itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Xót xa làng nghề lặn biển!

Xót xa làng nghề lặn biển!

Anh Sáng là một người may mắn, vì dù có

bị tai nạn,nhưng vẫn giữ được tính mạng

và quan trọng hơn là vẫn đủ tiền để mở

một cửa hàng nhỏ, ngay tại quê nhà.

Nơi chúng tôi đến là hai thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Tại đây, từ nhiều năm nay, thanh niên trai tráng trong làng kéo nhau vào miền Nam làm nghề lặn biển. Sau nhiều năm lao động, hành trang của họ trong những chuyến về quê là cơn tê dại khắp người, đôi chân bị liệt hoàn toàn và những câu chuyện đau thương trên sóng nước quê người…

Làng vắng thanh niên

“Thôn Xuân Tiến ở đâu hả chị?”.

“Chú cứ đi thẳng về phía biển, 3 cây số nữa là đến, gọi thôn hay làng cũng được!”.

Vào đầu mùa gặt, con đường đất đỏ trải đầy rơm rạ dẫn chúng tôi đến thôn Xuân Tiến. Sau một cơn mưa rào, những ở gà, ổ voi trên đường lũng bũng nước. Đang đi thì thấy trước mặt có một đám đông đang lúi húi giữa đường, thì ra là họ đang cố sức để đẩy một chiếc xe trâu chở lúa bị sập bánh xuống dưới rãnh cống.

Quan sát kỹ, thấy gần chục người gắng hết sức đẩy mãi vẫn không nhích được bánh xe lên. Thì ra, họ toàn là đàn bà và mấy người đàn ông đã đứng tuổi. Nhìn quanh những thửa ruộng có nhiều người nhưng không thấy ai là thanh niên để nhờ trợ giúp…

Đi thẳng vào thôn Xuân Tiến, ghé vào một quán bên đường để hỏi nhà những người đã từng làm nghề lặn sò, chúng tôi gặp ngay một “người trong cuộc”.

Anh Trần Văn Sáng, 36 tuổi, đang loay hoay với chiếc quạt điện sửa dở liền bắt chuyện ngay khi chúng tôi vừa hỏi. “Tôi cũng từng làm nghề ấy ở Bình Thuận, nhưng bây giờ bỏ rồi, nguy hiểm lắm chú ạ. Tôi vẫn còn may mắn vì về sớm nên không bị nước ép cho tê liệt. Chú cứ vào làng mà xem, những người đi lặn ở Bình Thuận về bây giờ bị bại liệt hai chân phải đi cà lê cà lết nhiều lắm, có người không đi được nữa phải dùng xe lăn. Còn người chết vì bệnh này cũng nhiều lắm”.

Nhìn qua các lối xóm, thấy ở đây nhà cửa cũng khang trang, hầu hết là nhà mới được xây, có vài ngôi nhà hai tầng cao lớn. Hỏi ra mới biết, khoảng hai năm trở lại đây, vì quá sợ cái nghề lặn biển bắt sò nguy hiểm nên thanh niên trong làng đã vay vốn đi lao động ở các nước Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… nên nhiều nhà cũng khá giả lên. Nhưng còn rất nhiều người vì không có điều kiện đi lao động nước ngoài thì vẫn theo nhau vào Bình Thuận làm nghề lặn sò.

Thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi xưa nay vốn có hai nghề làm ruộng và đi biển. Nói là nghề vậy thôi chứ thực ra người dân ở đây không trông mong có ngày khá giả nhờ chính đất và biển quê mình. Bình quân mỗi nhà chỉ có hai sào ruộng, lúa cho năng suất cao cả hai vụ trong năm thì cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Bờ biển ở đây không có bãi, vũng neo đậu tàu thuyền nên rất khó phát triển nghề biển. Trước đây, người trong làng vẫn đi ghe câu cá và lặn bắt tôm hùm nhưng phương tiện quá nhỏ và tôm thì bắt lắm rồi cũng hết nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Nghe nói ở Bình Thuận có nghề lặn sò thu nhập cũng khá, thế là đàn ông thanh niên khỏe mạnh trong làng rủ nhau vào trong đó làm thuê cho các chủ tàu, chỉ những người đã già và không đủ sức khỏe mới ở nhà. Nhưng vào đó, công việc buộc phải lặn nhiều giờ liên tục dưới nước sâu, nhiều người do chịu sức ép của áp suất nước quá nhiều nên đã bị bại liệt hai chân, trở về quê với thân thể tàn tật. Và có nhiều người không về nữa.

Dù biết nguy hiểm là thế nhưng vì mưu sinh, người ở thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi vẫn tiếp tục vào Bình Thuận làm nghề lặn sò.

“Bây giờ vào làng tìm thanh niên rất hiếm, chỉ thấy đàn bà, trẻ con, người già và những người không đủ sức đi biển thôi. Đàn ông, thanh niên đi hết rồi, không đi Bình Thuận thì cũng đã đi nước ngoài. Ở bên làng Thắng Lợi cũng thế. Ở nhà toàn đàn ông chống nạng và đi cà nhắc”, anh Sáng cho biết.

Theo lời chỉ dẫn của anh Sáng, chúng tôi tìm gặp những người đàn ông đang độ tuổi sung sức nhưng phải mang chứng bệnh tê liệt hai chân từ lòng biển Phan Thiết (Bình Thuận) trở về.

Làm “âm phủ”, chết "trần gian!”

Ông Vững ngồi kể lại những tháng ngày vất vả

Ông Nguyễn Xuân Vững (54 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Xuân) là một trong những người có “thâm niên” cao nhất trong nghề lặn biển bắt sò ở làng này. Trò chuyện, ông phải ngồi trên giường vì đôi chân của ông bây giờ đã bị tê liệt, không thể cựa quậy một cách bình thường, cố gắng lắm thì cũng chỉ đi lại được xung quanh nhà, không đi được xa.

“Năm 1991, tôi cùng với nhiều anh em trong làng đi vào Bình Thuận lặn thuê cho các chủ tàu trong đó. Tuy thu nhập cao hơn làm ở quê rất nhiều nhưng nghề này rất nguy hiểm, sống chết lúc nào không biết...”. - Ông Vững.

Cũng như ông Vững, người ở thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi rời quê vào cảng Phan Thiết, họ đi liên hệ với các chủ tàu rồi theo tàu ra khơi.

Nghề lặn sò thường sáng đi, tối về, thời gian lặn dưới nước trung bình 8 giờ một ngày. Trên mỗi tàu có khoảng 12 đến 15 người lặn. Khi tàu ra cách bờ khoảng 25 - 30 km thì neo lại và bắt đầu công việc lặn bắt sò. Trên tàu có máy bơm khí ô-xy và ống dẫn khí cho người lặn ngậm vào miệng khi lặn xuống. “Người lặn phải mặc bộ áo lặn, những thứ đó thì mấy năm gần đây mới có chứ trước kia không có đâu, bây giờ anh em phải tự mua với giá 3 triệu đồng một bộ”, ông Vững nói.

Khi lặn xuống, mỗi người phải mang một chuỗi chì 15-20kg vào thắt lưng (để người dễ chìm xuống), một cái cào có răng bằng sắt và một vợt đựng sò mang trên cổ, cái vợt này khi đựng đầy sò phải nặng tới 50-60 kg.

Từ một người đàn ông khỏe mạnh, trụ cột của cả gia đình, Nguyễn Văn Viễn bây giờ sống dựa vào
người vợ và những đồng tiền ít ỏi chắt chiu được từ ngày xưa.

Để bắt được sò, phải lặn sâu đến gần 20 sải tay, có khi sâu đến 25 sải tay (người trên tàu thường thả dây xuống nước để đo độ sâu trước khi lặn xuống, theo thói quen, họ đo theo đơn vị sải tay). Có loại sò nằm trên mặt cát như sò huyết, sò điệp; nhưng có loại sò móng tay thì nằm sâu trong cát, để bắt được loại này phải đào xuống cát lút cả cánh tay.

Công việc của người lặn sò cứ im lặng dưới đáy biển trong sự rình rập của tử thần.

Ông Vững kể: “Đang cào sò, tôi bỗng có cảm giác khó thở, đôi chân bỗng nhiên tê buốt và mất cảm giác, may mà lúc đó còn có thể trồi lên mặt nước kịp thời. Đó là do lặn quá lâu nên bị áp suất nước ép, một hồi lâu mới bình thường trở lại. Ngày sau vẫn tiếp tục lặn, tôi không ngờ rằng vì nhiều lần bị như thế nên bây giờ đôi chân tôi sắp bị tê liệt hoàn toàn. Tôi đã chấm dứt 15 năm làm nghề lặn sò cách đây 2 năm”.

Anh Nguyên Văn Viễn (40 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, Kỳ Xuân) đã có 12 năm làm nghề lặn sò ở biển Bình Thuận hiện bị liệt hai chân không thể đi lại. Anh trò chuyện với chúng tôi: “Tôi thấy chứng bệnh này rất lạ nhưng không hiểu vì sao. Không phải người có sức khoẻ yếu mới bị như thế, ngay cả những người rất khoẻ vẫn bị.

Nhiều người đã chết vì chứng bệnh này nhưng không giống nhau, có người chết ngay dưới nước, có người chết khi đã lên tàu, và có người đang ngồi hút thuốc bỗng lăn ra co giật rồi chết luôn... Khi làm việc thì như ở dưới âm phủ, nhưng những người chết đều chết trên trần gian. Có ngày chết đến mười mấy người trên nhiều tàu. Buổi sáng đang ngồi uống cà phê với nhau thế nhưng buổi chiều có thể thiếu đi một hai người”.

Ở hai thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi có hơn 1.000 hộ dân mà có tới 43 người đã chết vì nghề lặn sò ở Phan Thiết. Nhiều người đang phải vật lộn với đôi chân tê liệt mặc dù đã tìm nơi chữa trị nhưng không thể khỏi bệnh, cuộc sống của họ đang chết dần chết mòn.

Phan Viết Bình luôn khóc khi có khách thăm.

Gặp anh Phan Viết Bình (40 tuổi, ở thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Xuân) mới thấy được nỗi xót xa mà nhiều người ở đây phải gánh chịu vì cuộc sống mưu sinh. Đôi chân tê liệt của anh đã nhiều năm không cử động được giờ đây thịt bắt đầu bị thối.

Sau một tháng đi chạy chữa ở Hà Nội trở về cũng vẫn phải nằm một chỗ trên giường. Từ 7 năm nay, ngôi nhà nhỏ và ba đứa con thơ đều do một mình vợ anh gánh vác. Anh nói: “Ở thôn này rất nhiều người bị liệt chân nhưng họ vẫn còn chống nạng đi được, chỉ có anh Hồng ở xóm Nam Thắng cũng phải nằm một chỗ như tôi. Bây giờ sống mà không làm gì được thì cũng không khác gì đã chết”.

Hình ảnh những người đàn ông đi cà nhắc trên cây nạng gỗ hoặc ngồi trước thềm nhà nhìn xa xăm ngậm ngùi chia tay chúng tôi. Vẫn còn nhiều người thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi đang ngụp lặn đâu đó dưới đáy biển Bình Thuận. Ai sẽ trở về lành lặn, ai sẽ ra nhập vào đội cà nhắc? Tất cả dường như trông chờ vào sự may rủi dưới lòng đại dương mênh mông kia...

Quang Cường - Lê Thủy