itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / 'Thách thức lớn nhất là con người'

'Thách thức lớn nhất là con người'

Tình trạng gia tăng dân số và gia tăng mức tiêu thụ của con người khiến cho trái đất không còn khả năng nuôi nổi chúng ta. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo nhằm đảo ngược hậu quả có thể xảy ra.

Loài người chúng ta đang phải đối diện với hai vấn đề hết sức trọng đại. Vấn đề đầu tiên là thảm họa sinh thái toàn cầu. Vấn đề thứ hai là người ta thấy rất khó chấp nhận vấn đề thứ nhất.

Cho dù có rất nhiều đăng tải về thay đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu về môi trường vẫn ngần ngại thảo luận về quy mô toàn diện và mức độ nghiêm trọng của vấn đề toàn cầu do chính chúng ta tạo ra.

Loài người đã sinh sôi nảy nở quá khả năng trái đất có thể nuôi dưỡng, và chúng ta cần có hành động quyết liệt nhằm đảo ngược những hậu quả kinh khủng sắp xảy ra. Điều này trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.

Một khi đã làm thay đổi khí hậu, việc chúng ta gây thiệt hại tới các hệ thống tự nhiên là điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Từ phá rừng tới khai thác kiệt quệ các nguồn cá, sa mạc hóa, lây truyền toàn cầu các hoá chất độc hại, tạo các khu vực chết trong đại dương… tất cả đều là bằng chứng về tác động của con người.

Thêm vào đó là tình trạng cạn kiệt các nguồn lực có hạn, như dầu lửa và nước... và chúng ta có thể thấy qui mô khổng lồ mà thách thức này đặt ra.

Không đưa ra một hành động quyết định nào, loài người đang cúi đầu bước tới ngày mà hệ sinh thái toàn cầu sẽ sụp đổ.

Mạng lưới hỗ trợ cuộc sống

Chúng ta đang tháo dỡ dần các hệ thống hỗ trợ cuộc sống mà tất cả các loài đang phụ thuộc vào. Loài người có thể sẽ đối diện với nạn ‘tuyệt chủng lần thứ sáu’. Đợt tuyệt chủng lần thứ năm xoá bỏ toàn bộ các loài khủng long khỏi trái đất.

Mặc dù chúng ta thích hình dung là mình khác với các loài khác, con người không hề bị miễn nhiễm đối với mối đe dọa hủy diệt sinh thái.

Chẳng hạn, giới phân tích lo ngại về tương lai của hệ thống sản xuất lương thực. Hạn hán do thay đổi thời tiết và tình trạng cạn kiệt các nguồn dầu hay các tầng đất giữ nước - là những nguồn lực mà nông nghiệp và sản xuất lương thực phụ thuộc vào - có thể gây ra nạn đói với quy mô chưa từng có.

Hàng tỉ người có thể thiệt mạng. Đó là một thực tế.

Khía cạnh đáng lo ngại nhất của việc suy thoái sinh thái là khi rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cùng xảy ra vào một thời

điểm. Các vấn đề như cạn kiệt dầu lửa hay các tầng đất ngậm nước và thay đổi khí hậu có thể lên tới điểm khủng hoảng trong vài thập kỷ nữa.

Việc mất đi tính đa dạng sinh thái cũng gây ra các vấn đề lớn. Và tất cả những vấn đề này sẽ gây xáo trộn trong xã hội. Khả năng các vấn đề này xảy ra cùng lúc khiến cho ngay cả những người lạc quan nhất cũng phải lo ngại.

Một số p̣hân tích khả tín kết luận rằng chúng ta đã trì hoãn hành động quá lâu để tránh đối phó với những biến đổi lớn, và giờ đây, hành động tốt nhất mà người ta có thể đưa ra là làm sao giúp giảm bớt hậu quả. Những người khác thì hi vọng có thể đảo ngược được tình huống xấu nhất, mặc dù không phải sẽ không gặp khó khăn trước mắt.

Có một điều là chắc chắn: việc tiếp tục không hành động hay có các nỗ lực nửa vời sẽ chẳng giúp ích gì - chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.

Mặc dù rất ít người sẵn lòng đối diện với thực tế, việc chúng ta đi đến thời điểm như hiện nay là chẳng có gì bí mật cả. Chúng ta đã đi quá xa.

Kiểm soát

Chúng ta hiện đang ở mức ‘vượt ngưỡng’. Số lượng người và mức tiêu thụ của loài người đã vượt quá khả năng chịu đựng của trái đất về lâu về dài.

Chắc chắn số lượng người sẽ giảm xuống, có thể là tự nguyện, có thể là bằng các biện pháp của tự nhiên, như nạn đói hay dịch bệnh.

Như vậy, chúng ta có thể làm gì để thoát khỏi tình trạng này?

Trước hết phải nâng cao ý thức. Những ai có nhiệm vụ tuyên truyền phải cảnh báo cho mọi người biết về thực tế đáng lo ngại này.

Cụ thể hơn, chúng ta cần nâng cao ý thức về môi sinh. Chẳng hạn, chúng ta phải hiểu rằng mình chỉ là một trong hơn một triệu loài đang sống phụ thuộc lẫn nhau trên trái đất.

Điều quan trọng là các cá nhân phải giảm mức tiêu thụ các nguồn lực.

Chúng ta cần phải hoàn thành quá trình chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo. Việc này không phải sẽ xảy ra một sớm một chiều, nhưng việc dựa vào các nguồn năng lượng không có khả năng tái tạo là không bền vững chút nào.

Còn một thực tế nữa là rất nhiều nguồn năng lượng sạch cũng không chấm dứt được các vấn đề của chúng ta, vì gia tăng dân số có nghĩa là sẽ gia tăng tiêu thụ nhiều nguồn lực, chứ không đơn thuần chỉ là năng lượng.

Chúng ta cần suy xét lại cách phát triển kinh tế của các tập đoàn. Trong một thế giới với các nguồn lực hữu hạn, việc tăng trưởng kinh tế không thể nào tiếp diễn mãi mãi.

Chúng ta phải ngừng việc gia tăng dân số, mà điều này có nghĩa là giảm dân số ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển.

Việc thực hiện các hành động này đòi hỏi tất cả mọi người phải trở thành các nhà hoạt động, và giới lãnh đạo phải đưa ra các quyết định hướng tới sự bền vững của trái đất chứ không phải chỉ vì ích lợi của cộng đồng.

Hãy thực hiện nỗ lực này cho các thế hệ ngày nay và mai sau.

Theo BBC