itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Èo uột bữa cơm công nhân

Èo uột bữa cơm công nhân

Do ảnh hưởng “cơn bão” giá xăng, giá điện làm giá cả các mặt hàng khác đồng loạt tăng, cuộc sống phần lớn người dân, nhất là công nhân (CN) thêm lao đao. Bữa ăn của họ ngày càng èo uột.

TỪ CÔNG TY

Trưa, tiếng chuông báo hiệu ngừng sản xuất, hàng trăm công nhân nhanh chóng nghỉ tay tiến về phía nhà ăn tập thể. “Mỗi suất ăn tại đây có giá hơn tám ngàn đồng, ăn uống “thoải mái”, cứ thử rồi biết”, mới vào làm công nhân, chúng tôi được anh Đặng Thái Hòa, Công ty giày da Thái Bình (số 5A xa lộ Xuyên Á, An Bình, Dĩ An, Bình Dương) cho biết. Trên bàn, thức ăn được dọn sẵn cho bảy người. Mỗi bữa ăn thường có ba món: kho, xào, luộc hoặc canh. Lọt thỏm trong chiếc dĩa nhỏ là ít thịt gà kho, chia đều may ra mỗi người được ba miếng. Món đậu que luộc già nhai ra bã, vỏ sần sùi, không thiếu những que bị sâu đục thân “dắt nhau” lên bàn cơm khoảng 300 gram chẳng lấy gì làm khá hơn. Món canh với vài cọng giá, tóp mỡ lèo tèo, bì bõm ngụp lặn trong một chiếc tô inox màu trắng đục.

Chúng tôi đến Công ty Q.M tại khu chế xuất Linh Trung II. Bữa cơm ở đây cũng còm cõi, bèo bọt không kém. Trên bàn, dĩa cải bắp luộc được cắt vụn, một dĩa thịt xào nhiều mỡ, ít nạc gồm ba lát thái mỏng tang. Tô canh mướp lều bều vài miếng xác trôi nổi. Với sức vóc khỏe mạnh và công việc nặng nhọc, cứ tưởng công nhân phải ăn bằng hai, bằng ba bình thường nhưng bàn nào cũng có những chén cơm vô chủ được xới ra rồi để đó. Với hàng ngàn công nhân nơi đây, ăn đồng nghĩa với việc bỏ chút gì đó vào bụng cầm cự cho một ngày làm việc cật lực có thể kéo dài từ 8 đến 12 giờ đồng hồ. Công nhân nữ ít người nuốt trôi hơn một chén cơm, nhiều người phải dừng bữa khi vừa nhai vài miếng. Không ít công nhân ngồi lại tại phân xưởng mở cơm, bánh mì, hộp sữa... mang theo từ sáng để ăn. Hỏi “sao không đến nhà ăn mà phải ăn xôi, bánh mì?”, chúng tôi nhận được câu trả lời đầy chua chát: “Cơm “ngon” quá không nuốt nổi”. Ám ảnh chúng tôi mãi là hình ảnh những nữ công nhân mang bầu ngồi ăn xôi, mì gói cho qua bữa vì không thể nuốt nổi chén cơm công ty. Vậy là đang có những đứa bé phải đồng cam cộng khổ cùng mẹ từ khi còn trong bụng. Thực tế tại hai công ty này cũng là thực tế chung của rất nhiều công ty hiện nay.

ĐẾN PHÒNG TRỌ

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chị Vũ Thị Hương trở về căn phòng trọ lụp xụp trên đường Nguyễn Văn Săng (quận Tân Phú) chuẩn bị bữa cơm chiều. Cầm hai con cá nhỏ xíu và mớ rau cải trên tay, chị Hương (quê Vĩnh Phúc) bảo: “Hai vợ chồng tôi thế này là xong bữa rồi đấy! Cái gì cũng đắt đỏ nên mình phải ăn uống dè sẻn mới đủ tiền mua sữa nuôi con”. Vợ chồng chị từ miền Bắc vào Sài Gòn làm lao động tự do, thu nhập có bấp bênh nhưng chưa khi nào chị cảm thấy cuộc sống khó khăn như lúc này. “Muốn tiết kiệm chỉ còn cách bớt khẩu phần ăn thôi” - chị Hương cười xòa phân bua cho bữa cơm đạm bạc.

Chợ công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần, cả chợ chỉ có hai sạp thịt heo èo uột. Chị Nguyễn Thị Hòa, công nhân Công ty giày da Duy Hưng, đắn đo mãi mới nhặt lên lát thịt ba rọi mỏng tang. Nhặt thêm mớ rau và mấy trái xoài xanh, chị khoe: “Bình thường, thức ăn mặn trong bữa cơm của tụi mình là đậu hũ kho tương hoặc trứng chiên, đầu tháng có lương mới dám mua thịt và trái cây”. Không khí chợ công nhân ảm đạm. Dường như cả người mua và người bán đều hiểu họ đang gồng mình vì giá sinh hoạt nhích lên chưa có điểm dừng.

Tương tự, tại chợ tự phát trước cổng khu chế xuất Linh Trung II (quận Thủ Đức), với đồng lương còm cõi, để mua miếng thịt, con cá, bó rau..., công nhân phải dạo quanh mấy vòng, kỳ kèo trả giá mấy lượt, đắn đo mãi mới quyết định chọn mua thức ăn. Từ khi giá xăng, giá điện tăng lên, bữa cơm của chị Phạm Thị Hồng, công nhân Công ty Kim Hồng, lại “tụt” xuống thê thảm. Mỗi bữa ăn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là rau muống, rau cải, đậu hũ, trứng chiên. Hôm nào lãnh lương thì có thêm miếng thịt, con cá. Không riêng công nhân, sinh viên nghèo và những người mới ra trường cũng khốn đốn vì giá khiến bữa ăn của họ chật vật không kém.

Với sự biến động giá cả chung như hiện nay thì mỗi suất ăn hơn tám ngàn chắc chắn rằng khó có thể đảm bảo được chất lượng bữa ăn. Nếu cộng trừ các chi phí thì khi tới miệng người công nhân nó còn được bao nhiêu? Muốn tái tạo sức lao động để công nhân có được sức khỏe tốt, làm việc, không gì hơn ngoài việc các công ty có những chính sách tăng lương đồng thời quan tâm nhiều hơn nữa tới chất lượng bữa ăn cho công nhân.

Theo CAO