itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Ấm ức “tự nguyện“ học thêm

Ấm ức “tự nguyện“ học thêm

9 giờ, những học sinh này ra về sau ca học thêm buổi sáng. 13 giờ lại bắt đầu học chính khóa.

Phần lớn các bậc cha mẹ học sinh có nhu cầu cho con học thêm hoặc để bổ sung, củng cố kiến thức, hoặc coi như có chỗ quản lý con cái ngoài giờ học chính khóa. Nhưng cũng có rất nhiều người phải… tự nguyện cho con học thêm để khỏi mếch lòng thầy cô! Cơ man là cách giải thích để hợp lý hóa sự bắt buộc đó. Có ai dám không muốn tự nguyện không?

Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, chị Lan thở phào. Rút cục, hội cha mẹ học sinh và cô giáo chủ nhiệm đã “thống nhất” được phương án tổ chức học thêm cho các con.

- Hồi cấp một, cháu học bán trú, cứ sáng đưa đi, tối đón về, không phải lo lắng gì. Lên cấp hai, chỉ học một buổi, suốt hơn một tháng trời hai vợ chồng tôi thay phiên nhau đón cháu về cơ quan, cho cháu ăn uống buổi trưa và tiện trông buổi chiều, công việc đảo lộn hết cả. Giờ cháu học bán trú, nhẹ cả người. Buổi chiều nếu có tan sớm một chút, cháu ở lại chơi, coi như xả stress, chờ bố mẹ về đón.

Học thêm, sướng thế! Phải biết ơn trường mới phải chứ! Không thì bố mẹ có mà hết hơi trông con, thời gian đâu đi làm! (Ừ thì sướng!)

Cũng trong tình cảnh nhà neo người, hai vợ chồng đều là công chức gốc tỉnh lẻ ra Hà Nội lập nghiệp, không nhờ cậy được hai bên nội ngoại, chị Hoa (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) xất bất xang bang khi con học lên cấp trung học cơ sở. Chồng là kỹ sư xây dựng hay phải đi công trình xa, bản thân chị làm cho một công ty trách nhiệm hữu hạn văn phòng công ty chật hẹp, đưa con đến một hai buổi thì sếp còn thông cảm được, kéo dài tầm hơn một tuần tự chị đã thấy không thể chấp nhận được.

- Suốt cả buổi, cháu cứ ngồi vạ vật chờ mẹ cũng mệt mỏi lắm. Để ở nhà một mình phần lo chuyện bất trắc, phần lo cháu mải chơi game hoặc xem tivi cũng mệt. May mà cô giáo tổ chức được lớp bán trú, không thì cũng không biết giải quyết thế nào.

Được đi học, may thế! Phải cảm ơn cô mới phải chứ! Không thì con ra đường, rồi chả mấy đua đòi, học tốt thì ít, học du côn du kề thì nhiều! (Ừ, rằng may thì thật là may!)

Đó là một vài trường hợp cha mẹ học sinh hoan nghênh các lớp học thêm như một giải pháp quản lý con trong giờ hành chính mà ngoài giờ học chính khóa. Gia đình anh Quang, chị Thúy ở Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) thì lại cho cậu nhóc đang học lớp 5 học thêm thuần chỉ để tăng cường kiến thức.

- Mỗi tuần, cô tổ chức hai buổi dạy toán và tiếng Việt từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Kể ra giờ giấc cũng hơi oái oăm nhưng chúng tôi muốn cháu nắm vững kiến thức nên cũng cố động viên cháu chịu khó theo. Bốn năm rồi cháu đều đạt học sinh giỏi, năm nay cố đạt nốt để học bạ đẹp còn dễ xin vào trường điểm!

Phải yêu lấy thầy...vậy!

Anh Hoàng Chiến (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) không được vui vẻ lắm khi nói về chuyện cho cậu con trai đang học lớp 5, trường tiểu học L. (Quận Đống Đa, Hà Nội) đi học thêm.

- Tôi cho rằng trẻ con thì phải có thời gian chơi, học lắm quá nó mụ người đi. Mẹ cháu thì lo là cả lớp đều tham gia đầy đủ, không học cô lại “soi”. Nhưng mà theo đủ các lớp của cô, “căng” quá!

Theo lời anh Chiến, tuần hai buổi học thêm toán, tiếng Việt, mỗi buổi 90.000 đồng, vị chi tháng đi đứt gần triệu bạc, không theo được- “Nói thật, nhà tôi cũng không có điều kiện. Bà xã làm công nhân dệt, mình thì sửa chữa xe máy trong ngõ hẻm, mà cháu lớn lại đang học đại học, vặt mũi đút miệng, đủ là may! Đành cho cháu học một môn tiếng Việt cho đẹp lòng cô. Còn môn toán, giao cho thằng anh kèm cặp, coi như có gia sư “nhà trồng được” vậy!”

Cũng trong cảnh ấm ách, anh Trung có con đang học tại trường THCS T. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phàn nàn: “Thật sự là chúng tôi cũng muốn nhà trường tổ chức cho các cháu học thêm buổi sáng cho trọn ngày, coi như bán trú luôn, đỡ mất công đưa đón. Khi nghe cô thông báo tổ chức học thêm hai vợ chồng còn mừng quýnh! Ai ngờ, lớp học chỉ kéo dài từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, theo quy định của thành phố! Như vậy, sáng thì phải đi rõ sớm mà giờ tan học lại cách quá xa bữa trưa, rất là bất tiện. Học phí 15.000đ/ tiết, buổi hai tiết là 30.000đ. Nghe thì cũng không cao, nhưng so với mức học phí chính khóa là 20.000đ/tháng cũng là sự chênh lệch lớn. Nói thật là cho cháu đi học như thế gia đình cũng không thấy thoải mái, nhưng cả lớp cháu các bạn đều đi học cả, thành ra…”

Chị Bảy, nhà ở Hoàng Văn Thụ thì tỏ rõ sự bức xúc:

- Trước kia, khi cháu học cấp 1, tôi kêu chuyện cháu phải học thêm nhiều, cậu em tôi là giáo viên dạy Tin học cấp hai nửa đùa nửa thật cảnh báo: Cứ đợi đấy! Lên cấp hai rồi biết! Vừa vào học được hơn tuần, cháu về bảo mẹ viết đơn viết tay xin cho con học thêm. Hôm sau cháu mang đến nộp thì cô bảo thôi, khỏi cần và phát cho một cái mẫu in sẵn theo “sáng kiến” của một bác phụ huynh nào đó. Vài bữa sau không hiểu thế nào cô lại đổi ý bảo không dùng đơn theo mẫu in sẵn, dùng đơn viết tay!

Cũng theo chị Bảy cho biết, dù nhà trường đã tổ chức tuần ba buổi học thêm các môn Toán, Văn, tiếng Anh nhưng bên cạnh đó, còn có các lớp bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ… rất chi là đa dạng! Cô giáo chủ nhiệm còn “nhanh nhạy” tổ chức lớp học thêm ngay bên cạnh trường sau giờ học thêm của trường, tất nhiên học phí cao hơn hẳn: 80.000đ/ từ 9 đến 11 giờ.

- Tôi cũng định không cho cháu học lớp “học thêm bổ sung” của cô. Tuy nhiên phần vì cũng muốn tiện giờ đưa đón, phần cũng e cô không hài lòng. Kiểm tra tiếng Anh hai lần liền thấy cháu đều bị điểm dưới trung bình. Xem sách giáo khoa, vở học và hỏi con là tôi hiểu ý cô ngay! Thôi thì, “muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” vậy!”

Phải yêu lấy thầy! Có lẽ với những lớp học thêm dạng tự nguyện… bắt buộc thì từ “phải” trong câu ca dao trên đã diễn tả rất chính xác sắc thái tình cảm của các bậc cha mẹ học sinh.

 

Quy định của UBND TP Hà Nội về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn

Việc dạy thêm học thêm là quyền của học sinh; mọi tổ chức, cá nhân không ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Học sinh có nhu cầu học thêm phải có đơn và được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

Theo quy định này, thời gian các đơn vị cơ sở thực hiện dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học là không quá 2 tiết/buổi học và không quá 2 buổi/tuần; học sinh trung học cơ sở không quá 2 tiết/buổi học, không quá 3 buổi/tuần; học sinh trung học phổ thông không quá 3 tiết/buổi và không quá 3 buổi/tuần. Số học sinh mỗi lớp học thêm không quá 45 người, riêng bậc tiểu học mỗi nhóm trông giữ không quá 25 học sinh.

Mức thu tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, bảo đảm thu đủ chi; mức thu tiền dạy thêm học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa người học hoặc cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm.

NGOAN ĐỒNG/NDĐT