itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Khát vọng thoát nghèo

Khát vọng thoát nghèo

Ngư dân trẻ Hồ Huỳnh Xuân Phú - Ảnh: Trần Thị Duyên

Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, họ còn là những đầu tàu trong các phong trào phát triển kinh tế, sống đẹp cho thanh niên địa phương.

Đi lên từ khó khăn

Sau 6 năm khởi nghiệp từ nghề sửa xe không mấy khá khẩm, anh Trần Văn Cầu (30 tuổi, ở xã Hoài Châu, H.Hoài Nhơn, Bình Định) quyết định “bẻ lái” cuộc đời mình. Năm 2006, anh mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội để nuôi cá nước ngọt trong vườn tạp. “Nghĩ lại cũng thấy mình liều vì thời điểm đó nghề này chưa từng có ở địa phương. Nhưng khát vọng thoát nghèo đã giúp mình thêm can đảm”, anh Cầu chia sẻ. Đến nay, anh đã có 8 hồ nuôi cá với tổng diện tích hơn 150m2, mỗi năm xuất hồ hơn 8 tấn cá. Mô hình sản xuất mới này đã đem về cho gia đình anh Trần Văn Cầu từ 100 triệu - 120 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.

Từ hai năm nay, anh Cầu đã nhân rộng 7 cơ sở nuôi cá nước ngọt, giải quyết việc làm cho thanh niên trong xã. Ngoài ra, anh còn là phó bí thư xã đoàn năng nổ, tham gia tích cực phong trào bảo vệ an ninh địa phương.

Ngư dân trẻ Hồ Huỳnh Xuân Phú (26 tuổi, ở xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định) lại làm giàu bằng cách bám biển. Từ một thanh niên mới lập gia đình còn nhiều khó khăn, anh không ngần ngại vay vốn ngân hàng để đóng tàu ra khơi. Chiếc tàu có công suất 100 CV đã cùng anh Phú giải quyết việc làm cho hơn 10 thanh niên trong vùng. Những chuyến biển thuận lợi đã đem về cho họ thu nhập từ 3-5 triệu/tháng. Anh Phú đúc kết: “Mình còn trẻ, còn sức thì không lý gì đầu hàng khó khăn. Nếu có lòng thì biển không phụ mình đâu”.

Hằng năm, cứ đến mùa bão lũ, anh Phú lại cùng thanh niên địa phương bàn tính chuyện cứu trợ.

Ông chủ vườn ươm

Bằng số tiền vay mượn, Cao Quý Ngà (31 tuổi) ở thôn Trung Lương 2, xã An Nghiệp, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành triệu phú với tổng thu nhập hằng năm lên tới gần 400 triệu đồng. Sau nhiều lần trồng mía thất bại dẫn đến nợ nần chồng chất, Ngà không lùi bước mà luôn nghĩ cách làm ăn mới để “giải nợ”. Qua tìm hiểu, Ngà biết thị trường tiêu thụ rất mạnh các loại cây như keo lá tràm, bạch đàn, sao đen, mây nếp… nên anh quyết định bán hết 5 ha đất mía rồi đầu tư 26 triệu đồng sang lại 12 sào đất ở gần nhà để làm vườn ươm các loại cây này. Đồng thời, Ngà vay thêm 15 triệu đồng từ kênh Đoàn thanh niên và 30 triệu đồng từ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn để mua hạt giống về ươm.

Với số lượng cây ươm và giá thành như hiện nay, Ngà hạch toán, mỗi năm trừ chi phí anh thu nhập khoảng từ 300-400 triệu đồng. Nhờ vậy, Ngà không những có tiền trả hết nợ mà có được số vốn đầu tư thêm 15 ha rừng keo lá tràm 1-2 năm tuổi và trồng mới gần 8 ha keo lá tràm. Vườn ươm của Ngà cũng thường giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Ngoài ra, hằng năm Ngà còn dành khoảng 15-30% số tiền kiếm được đóng góp vào các quỹ khuyến học, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và tạo điều kiện giúp vốn, hướng dẫn cách làm ăn cho một số hộ gia đình khác ở địa phương.

Trần Thị Duyên - Hà Kiều My