itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Về thành… bắt cua

Về thành… bắt cua

Cua thiên nhiên mỗi lúc một cạn kiệt nên có chuyện ngược đời, hàng ngày có năm bảy chục người ở Tiền Giang, Long An đạp xe, chèo ghe lên TP.HCM đi bắt cua ở huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM giáp với đô thị Phú Mỹ Hưng, nên tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt. Dọc đường Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, các khu dân cư, cao ốc mọc lên như nấm sau mưa. Riêng các đám ruộng phía tây đường Lê Văn Lương, nông dân bỏ hoang chờ đền bù nên trở thành nơi trú ẩn an toàn của cua, cũng là nơi dân tứ xứ đến kiếm sống.

Anh Nguyễn Văn Triều (ở xã Vĩnh Tây, Cần Giuộc, Long An) từ cách 40km, chị Nguyễn Thị Lẹ (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cách 90km, chị Trần Hồng Quyên (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) cách 70km… đều khởi hành từ 3g sáng, đạp xe đến xã Phước Kiển bắt cua. Chị Lẹ rủ bạn đi chung xe để thay phiên nhau đạp. Ở quê, người người bắt cua, nên họ phải đến Phước Kiển “xâm canh”, vì một ngày bắt cua cho thu nhập bằng ba, bốn ngày cắt lúa ở quê.

Đến Phước Kiển, họ ngồi chờ nước ròng, khi mặt sình lộ ra các vết lấm tấm chân cua, rồi lần theo dấu tìm hang, hoặc các hốc dưới gốc bần, dừa nước có cua ẩn trú. Sau khi đào hang, họ lấy cây móc sắt thọc vào hang kéo cua ra. Bình quân mỗi ngày họ lội khoảng 7km dưới nắng thiêu đốt, đạp lên miểng chai, phế liệu, thép gỉ dưới đáy bùn, để bắt được vài ký cua, bán được vài trăm ngàn đồng, có khi không bắt được con nào. Thường họ chỉ kiếm đủ ăn qua ngày, cá biệt, có anh Hai Thật (Lê Văn Thật) bắt cua, nuôi con gái đến tốt nghiệp cao đẳng.

Anh Năm Được (Nguyễn Văn Được) nuôi cua lâu năm ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ cho biết, tháng tư âm lịch là mùa cua sinh sản. Ngư dân dùng đáy, lưới, cào bắt hết cua bột, cua nhỏ bán cho các đầm nuôi cua, những con cua thoát được tìm về những nơi ít người ở, như rừng Sác Cần Giờ.

Anh Nguyễn Văn Mới, 52 tuổi, ở thị trấn Nhà Bè, bị tâm thần nhẹ, nhưng là “vua” sát cua. Năm 1995, anh trúng số độc đắc, bị bạn bè dụ ăn chơi hết tiền, ba năm sau, anh trở lại nghề bắt cua nhưng thị trấn đã đô thị hóa, hết ruộng, anh phải sang Cần Giờ hành nghề. Cũng có người như anh Nguyễn Văn Tàu, 46 tuổi, ở xã Tân Tập, Cần Giuộc, Long An, có bốn con, vợ chồng làm mướn, rủ anh Trần Văn Thơ (38 tuổi) cùng cảnh ngộ, chèo ghe qua rừng Sác bắt cua.

Hàng chục người từ xã Tân Tập chèo qua sông Soài Rạp, neo ở Vàm Sát, lội 5km, xé rừng, tránh gai chà là, trèo rễ đước, vừa lội vừa quan sát tìm dấu cua. Do đó, họ bắt một ngày, phải nghỉ một ngày dưỡng sức, có khi nghỉ nhiều ngày vì chân bị gai đâm. Khi tìm ra hang cua lớn, sâu trong lòng đất, người bắt cua phải dùng chân móc cua, bị cua kẹp sứt thịt, máu đổ là chuyện thường. Trên chân, tay các anh sẹo nối sẹo, do vết gai đâm, cua kẹp. Có hôm, đang tìm hang cua, anh Tàu bị ong đốt sưng húp mắt, phải nhờ bạn dắt về.

Anh Thơ kể: “Có những ngày mưa to, lạc sâu trong rừng, không biết đường ra xuồng, tôi nghĩ mình sẽ chết. Khi tìm được lối ra, mưa lớn, hì hục tát nước trong xuồng, mãi đến nửa đêm mới về tới nhà, bụng đói, chân run. Có lần tôi lần theo vết chân cua to, lội gần 500m mới thấy cái hang nằm sâu dưới gốc chà là đầy gai. Nhưng thế vẫn là may mắn, vì có con làm hang dưới gốc đước, chặt rễ đước, đào hang bắt được cua phải mất cả buổi”.

Anh Ba Cua (Nguyễn Văn Giỏi), 57 tuổi, quê Bến Tre, làm nghề bắt cua, nuôi cua, rồi làm chủ vựa cua ở P.Tân Thuận Đông, Q.7 cho biết, các nhà hàng rất chuộng cua thiên nhiên vì thịt ngon hơn cua nuôi. Riêng cua Nhà Bè, Gò Công được xem là ngon nhất miền Nam, có gạch màu trắng đục (bấm yếm cua sẽ lộ ra), số lượng bắt không đủ bỏ mối nhà hàng.

Cua ngon bán nhà hàng có ba loại: cua chắc (thịt chắc, vỏ nhuộm phèn), cua gạch son (cua cái sắp đẻ), và cao nhất là cua hai da (sắp lột). Người bắt bán cua ngon cho thương lái tại xã với giá 150.000đ/kg, thương lái ở xã bán lại cho thương lái huyện, rồi bán lại cho vựa anh Ba Cua 190.000đ/kg. anh Ba Cua bỏ nhà hàng từ 220.000đ - 240.000đ/kg. Cua ốp, cua ngộp, cua mất càng, anh chỉ mua 90.000đ/kg để bán dọc đường, bán chợ. Anh Ba Cua cho biết, giá cua năm nay cao gấp hai lần năm ngoái. Được giá, nhưng cua cứ dần ít đi, người bắt cua phải đi xa hơn, đào, móc cực hơn. Nghề bắt cua vẫn là nghề của người nghèo.

Mai Bá Kiếm/ PNO