itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Làng hoa Sa Đéc: tất bật tìm nơi bán

Làng hoa Sa Đéc: tất bật tìm nơi bán

Thuê đất đô thị để trồng hoa. Ảnh: HL

Càng cận Tết, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) tất bật trong cuộc đua nước rút. Ông Trần Văn Thăng, chủ tịch hội sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc nhận định: “Có lẽ hoa sẽ được giá vì trời lạnh. Sản lượng hoa, trừ hoa cát tường tăng do năm ngoái trúng lớn, còn lại cúc, vạn thọ... giảm khoảng 50%”.

Hoa hồng là thế mạnh của làng hoa Tân Quy Đông, chiếm tỷ trọng 40 - 50% trong cơ cấu hoa trồng của làng hoa này. Ông Thăng lấy trong túi ra một tài liệu nghiên cứu giống hoa hồng mới vừa được sở KH-CN tỉnh Đồng Tháp nghiệm thu cho chúng tôi xem. 18/22 giống do TS Xuân Thu, TS Nguyễn Bảo Vệ thuộc khoa nông nghiệp & sinh học ứng dụng trường ĐH Cần Thơ tuyển chọn và thuần hóa, gồm: hoa hồng cánh sen, hồng trắng thuỷ tinh, hồng vàng Hà Lan… có ưu thế cạnh tranh: thời gian nở hơn 10 ngày, độ xoắn hoa đẹp và ít sâu bệnh. Có 18 giống hồng mới trong tay, ông Thăng tự tin nói: “Sa Đéc sẽ khôi phục thế mạnh vùng trồng hoa hồng hiếm hoi ở miền Tây này".

Khu công nghiệp Sa Đéc hiện hình, làng hoa tản ra chung quanh, ông Thăng so sánh: 10 năm trước làng hoa có 100 ha, nay 312 ha, mỗi năm diện tích tăng 20 ha. Cái khó khi mở thị trường càng phức tạp hơn.

Hiện nay thương lái đặt cọc mua khoảng 30% sản lượng hoa của làng hoa Sa Đéc trong khi dân làng hoa xem ngưỡng an toàn là 60%. Anh Lê Văn Cường, một người thuê đất trồng hoa ở An Hoà nói: “Chở hoa về TP.HCM tự sản tự tiêu 9 - 10 năm rồi, nhưng năm ngoái TP.HCM không cho dân tỉnh lên bán nữa, phải mua lô của người tại chỗ, giá chợ đen 6-7 triệu đồng/lô, cao hơn giá nhà nước 3-4 lần. Trồng hoa phải đi thuê đất, bán hoa phải mua lô chợ đen là cái khổ triền miên. Năm nay tui trồng trên 10.000 giỏ, năm trước chỉ 8.000 giỏ. Chủ yếu là tăng số lượng giỏ hoa hồng. Năm rồi, cúc trổ sớm, cát tường không đủ bán; lúc đầu bán 25.000 đ/giỏ, cuối cùng giá chợ đẩy lên tới 40.000đ/giỏ".

Ông Trần Văn Bình, dân Tân Quy Đông trồng 20.000 giỏ hoa. Lái chỉ lấy hàng khi hoa có đủ 50 bông/giỏ. Bông ít hơn thì họ không lấy, phải tự chở đi bán, chi phí vận chuyển 2,5 triệu/xe (1500 giỏ), chở 3 chuyến bán hết mới có lời. Thiếu đất phải thuê để trồng hoa với giá 7 triệu đồng/ 1000 m2 . Thời tiết khiến hoa trổ muộn vì mưa nhiều, thiếu nắng. Bán cho thương lái xong phải dành 40% đi bán trực tiếp trên thành phố. Tìm cách chen chân vào các chợ hoa trên thành phố khó khăn lắm, ông Bình than thở:“Năm nay, tới giờ này vẫn chưa có lô. Nhờ người “mua lại quyền thuê lô”, người ta nói dân thành phố bắt lô nhưng chưa bán lại.

Làng hoa sẽ thành điểm du lịch

Chạy cặp đoạn đường Lê Lợi từ chân cầu Sa Đéc là bãi lên hàng của dân làng hoa. Xe tải từ các tỉnh về đậu nối đuôi ăn hàng từ sáng đến tối. Cánh xe tải từ miền Trung bắt đầu ăn hàng sớm nhất. Ông Thăng cho biết: "Làng hoa Sa Đéc chuẩn bị khoảng 3 triệu giỏ hoa và 1 triệu chậu kiểng lá. Giá cả vẫn là ẩn số. Thông thường, từ 17 tháng chạp mới biết giá, thành bại. Trồng hoa như... đánh bài vì lệ thuộc may rủi do thời tiết, vật giá... và từ khi làng hoa biến thành phường thì mỗi hộ chỉ còn chừng 1.000m2 đất trồng hoa, phải thuê đất nên chi phí đội lên cao".

Hoa hồng vẫn là thế mạnh của dân làng hoa Sa Đéc, ít có làng hoa nào ở đồng bằng giỏi nghề trồng hoa hồng hơn. Ông Thăng nói rằng từ đầu năm 2011, sẽ tổng kết mô hình cải thiện biện pháp trồng hoa truyền thống. Những người trồng hoa và hội sinh vật cảnh đang đề nghị chính quyền thành lập trung tâm triển lãm dịch vụ làng hoa, trưng bày giống hoa, có cửa hàng, có khu triển lãm, có nhà hàng như làng hoa thu nhỏ kết hợp du lịch, phát triển hoa kiểng theo dự án và nuôi sống trung tâm này bằng dịch vụ, đón khách tham quan.

Hoàng Lan/ SGTT