itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đề nghị giám sát bô xít, hệ thống ngân hàng năm tới

Đề nghị giám sát bô xít, hệ thống ngân hàng năm tới

Đại biểu Lê Trọng Sang: "Giám sát DNNN, hệ thống ngân hàng giúp Chính phủ không đơn độc gánh nhiệm vụ nặng nề này".

Bàn về nội dung giám sát tối cao trong năm 2014, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiều ý kiến đề xuất chuyên đề tái cấu trúc kinh tế, nhất là với các tập đoàn, TCty nhà nước, hệ thống ngân hàng, dự án bô xít Tây Nguyên…

Chiều 11/6, Quốc hội dành thời gian thảo luận về chương trình giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7, thứ 8 (năm 2014) ngay trước phiên họp kín để nghe báo cáo về tình hình, diễn biến mới trên biển Đông.

Tờ trình của UB Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết, tính đến ngày 1/4/2013, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 207 nội dung kiến nghị từ 76 cơ quan cần xin ý kiến, tập trung vào một số nhóm vấn đề chính.

Trước hết, về lĩnh vực kinh tế, nhiều ý kiến hướng tới việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, công tác quy hoạch sử dụng đất, thủy điện; công tác đấu thầu; tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm như hạ tầng giao thông, điện lực, dự án bô xít Tây Nguyên, chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng kiến nghị tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; quản lý giá và kết quả thực hiện bình ổn giá.

Trong lĩnh vực cơ cấu, chính sách, nhiều ý kiến muốn xem xét toàn diện vấn đề ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; công tác bổ nhiệm cán bộ, hiệu quả tổ chức bộ máy, năng lực ban hành chính sách của các cơ quan nhà nước; công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và tệ nạn xã hội, công tác xét xử, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống tham nhũng.

Lĩnh vực xã hội cũng có nhiều nội dung được gợi ý như việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh cho nhân dân; quản lý, sử dụng phí, viện phí, bảo hiểm xã hội; quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới; chính sách giảm nghèo; chính sách dân số; giáo dục đại học ngoài công lập và giáo dục đại học đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục mầm non, công tác thanh niên…

Ghi nhận những ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội đưa ra 3 chuyên đề đề nghị Quốc hội xem xét quyết định.

Cụ thể, chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện (Giao UB Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (Giao UB Kinh tế chủ trì thực hiện).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (Giao UB Các vấn đề xã hội chủ trì thực hiện).

Góp ý cho các chuyên đề được giới thiệu, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước) “chấm” nội dung đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đầu tư công, trong doanh nghiệp nhà nước và trong hệ thống ngân hàng. Theo ông Hùng, đây là vấn đề lớn, bức xúc được nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.

“Có thể nói đất nước có thể cất cánh được hay không trong thời gian tới cũng chờ ở việc tái cơ cấu có thành công hay không. Việc giám sát sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện đề án mà hiện nay đang được dư luận đánh giá chậm chạp và hiệu quả thấp” – đại biểu lập luận.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) đánh giá, đây là việc hết sức cấp bách và bức xúc, là nỗi quan tâm của cử tri cả nước. Ông Sang hướng sự quan tâm đặc biệt tới hệ thống giải pháp của các bộ, ngành chức năng trong tham mưu cho Chính phủ xử lý vấn đề nợ xấu, xử lý việc đầu tư dàn trải trong đầu tư xây dựng cơ bản, vấn đề giải quyết tình trạng tồn kho và khơi thông thị trường bất động sản.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đồng tình với hướng khoanh gọn nội dung giám sát vào việc xử lý nợ xấu và hàng tồn kho.

Đánh giá thực tế vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho đang là những nội dung cả nước phải quyết liệt tập trung, bà Khánh nhận định, giám sát sẽ “gánh” giúp Chính phủ, các bộ, ngành một phần khó khăn. Nếu để một chính Chính phủ, một mình ngân hàng hoặc một ngành nào đó phải lo việc quá lớn này sẽ nặng nề, khó khả thi.

P.Thả/ Dân Tri