốc cả con rạch thì vô cùng tốn kém. Ngành y tế đã nhiều lần họp bàn với các cơ quan chức năng để tìm cách diệt muỗi tận gốc nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được.

Đây là chuyện kỳ lạ ở đầu thế kỷ 21, khi mà khoa học y tế dự phòng đã tiến bộ, khi mà ngân sách Nhà nước đâu đến nỗi eo hẹp, mà một thành phố lớn như TP HCM lại không diệt nổi một ổ muỗi.
Chuyện hết sức đơn giản là tìm hiểu nguyên nhân vì sao rạch Lăng biến thành ao tù nước đọng, tạo môi trường cho lăng quăng sinh sản. Và nguyên nhân là do từ khi đắp con đập chặn triều cường Bình Triệu, đã ngăn dòng chảy của rạch Lăng, biến nó thành ao tù nước đọng. Chỉ cần khơi thông dòng chảy rạch Lăng và kết hợp với ngành y tế dự phòng phun xịt thuốc diệt muỗi trong một thời gian là diệt được tận gốc ổ muỗi này. Vậy mà TP HCM vẫn không làm được.

Có lần tôi chở một giáo sư là kiều bào Australia đi Phú Mỹ Hưng trong lúc có mưa lớn. Con đường Nguyễn Thái Học qua cầu Muối có ngập chút ít, nhưng vị giáo sư này cũng than: “Tại sao người dân phải chịu cảnh ngập như vậy? Nếu ở bên Australia là có chuyện ngay. Người dân đóng thuế để làm gì?”. “Đó là chuyện bên Australia, thưa giáo sư”, tôi nói, “còn ở bên ta, chuyện ngập nước, chuyện muỗi cắn là chuyện… nhỏ như con thỏ”.

Hồ Tuấn/ Đất Việt