itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Làng "treo" xuyên 2 thế kỷ

Làng "treo" xuyên 2 thế kỷ

Năm 2008, "làng" Đại học Đà Nẵng chính thức khởi động với hàng loạt tiểu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, Trường ĐH Sư phạm... Tuy vậy, tổng dự án của giai đoạn này cũng chỉ thực hiện dưới 200 tỉ đồng, trên diện tích 19ha của tổng số đất quy hoạch 300ha.

Điều đó cũng cho thấy, phần lớn trong số hơn 1.000 hộ dân thuộc diện giải toả ở các phường Hoà Quý, Hoà Hải (Đà Nẵng), xã Điện Ngọc (Quảng Nam) đã khốn đốn chuyện ở - đi, vật vã đợi chờ trong bất ổn từ năm 1996 đến nay sẽ tiếp tục đợi chờ... vô thời hạn. Có lẽ đây là dự án "tiêu biểu" của nạn quy hoạch "treo", xuyên qua 2 thế kỷ XX - XXI.

Tôi lần mò, quanh co hết gần nửa ngày mới mơ hồ xác định được vị trí chính xác của làng Đại học Đà Nẵng - một dự án quy mô hơn 300ha, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành với hệ thống các trường, viện nghiên cứu, đơn vị thực nghiệm, đào tạo cho 30.000 sinh viên. Nơi đây giờ vẫn là vùng đất hoang vu cỏ bụi, xen lẫn những xóm làng nghèo xác xơ nhất của thành phố Đà Nẵng. Vùng đất nông nghiệp vốn thênh thang ruộng hoang bởi ngập mặn, chua phèn bỗng có tên gọi "làng Đại học" hiện đại trong top 4 của quốc gia, tầm cỡ quốc tế này kể từ cuối thế kỷ trước.

Những địa chủ không đất

Đầu đuôi câu chuyện này xuất phát từ quyết định thành lập 2 ĐH quốc gia (Hà Nội và TPHCM), 3 ĐH vùng (Đà Nẵng, Huế và Thái Nguyên) của Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 1994; theo đó cho chủ trương thành lập các làng ĐH. Trên cơ sở này, ĐH Đà Nẵng đã phối hợp với 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng để xác định ranh giới, quy hoạch và lập dự án.

Liên tiếp các năm 1996, 1997, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có các quyết định cho phép quy hoạch, phê duyệt dự án xây dựng làng ĐH Đà Nẵng với quy mô như đã nói trên.

"Người ta cũng đã tiến hành cắm mốc, đo đo, vẽ vẽ, ngắm nghía, chụp ảnh quay phim... rứa là tin, là xôn xao rục rịch chuyện dời làng bỏ xứ. Ai dè, các đoàn người quy hoạch, xây dựng ấy dần thưa về làng, rồi im bặt luôn 10 năm rồi. Chỉ có dân tui thì khổ mãi bấy nay"- ông Phạm Tửu, nông dân phường Hoà Quý - cho biết như vậy.

Hàng trăm nhà xây tạm, chạy đền bù bị huỷ hồ sơ,
tiêu điều chờ phán quyết cuối cùng.

Hôm chúng tôi về "làng treo", nhà ông Tửu đang họp gia đình để chuẩn bị lo hậu sự cho bố ông đang trong cơn nguy kịch ở tuổi 98. Ông Tửu âu lo không biết sẽ mai táng ông cụ ở đất nào, bởi đất tổ đình của dòng tộc ông giờ đều nằm trong quy hoạch. Gia đình ông Tửu thừa kế mảnh đất họ tộc nhiều đời với diện tích hơn 4.000 mét vuông. Có thể gọi là địa chủ, bởi bây giờ nơi đây đã là phường, là phố, đất đắt như vàng.

Thế nhưng, 4 con trai ông dần lớn khôn, dựng vợ, sinh cháu vẫn không được cắt đất cho ra riêng mà phải quấn quýt trong căn nhà cấp bốn chật chội, giữa thửa đất thênh thang, là sở hữu hợp pháp của mình. Vợ ông Tửu - bà Phạm Thị Hồng - ta thán: "Phi lý, hết sức phi lý các chú à. Muốn cắt bớt đất bán để lấy tiền cho con cưới vợ cũng không được phép. Chúng cưới nhau trong túng thiếu đã đành, giờ sinh con, xin ra riêng trên đất của cha mẹ cũng không được phép luôn".
Không chỉ gia đình ông Tửu mà hơn 1.000 hộ dân thuộc diện di dời, giải toả của dự án xây dựng làng ĐH Đà Nẵng đã chịu cảnh tương tự từ hơn 10 năm nay. Đất không được bán, sang nhượng, cầm cố... Nhà cửa không được xây dựng, hư hỏng không cho phép sửa. Ngay việc gia đình ông Đỗ Viết Sáu (tổ 34, phường Hoà Quý) tự ý xây dựng 1 chuồng nuôi chim cuốc, phát triển nông hộ trên mảnh đất hàng ngàn mét vuông của mình cũng bị quy tắc đô thị phường, quận Ngũ Hành Sơn xuống lập biên bản, đình chỉ.

Chuyện bà Trần Thị Diệu - khối phố Mân Quang, có 5 đứa con đã lập gia đình - muốn cắt cho mỗi đứa 100m2 đất để dựng nhà, UBND phường đồng ý, nhưng quận thì cấm. Dân chỉ còn biết kêu trời. Đi chưa được, ở không yên, làm ăn trở ngại... hàng trăm "địa chủ" ở nơi này coi như không có đất.

Hơn 10 năm giẫm chân tại chỗ

Lý giải sự giẫm chân tại chỗ hơn 10 năm của dự án làng ĐH Đà Nẵng, GĐ Ban quản lý dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng - thạc sĩ Phạm Định cho biết: "Tuy có chủ trương đúng đắn như vậy, song lúc đó (1996-1997) có 2 ĐH quốc gia, 3 ĐH vùng đồng loạt lập dự án, tổng kinh phí đề nghị ngân sách chi lên đến vài chục ngàn tỉ đồng. Bộ Tài chính "lắc đầu", Chính phủ cũng chịu".

Ông Định cho biết, thật ra khi dự án quy mô 1.578 tỉ không được duyệt, tháng 10.1996, ĐH Đà Nẵng đã có dự án quy mô nhỏ hơn với mức 191 tỉ đồng, song Chính phủ cũng không phê duyệt. GĐ ĐH Đà Nẵng - GS-TS Bùi Văn Ga cho biết thêm: "Ngân sách "bí" đã đành, các nguồn phi chính phủ khác cũng không thể kêu gọi được khi mình chưa có cơ sở hạ tầng.

Thực tế, ĐH Đà Nẵng đã hết sức quá tải. Chúng tôi có hơn 30.000 sinh viên, song tổng diện tích các cơ sở cũng chỉ 30ha, chưa đạt 1/10 diện tích theo quy định chung. Vì thế, quy hoạch 300ha của làng ĐH đó vẫn hết sức cần thiết, thậm chí còn hẹp trong thời gian đến".

Những hạng mục công trình xây dựng làng ĐH Đà Nẵng
bắt đầu hâm nóng cho kế hoạch "treo dài hạn" mới.

Loay hoay nhiều năm vẫn không tìm được nguồn vốn đầu tư, lẽ ra Chính phủ, chính quyền Đà Nẵng phải tháo "quy hoạch treo" - "vòng kim cô" cho hơn 1.000 hộ dân ở đây. Song, điều đó đã không xảy ra. Thạc sĩ Phạm Định cho biết, sau khi không duyệt dự án làng ĐH 300ha, năm 1999, Chính phủ đã có quyết định (861/QĐ-TTg) phê duyệt đầu tư nâng cấp các cơ sở hiện tại của ĐH Đà Nẵng để chống quá tải. Tại QĐ này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cắm mốc ranh giới, bảo vệ, tránh lấn chiếm đất đai ở khu quy hoạch làng ĐH.

Vẫn chưa gỡ "vòng kim cô"

Năm 2008, lần đầu tiên sau hơn 10 năm đằng đẵng "treo", Chính phủ đã có quyết định đầu tư 199 tỉ đồng để triển khai những hạng mục đầu tiên tại làng ĐH này. GĐ ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga phấn khởi: "Đến 2015, số sinh viên của ĐH Đà Nẵng sẽ là 50.000. Vì vậy, dù có phân viện đào tạo tại Tây Nguyên với 120ha, 8.000 sinh viên ĐH Đà Nẵng vẫn trong tình trạng quá tải. Chính vì thế, quyết định đầu tư làng ĐH khởi động lúc này hết sức ý nghĩa với chúng tôi.

Mặt khác, sẽ giải toả được sự khốn khó của bà con trong khu quy hoạch "treo". Tuy nhiên, với quy mô 199 tỉ đồng, xây dựng 1 trường ĐH Sư phạm... thì giai đoạn này (2008-2015) cũng chỉ sử dụng 19/300ha, giải quyết di dời, tái định cư cho 100/gần 1.500 hộ dân thuộc diện giải toả. Theo thạc sĩ Phạm Định, giai đoạn này sẽ làm đường bao (300ha) quanh làng ĐH, tiếp tục duy trì mốc, bảo vệ và tiếp tục "treo" diện tích còn lại đến... vô định.

Chủ tịch HĐND phường Hoà Quý Trần Công cho biết, cả chính quyền, các đoàn thể, HĐND các cấp đã nhiều lần kiến nghị giải pháp tối ưu cho nhân dân vùng quy hoạch "treo" kéo dài, nhưng không thành. Thực ra, năm 1999, khi dự án xây dựng làng ĐH chưa dở dang, Chủ tịch UBND TP lúc đó - ông Nguyễn Bá Thanh - đã "bật đèn xanh", nới lỏng quy định bằng cách cho dân sửa chữa, xây dựng nhà cấp 4, cho phép sang nhượng đất cho con cái trong gia đình; nhưng đến năm 2004 đã bị siết chặt lại. Người dân lại rơi vào khó khăn như ban đầu".

Ông Công không nêu rõ lý do. Được biết, lợi dụng chính sách này của thành phố Đà Nẵng, chính quyền Hoà Quý lúc đó (1999-2004) đã "linh hoạt" vận dụng sai nguyên tắc, chứng nhận việc mua bán, xây dựng đất trái phép cho hàng trăm hồ sơ với mục đích "chạy" đền bù. Hậu quả của việc làm sai trái này đã dẫn đến việc Chủ tịch UBND phường Hoà Quý- ông Lê Trung Hàn - bị kỷ luật Đảng, bị cách chức chủ tịch, đồng thời huỷ toàn bộ hồ sơ chứng nhận việc sang nhượng, mua bán đất và xây dựng nhà chạy giải toả trong vùng quy hoạch.

Nhưng hậu quả lớn hơn là lãng phí tiền tỉ trong dân, gây thêm khó khăn cho những hộ dân có nhu cầu chính đáng chia đất, làm nhà cho con.

Những ngày giữa tháng 3, trời vẫn còn mưa. Làng ĐH Đà Nẵng sụt sùi trong ảm đạm. Thỉnh thoảng vài đoạn có công trình xây dựng khu tái định cư, có nơi đo đạc chuẩn bị mở đường giao thông... Riêng thông tin về triển khai dự án vẫn chưa được rõ ràng, cụ thể đến với người dân cho đến thời điểm này. Chúng tôi vòng xe đến đâu cũng bị người dân gọi hỏi nhờ.
Có lẽ họ nhầm tưởng cán bộ quy hoạch, đo đạc áp giá đền bù. Nhìn những dãy nhà xây tạm, chạy "giải toả" bị bỏ hoang phế, tơi bời sau trận bão lịch sử 2006 đến nay mà không khỏi chạnh lòng. Càng buồn hơn khi biết được vẫn còn hơn 1.000 hộ dân ở đây tiếp tục mòn mỏi chờ ngày ly hương trong vô định thời gian.

Thanh Hải / Laodong