itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Trắng đêm mưu sinh

Trắng đêm mưu sinh

Những công nhân bốc xếp phải làm việc từ đêm đến sáng

Trong lúc mọi người đang say giấc ngủ thì tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân - Hóc Môn, TP.HCM có hàng trăm người bốc xếp và gần ngàn người phụ việc các vựa hàng phải thức trắng đêm cho cuộc mưu sinh.

Từ 1g sáng, từng đoàn xe tải 5-10 tấn chở rau, củ, quả… từ Đà Lạt, An Giang, Cần Thơ, Long An… nối đuôi nhau đổ về chợ Tân Xuân. Từng tốp tổ viên bốc xếp, mồ hôi ướt đẫm áo, vội vàng lao ra khi mỗi xe hàng vừa dừng lại.

“Xuống hàng” xong, một xe tải dừng chân nghỉ giây lát, anh Nguyễn Phước (45 tuổi - quê Quảng Ngãi) kể với chúng tôi, anh làm nghề bốc xếp đã 20 năm, có hai con. Vợ anh cũng làm phụ vựa ở chợ, sắp xếp hàng lên xe cho bạn hàng và cũng thức trắng đêm như anh. Mỗi đêm, từ 22g30 đến 7g sáng, anh bốc đến bảy - tám tấn trái cây, rau, củ. Dù vậy, thu nhập cao nhất chỉ bốn triệu đồng/tháng. Lúc mới vào nghề, anh đã vắt kiệt sức để lấy tiền nuôi con ăn học, quyết không để nó “nối nghiệp” cha. Nhưng éo le thay, con trai anh Phước đang làm công nhân thì công ty phá sản, nên đành xin vào “đội quân” bốc xếp của cha.

Ở tuổi 50, đêm nào anh Trần Văn Hùng (Hóc Môn, TP.HCM) cũng cố vác kịp các đồng nghiệp. Anh kể, vợ anh thất nghiệp do đau yếu, các con chỉ học đến lớp 6-7 rồi nghỉ học đi làm thuê. Vào nghề bốc xếp từ năm 1990, có lần chất hàng lên xe, anh Hùng bị dây xích nối nắp thùng xe đập vào người, té và bị giỏ hàng hơn 100kg đè lên người. Di chứng của tai nạn ấy là những cơn đau lưng, đau khớp hành hạ, nên anh chỉ làm được khoảng 20 ngày/tháng. Nhiều lần anh tìm công việc khác nhưng do tuổi cao, vốn và học vấn không có, nên tiếp tục ra chợ cõng hàng.

Anh Nguyễn Văn Nhanh - Đội trưởng bốc xếp cho biết: “Chợ có hai đội làm ban ngày gồm 150 người, đội làm đêm có 170 người. Cuối tháng, các tổ trưởng thống kê sản lượng, chia đều thu nhập cho tổ viên (ba - bốn triệu đồng/người/tháng). Họ đều là nam, được hưởng đủ chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Theo ông Lê Minh Rì - Đội phó đội bảo vệ chợ Tân Xuân, Chợ có 225 vựa, mỗi vựa thuê năm - bảy người phụ bán hàng. Gần Tết, lượng hàng hóa tăng 40-60%, nhu cầu thuê phụ vựa tăng khoảng 20%. Để bảo đảm an ninh trật tự, đội bảo vệ yêu cầu các chủ vựa phải đăng ký những người phụ vựa.

Chị Phương My (chủ vựa hành tỏi) nói, sắp đến Tết nên những người buôn bán lẻ khắp nơi đổ về đây mua hàng nhiều gấp đôi tháng trước, nên chị đã nhập lượng hàng gấp đôi, gấp ba so với trước đây (bảy-tám tấn/ngày). Vì vậy, ngoài năm lao động đang thuê, chị cần tuyển thêm năm-bảy người nữa. Lúc này tìm ra lao động phù hợp thì rất khó, nên chị phải nhờ người đang làm giới thiệu người thân, bạn bè đến phụ vựa.

Chị Lan Hoa (quê An Giang) bộc bạch: “Cứ cuối năm tôi lại khăn gói lên chợ đầu mối Tân Xuân xin phụ bán rau cho một chủ vựa quen. Từ 20g đến 7g sáng, tôi phân loại rau, bỏ vào túi giao cho khách. Mỗi đêm, chủ trả từ 80.000 - 100.000 đồng. Mấy tháng nay tôi chưa có được một giấc ngủ đêm ngon lành”.

Khệ nệ vác thùng dưa hấu chất lên xe cho khách, quẹt vội mồ hôi chảy dài trên má, chị Minh Huệ (quê Nghệ An) kể: chị làm công nhân cho Công ty Hải Vinh được vài năm thì công ty phá sản. Lúc đó, chị được một người bạn giới thiệu đi phụ vựa dưa hấu. Vác dưa hấu suốt đêm, chị được trả 100.000 đồng. Sức khỏe có hạn, ban ngày, chị chỉ chợp mắt được hai tiếng, nên lúc nào cũng có cảm giác mỏi mệt. Chị mong sao tìm được một công việc ban ngày ổn định.

Quỳnh Mai/ PNO