itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Quốc hội thảo luận về Dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình : Yêu... không được cho roi cho vọt

Quốc hội thảo luận về Dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình : Yêu... không được cho roi cho vọt

ĐB Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) phát biểu

Ảnh: TTXVN

Chiều qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến xung quanh dự Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, sau khi đã hoàn thành việc cho ý kiến dự Luật Tương trợ pháp lý.

Theo dự Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, có 10 hành vi bị coi là bạo lực của thành viên gia đình đối với các thành viên khác, bị pháp luật nghiêm cấm, gồm: đánh đập, ngược đãi; chửi mắng, lăng mạ; cô lập, xua đuổi; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; cưỡng ép thành viên trong gia đình lao động quá sức...

Thừa nhận bạo lực gia đình không còn là mối quan tâm, chuyện riêng của mỗi gia đình, ĐB Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) tán thành phải có luật này nhằm "góp phần xây dựng gia đình Việt Nam văn hóa". Tuy nhiên ĐB Liêm cũng tỏ ra chưa yên tâm với những quy định về hành vi bị coi là bạo lực trong dự thảo. Ông nói: "Đánh đập ở mức độ như thế nào mới gọi là bạo lực gia đình? Người Việt Nam ta có câu “yêu cho roi, cho vọt”. Con cái lười học, trốn học, cha mẹ đánh, mắng có bị coi là bạo lực không?". "Cưỡng ép hôn nhân bị coi là bạo lực gia đình, nhưng con gái 20 tuổi đòi lấy người chồng nước ngoài tới 70 tuổi, cha mẹ ngăn cản có bị xem là bạo lực gia đình không?", ĐB Võ Văn Liêm đưa ra ví dụ (cả hội trường cười ồ).

Vấn đề cách ly, biện pháp cách ly người có hành vi bạo lực gia đình với nạn nhân cũng khiến nhiều đại biểu quan tâm. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt vấn đề: "Vợ bị chồng đánh. Nếu cách ly tức là Chủ tịch xã, phường có quyền tạm giam ông chồng, lúc đó người vợ lại phải thăm nuôi, tốn kém, khi bị phạt tiền thì chắc chắn lại thu tiền của người vợ một lần nữa. Như thế người vợ còn khổ hơn". "Không khéo biện pháp này còn khoét sâu thêm mâu thuẫn gia đình", ông Xuân cảnh báo.

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất hôm qua là dự luật đặt vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình trong trường hợp nam - nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng này hiện phổ biến do vậy cần phải có chế tài để bảo vệ nạn nhân và xử lý người vi phạm. Trong khi ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) ủng hộ quan điểm này thì ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lại kịch liệt phản đối: "Nam-nữ không kết hôn sống chung không được pháp luật thừa nhận, do đó pháp luật cũng không đặt vấn đề bảo vệ họ khi xảy ra bạo hành". "Nếu dự luật quy định như vậy vô hình chung là công nhận hôn nhân thực tế và sẽ gây ảnh hưởng đến ý thức đăng ký kết hôn của người dân", bà Thúy nhấn mạnh.

Tuyết Nhung