itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hàn Quốc tạm đóng cửa, lao động VN té ngửa!

Hàn Quốc tạm đóng cửa, lao động VN té ngửa!

Lao động đăng ký danh sách trong một kỳ thi tiếng Hàn tại TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Nếu không có biện pháp chấn chỉnh việc lao động VN tại Hàn Quốc bỏ trốn thì nguy cơ sẽ mất thị trường xuất khẩu lao động này.

Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc vừa thông báo tạm ngưng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nguyên nhân được phía Hàn Quốc đưa ra là lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng.

Đau đáu chờ đi Hàn Quốc

Sau nhiều năm làm công nhân, đầu năm nay, chị NTT quyết định nghỉ việc, đăng ký học tiếng Hàn cấp tốc tại TP.HCM để kịp dự kỳ thi tiếng Hàn vào tháng 8. Thế nhưng kỳ thi không diễn ra như dự kiến khiến chị cùng hàng chục học viên cùng lớp bị hụt hẫng. “Em nghe báo, đài nói nguyên nhân thị trường lao động Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận lao động mới từ Việt Nam vì có hàng ngàn lao động làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn chứ chẳng ai thông báo vì sao kỳ thi không diễn ra như dự kiến” - chị giãi bày.

Chị T. cho biết tổng chi phí cho khóa học cấp tốc kéo dài ba tháng mất đứt mười mấy triệu đồng, bao gồm tiền học phí, tài liệu, tiền trọ, ăn uống, đi lại… Đó là số tiền mà chị chắt chiu trong nhiều năm trời làm lụng để tìm cơ hội làm giàu thế nhưng học xong đành ngậm ngùi ngồi chờ. Trong khi đó, kiến thức tiếng Hàn của chị thì ngày càng mai một vì không có thời gian ôn luyện. “Đến khi tổ chức thi tiếng, chắc tôi phải bỏ tiền đi học tiếp nữa quá!” - chị T. than thở. Hiện chị đã quay về công ty cũ xin tiếp tục làm việc, chờ cơ hội thị trường này mở cửa trở lại sẽ tiếp tục dự thi tiếng Hàn để sang đó làm việc.

Tương tự, chị NTL (quê Quảng Bình) từng có một tiệm hớt tóc với thu nhập cũng hòm hòm ở quê nhà. Rồi chị quyết định dẹp tiệm, đăng ký đi học tiếng Hàn. Qua người dắt mối, chị được “cò” trong vùng mách nước đặt cọc trước 50 triệu đồng đảm bảo đậu, sau đó tùy theo thời giá sẽ sắp xếp bao bay sang Hàn Quốc sớm luôn. Chẳng chút đắn đo, chị L. chồng 50 triệu đồng và được “cò” giới thiệu ra một lò “tại gia” chuyên đào tạo tiếng Hàn tại Vinh (Nghệ An) để học tiếng. Tại đây, chị cùng nhiều người miệt mài học tiếng để sớm đi Hàn Quốc. Thế rồi chương trình thi tiếng tạm ngưng chẳng biết lúc nào nối lại, chị ngao ngán về quê ngồi chờ… “May mà có tờ giấy nhận tiền nên lấy lại được tiền cọc. Riêng khoản chi phí cho khóa học tiếng Hàn ba tháng mất đứt hơn 20 triệu đồng” - chị cho biết.

Hệ lụy cho người tìm cơ hội

Trước thực trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn, gần đây Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã làm việc với ba địa phương Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, nơi có nhiều lao động bỏ trốn, qua đó để tìm hướng giải quyết. Song song đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cử đoàn công tác sang Hàn Quốc để đàm phán việc tiếp nhận lao động Việt Nam.

Chiều 19-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết trước thực trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, trung tâm đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án ngăn ngừa lao động bỏ trốn. Bộ cũng đề xuất đối với ngành nghề nông nghiệp chỉ tuyển dụng lao động tại 62 huyện nghèo; ngành ngư nghiệp tuyển dụng lao động ở các vùng ven biển làm nghề biển.

Về biện pháp cụ thể, ông Minh cho hay Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đề xuất đối với xã có ba lao động trở lên bỏ trốn, chính quyền xã sẽ không xác nhận hồ sơ cho lao động sang Hàn Quốc làm việc. Còn trung tâm đề xuất nên đặt cọc tiền đối với lao động sang Hàn Quốc. Theo ông Minh, đề xuất này của trung tâm được cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc quan tâm. Tuy nhiên, mức đặt cọc bao nhiêu Bộ đang cân nhắc, tính toán.

Ngoài ra, trung tâm đã tăng cường thêm hai cán bộ sang phối hợp với cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc đến các khu có đông lao động Việt Nam làm việc để tuyên truyền, vận động lao động về nước.

Khi nào thì phía Hàn Quốc mở lại kỳ thi tiếng Hàn, ông Minh cho biết họ đang xem xét những động thái từ phía Việt Nam, nếu có thay đổi tích cực mới đưa ra quyết định cụ thể.

 

Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được thực hiện từ năm 2004. Phần lớn là lao động phổ thông, làm việc chủ yếu trong ngành sản xuất chế tạo (79%) và các ngành nông nghiệp 10%, xây dựng 8,8%, ngư nghiệp và dịch vụ 2,2%.

Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo của lao động Việt Nam… Tuy nhiên, lao động Việt Nam cũng bị phía Hàn Quốc xếp vào tốp dẫn đầu so với các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng (chiếm tỉ lệ 32%). Theo đó, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam. Nếu tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.

______________________________________________________________________________

8.780 lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn trong hơn 60.000 lao động Việt Nam làm việc tại thị trường này, đứng đầu so với các quốc gia khác: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Mông Cổ và Thái Lan.

Theo kế hoạch, năm 2011 sẽ đưa khoảng 10.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Trước đó, năm 2010, Hàn Quốc dành cho Việt Nam 12.500 chỉ tiêu lao động. Qua kỳ thi chứng chỉ tiếng Hàn có trên 10.600 ứng viên vượt qua kỳ thi.

PHONG ĐIỀN/PL