itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm: 8 tỉnh, thành có người mắc bệnh

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm: 8 tỉnh, thành có người mắc bệnh

Điều trị bệnh nhân bị tiêu chảy cấp

tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng)

Ảnh Đ. H. L

Tính đến 2-11, đã có thêm tỉnh Thái Bình có người mắc bệnh tiêu chảy cấp, độc tính cao. Số người mắc bệnh tiếp tục tăng nhanh. Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, bệnh nhân bắt đầu phải nằm ghép...

Tám tỉnh thành có người mắc bệnh tiêu chảy cấp là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ và Thái Bình. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp ngày 2-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết dịch có xu hướng tiếp tục tăng ở các địa phương đã có người mắc bệnh. “Chúng tôi đang ở tình trạng sẵn sàng cao nhất, nhưng đây là loại dịch lây qua đường tiêu hóa, nếu người dân không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh, dịch sẽ bùng phát mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành” - ông Huấn nói.

Bệnh nhân tăng nhanh

Theo ông Nguyễn Hồng Hà - phó viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, tại viện đang có trên 140 bệnh nhân, 108 người trong số này dương tính với loại bệnh tiêu chảy cấp, độc tính cao. Tuy đã cho bệnh nhân mắc các bệnh khác ra viện, nhường giường cho nhóm bệnh liên quan đến tiêu chảy cấp, nhưng với 140 giường hiện có, bệnh nhân bắt đầu phải nằm ghép. Do tập trung sức lực điều trị kịp thời, hiện chưa có người bệnh nào tử vong tại viện.

Có mặt tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chỉ đạo Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia chuyển bớt bệnh nhân nhẹ, biểu hiện chưa rõ ràng sang các bệnh viện tại Hà Nội như Đống Đa, Thanh Nhàn, không để bệnh nhân phải nằm ghép. Ông Triệu cho biết chiều 1-11 Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế và UBND một số địa phương có dịch tiêu chảy cấp, yêu cầu tập trung toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đáng - cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quản lý bệnh nhân có dấu hiệu chưa tốt, cần khắc phục ngay. Ông Đáng cũng cho biết qua kiểm tra tại hai xã sản xuất mắm tôm ở Thanh Hóa cho thấy sản phẩm đặc quánh, nhưng vận chuyển đến Hà Nam thì loãng ra, chứng tỏ đã bị pha. Kiểm tra mắm tôm, người tiếp xúc, mẫu nước ở những vùng này không phát hiện vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp.

Hà Nội: tập trung dập dịch tại các điểm nóng

Ảnh : L.Anh

Đến nay, 13/14 phường thuộc quận Hoàng Mai có người mắc bệnh. Bà Nguyễn Thị Minh (Trung tâm Y tế dự phòng quận Hoàng Mai) cho biết số lượng bệnh nhân ở đây vẫn đang có dấu hiệu tăng. Quận đang rất mong nhưng phải đến sáng nay (3-11) mới có 150 sinh viên Trường cao đẳng Y tế Hà Nội về để cùng phối hợp tuyên truyền, phát tờ rơi phòng dịch đến tận gia đình, phun hóa chất diệt ruồi ở các gia đình có người bệnh, phun hóa chất khử khuẩn chloramine B... Đồng thời rắc vôi bột toàn bộ cống rãnh, khu vực sông Sét.

TS Nguyễn Công Tảo, trưởng khoa xử lý dịch Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết hiện toàn TP đã sử dụng trên 2 tấn chloramine B phun khử khuẩn. Qui trình khử khuẩn bao gồm diệt khuẩn tại gia đình bệnh nhân, xử lý nguồn nước và diệt ruồi bằng hóa chất. Hà Nội đã phát chloramine B cho người dân pha loãng (nồng độ 2%) để lau nhà, bàn ghế và đồ đạc. Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - khuyến cáo hiện đã xuất hiện một số người giả danh cán bộ y tế bán các chất khử trùng cho người dân, trong khi chủ trương của TP là phát miễn phí.

Hải Phòng: 12 bệnh nhân tiêu chảy cấp

Ngày 2-11, giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng Nguyễn Văn Vy cho biết toàn TP đã có 12 ca bệnh tiêu chảy cấp, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp và được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong số các ca bệnh này có hai bệnh nhân mắc bệnh do ăn thịt chó mắm tôm tại Hà Nội, còn lại do một số nguyên nhân khác như ăn gỏi, rau sống tại các quán ăn, nhà hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bệnh nhân cao tuổi nhất (82 tuổi) mới nhập viện là ông Bùi Văn Bái, trú tại phố Lê Lợi, mắc bệnh trong tình trạng nguy kịch và được xác định do ăn gỏi cá. Qua xét nghiệm, đã có bốn ca cho phản ứng dương tính với bệnh dịch và năm trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm. Theo ông Vy, dịch bệnh xuất hiện ở Hải Phòng từ ngày 25-10 tại phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, cho đến nay đã xuất hiện ở một số quận huyện khác.

Sở Y tế đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh thuyền nhân ra vào thông qua cảng Hải Phòng. Hôm qua, UBND TP Hải Phòng đã có chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó khuyến cáo không sử dụng nước đá, không được ăn gỏi sống, mắm tôm và các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm dịch khác.

Lan Anh - M.Q. - Đ.H.L.