itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5 đến 9%

Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5 đến 9%

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và

Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc

Ảnh: VA

Sau 5 ngày thảo luận, sáng nay (12/11), QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2008.

Tăng trưởng GDP: từ 8,5 đến 9%

Đến phút chót, vẫn còn 2 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 gây tranh cãi tại QH: GDP -tổng sản phẩm trong nước và CPI - chỉ số giá tiêu dùng.

Dự thảo Nghị quyết nêu mục tiêu GDP tăng 8,5-9%, nhưng nhiều đại biểu muốn có một chỉ tiêu cụ thể và cao hơn năm trước. Về CPI, các đại biểu cũng cần lựa chọn một trong hai phương án: CPI thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế hoặc không quá 7%.

Tuy không phải là buổi thảo luận, nhưng trước khi biểu quyết, nhiều đại biểu cũng muốn thể hiện quan điểm thật rõ ràng. Đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) nói: “Chúng ta đã quyết tâm thực hiện năm 2007 đạt 8,5% rồi, thì không có lý do gì mà năm 2008 chúng ta lại đưa ra con số là 8,5”.

Ông Hà cũng cho rằng, cả 2 phương án về CPI đều gây khó cho Chính phủ trong công tác điều hành. “Giả sử tăng trưởng kinh tế đạt 9% nhưng chỉ số giá tiêu dùng là 8,99%, cũng là dưới 9%, như vậy là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế không có giá trị gì cả, không có ý nghĩa gì cả. Nếu chọn phương án thứ hai là chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7% thì tôi e rằng sẽ không thể thực hiện được”.

Tuy nhiên, QH đã thông qua các chỉ tiêu: GDP tăng 8,5-9%, CPI thấp hơn GDP, sau khi được thuyết phục hoàn toàn bởi Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc.

Theo giải thích của ông Phúc, ở các nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng cao bao giờ cũng kèm theo chỉ số lạm phát tăng cao.

Ông lấy ví dụ: “Từ 2001 đến 2004, những năm đầu khi mức độ tăng trưởng của chúng ta ở mức thấp dưới 7%, chỉ số lạm phát chỉ là 3-4%. Nhưng đến 2004 có mức tăng trưởng 8%, chỉ số giá tăng lên đến mức 9,5%. Đến 2005, khi tốc độ tăng trưởng của chúng ta đạt mức 8,43% chỉ số giá của chúng ta là 8,40%. Do vậy, nó thể hiện khi chúng ta bắt đầu tăng trưởng cao, kèm theo tăng giá”.

Bộ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh: “Nếu chúng ta giữ chỉ số giá mà thấp hơn 7% thì sẽ thấy một hiện tượng là Chính phủ điều hành rất lúng túng, dẫn đến hai tình hình: Một, tốc độ tăng trưởng chậm lại. Hai, việc bao cấp về giá tạo nên một khe hở trong quản lý kinh tế”.

Lấy ví dụ cụ thể từ việc bao cấp giá xăng dầu, Bộ trưởng Phúc cho hay, trong điều kiện chung của giá xăng dầu thế giới tăng đến trên 90 USD/thùng, Chính phủ phải bao cấp cho doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

“QH biết hiện nay bù lỗ xăng dầu trên 10.000 tỷ đồng rồi. Nếu số này chúng ta dùng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển vùng nghèo thì lợi ích hơn nhiều”, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư nói.

Theo ông Phúc, không nên để CPI ở mức dưới 7% . “Để 7%, chúng ta thua lỗ về tăng trưởng lại vừa thất thoát trong quản lý kinh tế chung, dễ thất thoát trong buôn lậu”.

Kết quả biểu quyết: 411/ 443 đại biểu (83,37%) tán thành với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5-9%. 301 người (61,05%) đồng ý để chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

2010: Cơ bản hoàn thành cấp “số đỏ”

Dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu "phấn đấu đến 2010 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”- NV) đối với tất cả các loại đất trên phạm vi toàn quốc".

Nhưng theo đại biểu Vũ Hoàng Hà, mục tiêu này “không có cơ sở, không thể nào hoàn thành được”.

Ông Hà đề nghị với UB Thường vụ QH cho bổ sung vào từ "cơ bản", tức là phấn đấu đến năm 2010 “cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận”.

Đây cũng chính là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên: “Không bao giờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 100% đâu. Bởi vì liên tục có thay đổi và đồng thời cũng có một số trường hợp sẽ vướng mắc, tức là sẽ không bao giờ giải quyết được, do lịch sử để lại. Xin Quốc hội hai từ "cơ bản” hoặc mở ngoặc là từ 90 đến 95% và phấn đấu đạt được con số này đã là cố gắng lớn”, ông Nguyên nói.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp cùng với cải cách hành chính

Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của một số Bộ trưởng khác cũng có giá trị.

Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đề cập vấn đề miễn giảm học phí: “Hiện nay, ở tiểu học chúng ta làm được miễn phí, nhưng trung học cơ sở chưa có miễn phí. Vì vậy, chúng tôi thấy nếu đặt vấn đề miễn phí, thì làm rõ là miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, nhưng không phải chỉ là con em nông dân đâu mà thành thị cũng có những hộ rất nghèo, con họ cũng cần phải đi học. Chúng tôi xin đề nghị ghi rõ là miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở là con em thuộc diện hộ nghèo và giảm học phí cho con em thuộc hộ cận nghèo”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị bổ sung thêm sau cụm từ "đẩy mạnh cải cách hành chính" là cụm “đẩy mạnh cải cách tư pháp”.

Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) cũng đề nghị, cần tổng kết công tác tư pháp trong 20 năm đổi mới, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các bộ, ngành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và điều chỉnh theo hướng xóa bỏ những nhiệm vụ mà Nhà nước không nhất thiết thực hiện.

Cũng trong sáng nay, QH đã biểu quyết với đa số tán thành Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2008. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước 323.000 tỷ đồng, tương đương 24,1% GDP. Tổng chi: 398.980 tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước 66.900 tỷ đồng, tương đương 5% GDP.

Vân Anh (Theo VietNamNet)