itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nỗi lòng người về quê ăn Tết sớm

Nỗi lòng người về quê ăn Tết sớm

Lao động tự do nườm nượp ra về tại Bến xe Miền Đông

Cuối năm việc làm thất thường, vật giá leo thang, lương thưởng chẳng được bao nhiêu, nhiều người làm nghề lao động tự do, công nhân thời vụ chọn giải pháp về quê ăn Tết sớm. Trên chuyến xe, hành lý mang theo nhẹ tênh nhưng lòng người trĩu nặng vì nỗi lo cơm áo gạo tiền.

NHỌC NHẰN ĐƯỜNG VỀ
Còn gần ba tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tại các bến xe khách lớn nhỏ ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, trên Quốc lộ 1A... đã tấp nập bóng người về quê ăn Tết. Ngoài các nhà xe chạy tuyến cố định thì xe khách, xe dù thi nhau tranh giành khách hoạt động bát nháo.
Vác trên vai chiếc ba lô bên trong chỉ có vài bộ quần áo cũ, em Lê Văn Hoài (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang đứng bắt xe gần cầu vượt An Sương tâm sự: “Vụ mùa xong nên rảnh rỗi, em theo chân mấy anh chị vào Sài Gòn làm phụ hồ. Cuối năm công việc thất thường, bữa làm bữa nghỉ nên em và mấy bạn xin về trước, vì gần Tết vé xe đắt đỏ lắm, không chịu nổi”. Ra đứng bắt xe cùng Hoài có Trung, Chiến, Lành ở cùng xã. Những cặp mắt trẻ háo hức vào thành phố ngày nào nay trở về quê mang thêm chút suy tư. Có lẽ Sài Gòn không phải là “miền đất hứa” như Hoài nghĩ ngày nào.

Trên Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua cầu vượt Linh Trung, quận Thủ Đức, thanh niên nam nữ đứng ngồi lố nhố. Trong câu chuyện tỉ tê giữa những người cùng quê có cái gì đó phảng phất nỗi lo toan, vất vả. 40 tuổi đầu, anh Đinh Văn Thành (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) đã có thâm niên làm thợ đốt lò ở Tân Uyên, Bình Dương gần 20 năm. Những năm trước lò gạch làm ăn phát đạt, Tết đến ông chủ thưởng cho mỗi người trên dưới chục triệu, cộng với tiền lương tích góp, cả nhà có cái Tết đầm ấm, sum vầy. Nhưng năm nay “cơn bão” kinh tế đã ảnh hưởng đến “nồi cơm” của gia đình anh. Vẻ mặt đượm buồn, anh cho biết: “Gạch làm ra không bán được, đến tiền lương nhà chủ còn khất nợ nói chi chuyện thưởng. Lò giờ hoạt động cầm hơi, tôi xin về quê trước, giáp Tết nhà xe lại “chặt, chém” hết tiền Tết của vợ con”. Vừa dứt lời, chiếc xe khách chạy tuyến Sài Gòn - Nghệ An trờ tới. Sau vài câu ngã giá, anh Thành cùng mọi người vội vã nhảy lên. Chiếc xe phóng vù đi, để lại phía sau mịt mù khói bụi.
Tay dắt đứa lớn, nách ẵm đứa nhỏ mới sáu tháng tuổi, vợ chồng anh Nguyễn Đình Cảnh (ở Cam Lộ, Quảng Trị) dắt díu nhau ra công viên Long Bình, TP. Biên Hòa đón xe từ sáng sớm nhưng vẫn chưa được chuyến nào ưng ý. Vợ làm công nhân nhà máy giày, nghỉ sinh đã mấy tháng nay; anh phụ hồ cho một công trường trong Khu công nghiệp Biên Hòa II, tối về chạy xe ôm. Cứ mỗi dịp Tết đến, anh lo chuyện về quê đến rạc cả người. Năm nay kinh tế khó khăn, anh quyết định đưa cả nhà về quê ăn Tết sớm. “Ở lại mươi bữa nữa cũng kiếm được vài ba triệu đồng, nhưng tiền xe lúc đó đắt lắm, bù qua trừ lại đâu cũng vào đấy. Thôi thì cho vợ con về quê sớm đón Tết với ông bà già cho vui” - anh Cảnh bộc bạch.

Công nhân đổ ra khu vực cầu vượt Linh Xuân bắt xe về quê

HẨM HIU QUÀ TẾT

Vào thành phố với hy vọng kiếm được việc làm, đồng lương kha khá để về quê đón cái Tết đầm ấm, đầy đủ với gia đình, chòm xóm nhưng tình hình khó khăn chung đã khiến không ít công nhân, lao động thất nghiệp. “Những năm trước, thời điểm gần Tết chúng tôi phải tăng ca liên tục, công ty cũng có những chế độ ưu đãi, xe đưa về tận quê. Nhưng năm nay làm ăn thua lỗ, phải cắt giảm nhân công, mỗi tuần chỉ làm hai ba ngày, tiền ăn uống lại đắt đỏ nên chúng tôi quyết định về quê sớm cho đỡ tốn kém” - chị Hà Thị Ngọc, công nhân may mặc ở Khu công nghiệp Sóng Thần, than thở.
Đứng nép bên góc đường gần cầu vượt Linh Xuân, em Lê Thị Hòa (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tâm trạng rối bời. Hành trang về quê là mấy bộ quần áo và hai triệu đồng công ty mới thanh toán, khoản lương còn lại sang năm mới lấy được. Tiền tàu xe đã ngốn hết phân nửa, số còn lại em tính toán mua sao cho đủ mỗi đứa em một bộ quần áo mới, bởi trước khi đi đã lỡ hứa với chúng rồi. “Ngoài đó giờ giá rét, mua mấy bộ áo ấm cho các em mặc đi chơi Tết. Đi cả năm trời tụi nó ngóng chị hoài, không có quà tội nghiệp lắm!” - vừa nói Hòa vừa quay mặt đi, giấu đôi mắt đỏ hoe như muốn khóc.
Những năm trước, cứ đến thời điểm ông Táo về trời thì công nhân trong dãy trọ của ông Nguyễn Văn Nhanh (ở phường Long Bình, Biên Hòa) mới về quê. Vậy mà năm nay nhiều phòng đã vắng bóng người, không khí nhà trọ đìu hiu. Trong căn phòng rộng chưa đầy 20m2, chị cả Hồ Thị Hoa (quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đang làm bữa cơm đạm bạc chia tay hai em. Công việc thất thường, cả năm dành dụm chả được bao nhiêu, nếu về quê cả ba chị em thì không còn tiền tiêu Tết. Vậy là chị quyết định hy sinh cho các em, ở lại Biên Hòa ăn Tết cùng một số anh em công nhân. Chị kể: “Năm trước còn có tiền tăng ca, tiền phụ cấp, chứ năm nay doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, họ cắt giảm hết khiến thu nhập teo tóp. Cho hai em nó về, mình ở lại cũng hơi buồn nhưng đành chịu thôi”. Bữa cơm chia tay lặng lẽ, chốc chốc lại nghe tiếng thở dài.
Đưa ba mẹ con ra Bến xe Miền Đông để về quê đón Tết với ông bà, gương mặt anh Nguyễn Văn Hoan (quê Hải Hậu, Nam Định) buồn xo. Hai vợ chồng vào Dĩ An, Bình Dương làm nghề đúc tượng đã bốn năm nay, những năm trước, vào dịp cuối năm vợ chồng anh làm luôn chân luôn tay mà không kịp hàng để giao, đến 28 Tết mới được nghỉ ngơi. Vậy mà thời điểm bây giờ chẳng có ai đặt hàng, số tiền dành dụm cả năm cứ hụt dần vì tiền nhà trọ, tiền sữa cho hai đứa con sinh đôi. Anh quyết định cho vợ và hai con nhỏ về quê, đứa lớn ở lại với mình. Xe chuẩn bị xuất bến, anh hết hôn hít hai con rồi lại nắm tay vợ. “Về quê nhớ mặc áo ấm cho con em nhá, ngoài đó lạnh lắm đấy. Qua Tết anh ra đón mẹ con em vào” - tiếng anh lạc đi khi chiếc xe khách rồ ga vụt chạy.
Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc mỗi khi Tết đến xuân về, trong lòng những người lao động nghèo khổ, công nhân xa quê, cái Tết còn trĩu nặng những nỗi lo. Và ai cũng mong năm sau sẽ đón một cái Tết đầy đủ, ấm cúng hơn năm trước.

TRIỀU DƯƠNG/CA