itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nỗi lòng bác sĩ cấp cứu

Nỗi lòng bác sĩ cấp cứu

Dù mang tâm trạng bất an, sợ bị “xử” bất kỳ lúc nào nhưng các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu vẫn hết lòng với công việc.

Vụ việc một số đối tượng quá khích dùng hung khí dọa “xử” bác sĩ (BS), điều dưỡng xảy ra tại BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đêm 22-9 vừa qua đã khiến không ít BS, điều dưỡng ở các BV khác rơi vào trạng thái âu lo khi vào ca cấp cứu. Trước đó, nhiều BS, điều dưỡng của các BV ở TP.HCM từng bị bệnh nhân hoặc người nhà hăm dọa, hành hung, …

Giành giật mạng sống cho bệnh nhân

Chúng tôi có mặt tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) lúc 10 giờ ngày 26-9. Căn phòng rộng lớn trở nên chật chội bởi hơn 30 bệnh nhân cấp cứu và người nhà đi theo quá nhiều. Có bà ôm bụng, nhăn nhó vì đau đớn. Có ông rên la do vết thương sâu ở đùi gây nhức. Cũng có thanh niên nằm mơ màng bất động, đầu quấn băng trắng toát. Năm BS và hơn 10 điều dưỡng quần quật không ngơi tay. Khám cho bệnh nhân này xong, BS nhanh tay ghi chép hồ sơ bệnh án rồi hối hả xem vết thương của bệnh nhân khác. Điều dưỡng truyền dịch xong cho bệnh nhân này vội quay sang tiêm cho bệnh nhân khác.

Tiếng còi hú từ xa mỗi lúc một gần. Một xe cứu thương đậu xịch trước cửa phòng cấp cứu. Điều dưỡng nhanh chóng chuyển một thanh niên độ 25 tuổi vào trong, không mặc áo, mê man. Bệnh nhân bị chấn thương đầu, gãy xương vai, được băng bó tạm. Hai người nhà đi theo, mặt mày hớt hải, lớn tiếng gọi BS. Chưa kịp uống ly nước, BS Trần Hùng Tấn nhanh chóng đến xem vết thương, bảo điều dưỡng đưa bệnh nhân chụp CT và X-quang.

BS Trần Văn Sóng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115, cho biết thời điểm bệnh nhân cấp cứu nhiều nhất là buổi trưa, từ 19 giờ đến 20 giờ và sau 23 giờ. Rơi vào thời điểm này, nhiều BS và điều dưỡng không kịp cơm nước, cố gắng giành giật sự sống cho bệnh nhân. Áp lực công việc là vậy nhưng cả BS và điều dưỡng thỉnh thoảng bị bệnh nhân và người nhà lớn tiếng chì chiết, dọa đánh” - BS Sóng nói.

Khống chế BS, mang xác về nhà

Gần 22 năm công tác tại khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM), BS Trương Thế Hiệp, Phó Trưởng khoa, không ít lần bị bệnh nhân hoặc người nhà túm áo, giật bảng tên hoặc xỉa xói. “Theo quy định, bệnh nhân nặng được cấp cứu trước, nhẹ cấp cứu sau. Thế nhưng không ít bệnh nhân vừa đưa vào buộc BS phải xem xét vết thương ngay. Do bận tay chăm sóc các bệnh nhân nặng khác, không kịp làm theo yêu cầu nên BS bị chính bệnh nhân hoặc người nhà nặng lời chì chiết, sừng sộ” - BS Hiệp chậm rãi nói.

Một câu chuyện xảy ra không lâu, mỗi lần nhắc lại khiến BS Hiệp vừa buồn vừa sợ sẽ lại xảy ra. “Một thanh niên bị tai nạn giao thông, được nhóm bạn gần 10 người đưa vô cấp cứu. Do vết thương quá nặng, bệnh nhân tử vong. Theo quy định, nạn nhân phải đưa xuống nhà xác để làm các thủ tục tiếp theo. Mặc dù BS giải thích cặn kẽ nhưng nhóm bạn của nạn nhân không nghe, dùng gậy gộc khống chế BS, điều dưỡng, kể cả lực lượng bảo vệ tại chỗ rồi đưa xác ra xe, chở về nhà. Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến một vài BS, điều dưỡng hốt hoảng” - BS Hiệp kể, giọng ngắt quãng.

Đập bàn, ra lệnh cho BS!

Làm việc tại khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM) tròm trèm 14 năm, BS Trần Hùng Tấn nhiều lần đối mặt với thái độ hằn học, những câu mắng chửi của bệnh nhân và người nhà. “Quy định ca nặng phải được cấp cứu trước, điều này luôn được giải thích rõ ràng cho bệnh nhân mới được đưa vô cấp cứu. Nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà không hiểu, cho rằng BS bỏ lơ nên lớn tiếng. Thiệt tình mà nói, tôi phập phồng một ngày nào đó sẽ bị bệnh nhân hoặc người nhà đánh đòn” - BS Tấn nói.

Nỗi lo lắng của BS Tấn đã xảy ra. Cách đây không lâu, hai thanh niên có hiềm khích bên ngoài nên cùng bị thương, được đưa vô cấp cứu. Một người tỉnh táo được công an mời về phường làm việc. Người còn lại do vết thương nặng nên phải ở lại BV để được chăm sóc. Sau khi thăm khám vết thương của bệnh nhân này, BS Tấn ngồi vào bàn lập hồ sơ. Bất ngờ bệnh nhân tháo dây nịt, quất tới tấp vô đầu BS Tấn. “Không hiểu sao tôi bị đòn oan. Nói thiệt, BS cấp cứu luôn gặp không ít rủi ro từ phía bệnh nhân và người nhà” - BS Tấn thở dài.

BS Trần Văn Sóng, cho biết không ít lần người nhà của hai bệnh nhân cự cãi, xô xát trong phòng cấp cứu buộc BS đứng ra khuyên can. Nhưng chuyện không đơn giản, phía này cho rằng BS bênh vực phía kia nên quay sang… chửi BS. “Có trường hợp người nhà của bệnh nhân là dân anh chị, vừa vô phòng cấp cứu là đập bàn, chỉ ngay BS, ra lệnh phải khám vết thương của đàn em ngay. Cũng có một ông thuộc dạng đại ca, đứng giữa phòng cấp cứu lớn tiếng kêu đệ tử móc tiền đưa BS... Rơi vào tình huống này, BS phải nhẹ nhàng giải thích, trấn an. Xử sự không khéo dễ nảy sinh những chuyện đáng tiếc” - BS Sóng trải lòng.

Còm BS Hiệp tâm sự: “Sự việc không hay đã xảy ra tại BV Nhân dân Gia Định thì khả năng các BV khác cũng không ngoại lệ nên tâm trạng của BS, điều dưỡng tại khoa Cấp cứu thật lòng mà nói ít nhiều lo âu. Tuy nhiên, được sự động viên từ phía lãnh đạo BV mà cũng vì nghề, vì bệnh nhân nên chúng tôi vẫn dồn hết nỗ lực vào công việc…’.

Mỗi ngày BV Chợ Rẫy cấp cứu khoảng 360 bệnh nhân, BV Chấn Thương-Chỉnh hình độ 130 ca, BV Nhân dân 115 trên dưới 300 trường hợp. Một ca trực cấp cứu tại BV Chợ Rẫy gồm tám BS, 25 điều dưỡng và hộ lý; BV Chấn Thương-Chỉnh hình gồm 10 BS, 10 điều dưỡng; BV Nhân dân 115 gồm năm BS, 13 điều dưỡng. Tại BV Nhân dân 115, để phòng ngừa BS hoặc điều dưỡng bị đánh từ phía sau, giường của bệnh nhân có yếu tố kích động sẽ đặt xa nơi BS và điều dưỡng ngồi. Bảo vệ BV cũng được thông báo để luôn quan sát bệnh nhân này (kể cả người nhà).

TRẦN NGỌC/ PL.TPHCM