itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / "Gã phù thủy" tại những đám tang

"Gã phù thủy" tại những đám tang

Đoàn Hồng Khanh - đội mũ trắng đi xe

Jupiter đang bám theo đám tang.

Tháng 7.2005, tại Hà Nội xảy ra một loạt các vụ mất cắp tiền phúng viếng có giá trị lớn một cách bí ẩn với một “kịch bản” được viết sẵn.

Khi đám tang bố được cử hành xong xuôi, trở về nhà, cô con dâu phát hiện ra toàn bộ tiền phúng viếng, tư trang trị giá gần 150.000.000 đồng không cánh mà bay. Người chết không thể mang theo của cải. Nỗi buồn mất người thân, mất thêm của làm cho người ở lại càng sầu não, hoang mang, nghi ngờ, cáo buộc lẫn nhau... Họ không ngờ rằng, mình chỉ là nạn nhân của một tên trộm quá cao thủ.

7 vụ mất cắp cùng “kịch bản” trong một tháng

Suốt cả một mùa hè 2005, những vụ mất tiền phúng viếng tương tự bởi một bóng ma vô hình đã ám ảnh, đe doạ nhiều đám tang trên địa bàn Hà Nội. Nhất là đối với đám tang người thân của các quan chức được tổ chức ở các nhà tang lễ lớn.

Tháng 7.2005, tại Hà Nội xảy ra một loạt các vụ mất cắp tiền phúng viếng có giá trị lớn một cách bí ẩn với một “kịch bản” được viết sẵn.

Trưa ngày 22.7.2005, tại số 1, nhà 20 Lý Quốc Sư, Hà Nội, khi đang tập trung làm lễ chuẩn bị đưa bố chồng mình ra nghĩa trang, chị Thu đã bị kẻ gian lấy đi 5.600.000 đồng, 5 dây chuyền, 4 nhẫn vàng, 2 đôi hoa tai tổng trị giá lên tới 55.690.000 đồng.

Sau đó 1 ngày, cuối giờ chiều 23.7.2005, ở một đám tang khác, đoàn người đã rời khu mộ mới của nghĩa trang Văn Điển và đưa di ảnh của người mới ra đi về nhà (188 Nghi Tàm - Yên Phụ) thắp hương. Mệt rã rời, trở về phòng, chị Nguyễn Thị Minh Hằng - con dâu người đã khuất tá hoả khi phát hiện ra mọi của cải, tư trang của mình đã không cánh mà bay. 80 tờ 500.000 đồng, 4 dây chuyền vàng, 1 lắc vàng với tổng trị giá 53.200.000 đồng đã biến mất khi các cánh tủ trong phòng đều đang đóng kín. Không một dấu vết.

Mấy lần chị định bốc điện thoại gọi Công an, nhưng không biết nghi vấn đối tượng nào cả. Nếu như là người trong gia đình thì mọi việc trở nên không hay ho chút nào, khi cơ quan điều tra vào cuộc. Ngậm đắng nuốt cay, chị Hằng đành để cho vụ mất mát này đi vào quá khứ, coi như một tai nạn mà chính gia đình chị đã không may vấp phải.

Tiếp đó, ngày 27.7.2005 sau khi mai táng cho bố mình, chị Bùi Thị Bình tức tốc tới Công an báo rằng toàn bộ số tiền phúng viếng lên tới 148.070.000 đồng mà người thân và bạn bè bố chị đến chia buồn đã biến mất không một dấu vết.

Chỉ hai ngày sau, 29.7.2005, chị Đỗ Thanh Bình ở 91 Phủ Doãn, Hà Nội cũng đã bị kẻ gian lấy đi hơn 110.000.000 đồng trong khi tang gia chưa hết bối rối.

Trước đó, cũng trong tháng 7/2005, 3 đám tang ở quận Hoàn Kiếm với những số tiền phúng viếng giá trị lớn đã biến mất một cách cực kỳ khó tin. Tất cả đều diễn ra cùng một kịch bản giống nhau không sai một chi tiết nào cả. Nhưng vì các gia đình nạn nhân hầu như không thông báo rộng rãi, nên các vụ mất cắp đều để lại mối nghi ngờ lẫn nhau trong gia đình. Không ít gia đình sau đám tang, giữa người thân đã xảy ra cãi vã, lời qua tiếng lại căng thẳng.

Qua mặt trinh sát

Không chỉ riêng tháng 7, cả mùa hè 2005 xảy ra vô số vụ mất cắp kỳ lạ, táo tợn, tinh vi và bí ẩn. Không có “ma quỷ” nào ở đây, với những tình tiết giống y hệt nhau xảy ra đối với các đám tang, thì chỉ có thể là một kẻ lưu manh đang lợi dụng sơ hở lúc tang gia bối rối để “khoắng của”.

Nhận định như vậy, ngày 20.7.2005 đội CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã thành lập một chuyên án bí số 050K để tóm cổ kẻ chuyên gieo rắc thêm nỗi đau ở các đám hiếu.

Suốt một tháng ròng, hai trinh sát Nguyễn Hữu Điển và Nguyễn Xuân Tráng phải miễn cưỡng dự hầu hết các đám tang được tổ chức tại các nhà tang lễ. Tuy nhiên, qua mặt các trinh sát của cơ quan điều tra, của cải người thân, tiền phúng viếng người chết vẫn bị đánh cắp một cách cực kỳ êm thấm. Cho dù nhiều biện pháp nghiệp vụ đã được áp dụng, kể cả tăng cường lực lượng để giám sát ngoại tuyến tại các nhà tang lễ lớn như số 5 Trần Thánh Tông, 125 Phùng Hưng, Bệnh viện Việt Xô, Bệnh viện Thanh Nhàn... Nhưng, tình hình vẫn không khả quan.

Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì, hết đóng giả thân nhân người chết trà trộn vào đám đông, rồi ngồi các quán trà đá cạnh các nhà tang lễ, hai trinh sát cũng đã gặt hái được kết quả.

Trong vai “đại gia lương thiện”

Khoảng 14h30 ngày 2.8.2005, tổ trinh sát tại nhà tang lễ tại 125 Phùng Hưng thấy một đối tượng xuất hiện tại đám tang nhà bà Lê Thị Bừng, trú tại 16H17 phố Phan Văn Tường, Cầu Giấy, Hà Nội. Đối tượng đã trà trộn vào đám đông người đưa tang rồi đột nhập lên tầng 3, cạy hai tủ cá nhân định lấy cắp 1 dây chuyền, 5 chỉ vàng, 5 triệu đồng và túi tiền phúng viếng. Chưa kịp tẩu thoát thì hắn đã bị bắt giữ ngay tại chỗ.

Tên đầy đủ của tên trộm siêu đẳng này là Đoàn Hồng Khanh, sinh năm 1969. Khanh có hộ khẩu tại 31 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Hữu Điển, khi hành sự, lúc nào Khanh cũng vận complé rất lịch sự, nhẫn vàng đầy tay, dây chuyền vàng đeo đầy người. Trông hắn không khác gì một đại gia lương thiện.

Chính vì vẻ bề ngoài “đạo mạo” đó, mà hắn qua mặt các trinh sát trong nhiều phi vụ.

Trong quá trình đấu tranh khai thác làm rõ, Khanh khai nhận rằng hắn lợi dụng việc tang gia bối rối, trà trộn, đột nhập vào nhà chủ yếu ở thời điểm đưa thi hài và ảnh từ nhà tang lễ ra nghĩa trang. Khi đó, gia chủ thường phải rẽ qua nhà để thắp hương và cất tiền phúng viếng.

Trong lúc lộn xộn, hắn tìm cách ẩn náu. Khi mọi người đưa tiễn người chết ra nghĩa trang thì mới bắt đầu cạy tủ để lấy tiền phúng viếng và các tài sản quý khác như vàng bạc, tiền mặt, ngoại tệ...

Theo Trung tá Điển, sở dĩ hắn qua mặt được cơ quan điều tra nhiều lần là bởi thái độ thân mật của hắn đối với người nhà. Khanh đến ân cần động viên họ. Nếu người nhà nội thì hắn giới thiệu mình bên ngoại và ngược lại. Hơn nữa, trong lúc do thám tình hình và đưa tang, hắn sử dụng luân phiên 3 chiếc xe máy khác nhau, cho nên ảnh chụp của cơ quan điều tra không cho thấy một điểm chung nào của tên đạo chích.

Những giấc mơ khủng khiếp

Trao đổi với chúng tôi, người trực tiếp điều tra, thụ lý vụ án này, Trung tá Nguyễn Hữu Điển nói rằng, Khanh là một tên trộm ngoan cố và cực kỳ khôn ngoan. Các nhân viên điều tra đã dùng nhiều phương án để thẩm tra nhưng không “moi” được gì ngoài vụ bắt quả tang hôm 2.8.2007.

“Tất cả những vụ mất cắp không để lại manh mối gì và hắn đều chối tội với những bằng chứng ngoại phạm cùng lý lẽ sắc bén. Đã có lúc, chúng tôi đặt ra một hướng điều tra khác rằng, tất cả các vụ trộm tại những đám tang không phải chỉ có mỗi Khanh hành động”. Cho đến một ngày, cái ngày đó đã hơn hai tháng sau khi bị tạm giam, hắn bất ngờ xin gặp Trung tá Điển.

Khuôn mặt nhợt nhạt, mệt mỏi và tỏ rõ sự chán nản, sợ hãi, hắn lí nhí: “Thầy (đại từ hắn thường xưng với các đồng chí công an) có tin có linh hồn người chết không?”. Trung tá Điển trả lời: “Có chứ. Người vừa nằm xuống chứng kiến cảnh anh đã gây nên điêu đứng cho gia đình họ, gây nên hiểu nhầm nội bộ, rạn nứt, thử hỏi họ chết có nhắm mắt được không?”.

Mặt xanh tái, hắn bắt đầu tuôn ra những lời thú tội từ trước tới nay hắn quyết không mở miệng: “Từ hôm ngồi trong trại, đêm xuống em mơ thấy hình ảnh của những người chết hiện về quở trách”. Không những thế, hắn còn run bắn người lên khi hình dung lại thi hài của người quá cố lúc được đưa vào phòng liệm mà chính hắn đã được chứng kiến. Tất cả dằn vặt, ám ảnh khiến hắn không thể im lặng được nữa.

Trước tội lỗi mà hắn gây ra, Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã xử Đoàn Hồng Khanh 11 năm tù.

Trước khi bị tóm cổ, Đoàn Hồng Khanh đã có 5 tiền án, trong đó có 2 tiền án về tội trộm cắp trong đám tang. Mới ra tù lần thứ 2 cuối năm 2003.

Ngoài đối tượng “yêu thích” để hành sự là các đám ma, Khanh còn làm biến mất rất nhiều “quả tim” đựng phong bì tại các đám cưới trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Cơ quan điều tra đã phát hiện ra một ngôi nhà do Khanh mua ở 53/113 Bạch Đằng, Chương Dương, Hà Nội. Đồng thời thu giữ 83 triệu đồng, 210 USD, 3 dây chuyền vàng, 3 lắc vàng, 7 nhẫn vàng, 1 xe máy Jupiter và nhiều tài liệu vật chứng khác.

Theo GĐ&XH