itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / “Bỏ thi đại học phải trao đổi với dân”

“Bỏ thi đại học phải trao đổi với dân”

Ảnh: T.D.

Sáng 11/4, trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đề án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học liên quan đến toàn xã hội.

Bộ cần có đề án cụ thể, trao đổi kỹ với thày trò và phụ huynh.

"Tổ chức kỳ thi quốc gia, các nước làm từ lâu, nhưng Việt Nam phải có cách làm riêng. Người Việt ai cũng có tâm lý muốn con vào đại học. Đó là nguyện vọng chính đáng, muốn làm thày, không muốn làm thợ nhưng các trường ĐH, CĐ có đủ sức không?", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, bức xúc hàng đầu của thanh niên hiện nay là việc làm. Hai ĐH Quốc gia phải đào tạo sinh viên có thể làm việc tốt không chỉ ở trong nước mà có thể công tác ở nước ngoài. Muốn vậy, trường phải lựa chọn trọng tâm để đầu tư, lấy sản phẩm làm thước đo.

Thủ tướng nhất trí với đề xuất hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hè, tạo điều kiện cho các em học kém có bằng THPT để đi học nghề, làm việc. "Tôi nghe báo cáo thương quá, các em không có bằng trung học thì làm sao đi làm? Lấy kết quả thấp hơn cho các em có bằng để tìm việc làm không phải là chạy theo thành tích mà là cuộc sống đòi hỏi".

Thủ tướng cho rằng, ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận thẳng vào chất lượng, không chạy theo bệnh thành tích. "Bộ trưởng nói số học sinh THPT yếu kém trên 20%, có nơi 50%, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm vì có tới 23 triệu người đi học và 1 triệu giáo viên".

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT trình sớm đề án học phí theo tinh thần sinh viên diện chính sách được miễn giảm học phí, học sinh nghèo được miễn học phí (học giỏi được học bổng, không học giỏi thì được vay để học).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh kiến nghị nên tăng thời gian giảng dạy của giáo sư thêm 5 năm nữa, còn tiến sĩ chưa đạt trình độ giáo sư cũng cần được kéo dài thời gian công tác. Bộ cũng cần sớm tính tới biện pháp đưa các ĐH, CĐ ra ngoại thành để tránh ùn tắc giao thông.

Tán thành việc kéo dài thời gian đối với tiến sĩ trong các trường ĐH, ông Nguyễn Trọng Điều, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, cho rằng, trường nào có nhu cầu sử dụng và có khả năng chi trả lương theo cơ chế tự chủ thì có thể kéo dài thời gian giảng dạy không chỉ với tiến sĩ mà còn cả thạc sĩ.

Ông Đỗ Hoàng Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng nhất trí với đề xuất đưa các trường ra ngoại thành: "Hơn 400 nghìn sinh viên tập trung ở Hà Nội là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Do đó, nếu cho các trường bán cơ sở hiện tại thì họ sẽ đủ kinh phí xây dựng cơ sở khang trang ở khu Láng - Hòa Lạc".

Đồng tình với ý kiến của PGS-TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, về việc cần mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra đại học, ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, cho rằng, phải có quy trình đào thải trong các trường ĐH, CĐ, không thể cố cho các em ra trường.

Tiến Dũng