itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Qua những vùng lũ quét

Qua những vùng lũ quét

Nước lũ tăng nhanh, một số thị trấn ngập nước

Gần một tuần đối mặt với lũ, ngoài nỗi vất vả của lực lượng gia cố đê còn bao nỗi lo toan của người dân khi tài sản bị nhấn chìm trong lũ. Cái đói đang rình rập đời sống của người dân bao năm sống chung với lũ.

NGƯỜI NGHÈO LO ĐÓI
Cơn mưa chiều 5-10-2011 còn nặng hạt. Bà Võ Thị Hương (ngụ ấp Bình Thạnh A, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) đứng ngồi không yên. Lúc bà loay hoay chạy ra cửa nhà nhìn dòng nước; lúc lại cầm cái rađiô cũ rích chờ tin dự báo thời tiết. Bà Hương nói giọng buồn xo: “Nước lên kiểu này, vài bữa nữa gia đình tui phải chuyển nhà lên Quốc lộ 30 để tránh lũ”. Quanh ấp Bình Thạnh A, chúng tôi nhận thấy người dân thấp tha thấp thỏm trước tin dự báo thời tiết, biết ra sao khi dòng nước lũ ngày càng tăng đột ngột. Ông Nguyễn Thành Ba (ngụ xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) buồn rầu chỉ dàn lưới để bắt cá mùa nước nổi. Theo lời ông, nhiều người dân nghèo trong xóm thuộc diện không đất sản xuất, sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản đã phải thất vọng. Đầu mùa lũ năm nay họ hí hửng bao nhiêu trước tin lũ “đẹp” thì nay, nỗi lo toan hằn trên nét mặt. Ông Ba nói: “Đầu mùa lũ tui đi vay đi mượn được vài triệu đồng để sắm lưới. Qua mấy đợt nước tăng, tui mừng thầm sẽ có cái ăn. Nào ngờ nước lên nhanh quá. Chú nghĩ coi, nước ngập 3 - 4 mét giăng lưới cái nỗi gì. Năm nay dân nghèo lại phải chạy gạo”.

Dọc những vùng ngập lũ, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp bao nỗi lo toan của người dân đánh bắt thủy sản. Họ hy vọng rồi thất vọng. Nước lũ tràn như thác, cộng thêm đợt mưa nặng hạt, người dân chuyên đánh bắt thủy sản phải bỏ cuộc. Anh Trần Thanh Tâm (ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) thất tha thất thểu từ ngày An Giang bị lũ quét. Cũng như bao dân nghèo khác ở vùng Bảy Núi, anh Tâm chờ đến mùa lũ - mùa mưu sinh của dân nghèo. Lũ về mang theo tôm cá, phù sa... Lũ giúp người dân qua cái đói. “Thế mà, tui đành thất vọng. Mấy bữa rày tui nhìn ba đứa con mà lo sợ. Lũ lớn kiểu này, vài ngày nữa lấy gì bỏ vô bụng?”. Ông Trần Văn Thật (ngụ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) chỉ căn nhà nước ngập lênh láng sau đợt vỡ đê, nói: “Chỗ ở còn chưa yên lo đánh bắt cá cái gì. Nước lên kiểu này hoài, người dân đói là cái chắc”.
TRẮNG TAY VÌ LŨ BẤT NGỜ
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Hồ Bửu Kiếm (ngụ ấp Hòa Khánh, Hòa An, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) trong lúc đang be bờ bảo vệ nửa công dưa leo mới bước vào thu hoạch. Anh cho biết, hơn mười ngày qua gia đình phải trực ngày đêm. Ruộng dưa của anh có hai mặt xung yếu: một mặt giáp với bờ vườn phải đắp đất lên, một mặt bờ nhỏ nên không đắp đất lên cao được, phải mua vải bạt ngăn nước lũ (hai mặt còn lại giáp lộ và vườn). Anh Kiếm than thở: “Phải biết trước năm nay lũ lớn, tui không trồng dưa làm chi cho cực. Bây giờ ăn ngủ không yên, chỉ cần sạt bờ, rách vải bạt nước tràn vào ngập liếp dưa là xem như mất hết gần bảy triệu đồng tiền vốn, chưa tính công chăm sóc”. Lo chống lũ bảo vệ ruộng dưa leo nên ao cá tra, cá hường trong hầm của anh Kiếm cũng đã đi một phần vì lũ tràn, bao lưới không kịp. Còn hộ của ông Trần Ngọc Phổ thì bị lũ nhấn chìm khoảng 3.000m2 dưa leo, mướp, ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng.

Người dân An Giang thu hoạch lúa chạy lũ

Anh Nguyễn Hữu Đức, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Hòa Khánh (xã Hòa An, TP.Cao Lãnh) cho biết, toàn ấp có khoảng 15.000m2 mặt nước nuôi cá, do lũ lên cao nên khoảng 5.000m2 ao cá nuôi có cá thoát ra ngoài. Có người nuôi cá sặc rằn trong ao khoảng 500m2 bị lũ tràn, bao lưới không kịp cá ra ngoài đồng, người ta giăng lưới, đăng dớn dính khá nhiều. Nhiều năm qua lũ nhỏ, không tràn bờ nên bước vào mùa lũ năm nay nhiều người chủ quan không be bờ, bao lưới cao bảo vệ cá. Đến khi lũ lên nhanh vào ban đêm làm ngập ao, cá nuôi thoát ra. Anh Lê Văn Phước (ở ấp Hưng Lợi Đông, Long Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) nuôi một ao cá trê và một số cá khác. Khi thấy nước còn khoảng 20cm mới tràn bờ, anh Phước định hôm sau be bờ cao lên, nhưng sau đêm mưa nước lớn lên cao làm ngập bờ và cá đi gần hết.
Trong khi đó, thông tin thiệt hại vùng lũ tăng lên từng ngày. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 4-10, tỉnh có gần 9 ngàn căn nhà bị ngập nước, 1.900 hécta lúa thu đông mất trắng do bị bể bờ bao, 934 hécta hoa màu bị ngập, 3.475 hécta cây ăn trái bị ngập (trong đó hơn 1.500 hécta thiệt hại 100%) và 564 hécta thủy sản bị thiệt hại. Tại An Giang, Ban phòng chống lụt bão cho biết, lũ lớn làm sạt lở 21 cụm tuyến dân cư, trong đó 7 cụm sạt lở nghiêm trọng (chiều dài 6.306m) và 4 cụm cần khắc phục; 14.176 căn nhà bị ngập, số nhà xiêu vẹo 851 căn; lúa vụ thu đông bị ngập là 160 hécta, mất trắng 3.883 hécta trong đó Châu Phú là 2.935 hécta, Châu Thành 320 hécta...

Anh Kiếm bảo vệ ruộng dưa leo

Không ít địa phương ở vùng bị ngập vận động Mạnh Thường Quân khẩn trương quyên góp tài sản cứu đói dân nghèo. Lại một năm nữa người dân thượng nguồn vùng lũ đang đối mặt với bao khó khăn thử thách...

 

Vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ký quyết định số 1711/QĐ-TTg trích 170 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2011 hỗ trợ 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đối phó với mưa lũ, củng cố đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn dân cư. Theo đó, An Giang: 60 tỷ đồng, Đồng Tháp: 25 tỷ đồng, Kiên Giang: 20 tỷ đồng, các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang và TP.Cần Thơ mỗi tỉnh 15 tỷ đồng, Long An và Vĩnh Long mỗi tỉnh 10 tỷ đồng.

THIỆN THẢO - BÁ DŨNG/CA