itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Việt Nam – Thái Lan: Hợp tác bằng hành động

Việt Nam – Thái Lan: Hợp tác bằng hành động

Tân Thủ tướng Thái Lan Samak sẽ thăm

Việt Nam ngày 24/3. Ảnh: AP.

Gặp gỡ báo chí trước chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej tại Việt Nam, Đại sứ Kittipong Na Ranong cho rằng: quan hệ hợp tác hai nước không phải bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể, trên bình diện song phương và đa phương.

Thương mại – ưu tiên thảo luận

Ngày 24/3, đoàn quan chức gồm 30 người do Thủ tướng Thái Lan dẫn đầu sẽ sang thăm Việt Nam theo thông lệ ASEAN. Dự kiến, hai thủ tướng sẽ có cuộc hội đàm trong 90 phút bàn về nhiều vấn đề, đặc biệt là hợp tác trong kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tháng 12/2006, thủ tướng hai nước đã đặt mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD. Thực tế, năm 2007, thương mại song phương đã đạt gần mức đó, 4,9 tỷ USD.

Về đầu tư, Thái Lan là một trong những nước đầu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam, trong giai đoạn đầu mở cửa. Hiện nay, đầu tư của Thái tại Việt Nam là 1,67 tỷ USD. Nếu tập đoàn SCG được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, Thái Lan sẽ xếp thứ 6-7 trong số các nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 3,77 tỷ USD.

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam cho biết, trong hai năm công tác tại Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư Thái đã tìm gặp, thể hiện sự quan tâm của DN Thái đối với thị trường Việt Nam. Các DN nước này quan tâm đến hóa dầu, phân phối bán lẻ, viễn thông và bất động sản tại Việt Nam. Đó là các thị trường có nhu cầu rất lớn. Các DN Thái cũng băn khoăn về nạn đầu cơ bất động sản, chần chừ không muốn vào khi chưa hiểu rõ tình hình.

"Rào cản lớn nhất cho giao thương hai nước là việc các DN Thái chưa thông hiểu hết chính sách của Việt Nam", Đại sứ cho biết. "Chính sách của các bạn thường xuyên có sự điều chỉnh, thay đổi, các DN không thể kịp điều chỉnh, đặc biệt trong vài tháng trở lại đây".

Tình trạng thiếu điện, nước và lao động tay nghề cao cũng như chi phí vận chuyển khá lớn cũng là vấn đề khiến các DN Thái cân nhắc khi vào Việt Nam, Đại sứ Kittipong Na Ranong cho biết.

Thái Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm vượt khủng hoảng

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một số vấn đề như lạm phát cao, TTCK tụt dốc, giá BĐS phi mã... Đại sứ cho biết, với kinh nghiệm của một quốc gia đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997, Thái Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Tháng 4/2008, diễn đàn các bộ trưởng tài chính ASEAN sẽ họp tại Đà Nẵng thảo luận về vấn đề này. Hai tuần trước, các công ty chứng khoán ASEAN cũng gặp, trao đổi kinh nghiệm. Nếu Việt Nam muốn cử đoàn sang học tập kinh nghiệm, Thái Lan sẵn sàng chào đón. Việt Nam là đầu tàu trong ASEAN Trong hơn 10 năm qua, ASEAN đã chứng kiến sự phát triển nhanh, mạnh của Việt Nam trong Hiệp hội. “Việt Nam ngày càng có nhiều kinh nghiệm và tin ở khả năng của mình, trở thành đầu tàu trong ASEAN, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức này”.

Mục tiêu của Hiệp hội là đến năm 2020 trở thành một cộng đồng không biên giới. Thái Lan mong muốn Việt Nam sẽ cùng dốc sức giúp các nước trong khối có nền kinh tế kém phát triển hơn. Sự lớn mạnh của các nước này cũng đem lại lợi ích cho bản thân Việt Nam và Thái Lan.

Đại sứ Thái Lan cho rằng, cùng với việc tổ chức thành công APEC 2006 và trở thành thành viên HĐBA Liên hợp quốc, vai trò của Việt Nam đối với ASEAN tăng cao. Trên bình diện đa phương, Đại sứ cho rằng, Việt Nam và Thái Lan có nhiều mối liên kết thông qua ASEAN và hành lang kinh tế Đông – Tây.

Đại sứ Thái Lan bày tỏ quan ngại về vấn đề vượt biên khi sự kết nối tăng lên. Dự kiến trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Phát triển xã hội và an ninh con người Thái Lan sẽ cùng đại diện Bộ Công an Việt Nam kí thỏa thuận hợp tác về chống buôn bán người qua biên giới.

Theo Phương Loan / VietNamNet