Ươm tạo công nghệ trong các trường đại học
Ngày 13-9-2005, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ra Quyết định số 15/2005/QÐ-BKHCN ban hành quy định tạm thời về tổ chức thực hiện nhiệm vụ ươm tạo công nghệ trong các trường đại học. Triển khai Quyết định này, đã có tổng số 41 nhiệm vụ được thực hiện tại 5 trường đại học kỹ thuật trong cả nước.
Sau hơn hai năm thực hiện, các kết quả ươm tạo công nghệ được tạo ra thông qua các nhiệm vụ nêu trên đáp ứng mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động của các nhóm nghiên cứu trong trường đại học...
Trong 41 nhiệm vụ nêu trên, có 32 nhiệm vụ được thực hiện từ cuối năm 2005 và 9 nhiệm vụ được thực hiện từ cuối năm 2006. Ðánh giá bước đầu của Bộ KH và CN, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho thấy, nhiệm vụ ươm tạo công nghệ đã tạo ra các sản phẩm mới ở mức độ hoàn thiện, có hàm lượng công nghệ cao. Nhìn chung, các kết quả này có giá trị ứng dụng, thiết thực nên khả năng thương mại hóa là khá cao.
Theo đánh giá của nhiều đơn vị/cơ sở sản xuất tham gia hoặc thụ hưởng, các thiết bị, vật liệu hoặc quy trình công nghệ do các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ tạo ra không chỉ là các sản phẩm mới, có hàm lượng công nghệ cao mà rất thiết thực, được họ sẵn sàng đón nhận: Dây chuyền công nghệ sản xuất necta từ quả mơ (của Trường đại học Bách khoa Hà Nội) đã giúp Công ty cổ phần và khoáng sản Bắc Cạn có một sản phẩm mới, giúp tăng doanh thu cho bản thân công ty cũng như tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương trong việc phát triển sản xuất (thâm canh cây mơ) một cách ổn định.
Ðối với sản phẩm zeolit phục vụ chăn nuôi (của Trường đại học Bách khoa Hà Nội), theo đánh giá của ông Tạ Hùng Ðậu (Phòng Kinh tế TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đây là loại vật liệu lần đầu được ứng dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam, là loại vật liệu không độc hại, dễ sử dụng, giá thấp, giúp tăng năng suất vật nuôi và cho ra sản phẩm thịt "sạch".
Bộ phụ kiện chuyển đổi nhiên liệu cho phương tiện giao thông chạy xăng sang chạy bằng ga hóa lỏng của Ðại học Ðà Nẵng được Công ty TNHH một thành viên Toàn Quốc lắp đặt cho xe ta-xi. Sau một thời gian chạy thử nghiệm cho thấy: Xe hoạt động tốt, động cơ nổ êm, có thể tăng tốc hoặc vượt dốc tương đương xe chạy bằng xăng, tiết kiệm được 25-30% chi phí nhiên liệu.
Ba robot hàn sử dụng trong việc hàn ghép mí trong mặt phẳng (của Trường đại học Bách khoa thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được chuyển giao cho Trung tâm Thiết kế Chế tạo thiết bị mới - NEPTECH (thuộc Sở KH và CN TP Hồ Chí Minh) và cho Xí nghiệp đóng tàu thuộc Tổng công ty Tàu thủy Sài Gòn...
Các sản phẩm của các nhiệm vụ ươm tạo có mặt trong nhiều ngành, lĩnh vực: Trong nông nghiệp là các giống lúa lai, bưởi, cam chất lượng cao, các công nghệ trồng trọt, chế phẩm sinh học...; trong công nghiệp là các thiết bị, vật liệu, công nghệ mới (vật liệu nano M-SiO2 biến tính, công nghệ nhiệt luyện, công nghệ lớp sôi và lớp sôi tuần hoàn...); trong ngành y tế là các thiết bị, sản phẩm như phòng thí nghiệm an toàn sinh học, nhóm thiết bị điều trị sử dụng các công nghệ mới về vi điều khiển ứng dụng trong vật lý trị liệu...; trong lĩnh vực môi trường là các thiết bị đo và kiểm tra môi trường; hệ thống thiết bị công nghệ xử lý trong sản xuất nước khử khoáng, nước siêu sạch phục vụ công nghiệp dược phẩm, y tế...
Mặt khác, thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ đã tạo ra nhiều nhóm nhà khoa học trẻ ở các trường đại học, được đào luyện qua thử thách, triển khai thực hiện nghiên cứu một cách bài bản, trong một thời gian không dài đã cho ra những sản phẩm có tính khoa học và giá trị ứng dụng cao.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ươm tạo, phần lớn các nhóm nghiên cứu (gồm các nhà khoa học trẻ) nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và có hiệu quả của các nhà khoa học đầu ngành giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ, các nhà khoa học trẻ không chỉ trưởng thành mà còn được rèn luyện các kỹ năng, phẩm chất cần thiết của một nhà nghiên cứu, đó là năng lực phối hợp trong triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, làm việc theo ê kíp, theo nhóm.
Việc thực hiện các nhiệm vụ ươm tạo trong các trường đại học đã tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, kinh phí đầu tư cho từng nhiệm vụ là khiêm tốn nhưng đã tạo ra các sản phẩm đầu ra cụ thể, có chất lượng cao, giá thành hạ, thiết thực phục vụ kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần thúc đẩy công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn hội nhập, gắn nhà trường với doanh nghiệp. Thực hiện các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ là mô hình mới trong trường đại học, cần được triển khai nhân rộng vì những kết quả đem lại là khá toàn diện. Tuy nhiên, ở đây cũng còn nhiều vấn đề đặt ra, cần được quan tâm thỏa đáng:
Về cơ chế, chính sách, cần phải được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị tham gia cũng như cá nhân (nhà khoa học) trong việc thực hiện nhiệm vụ. Một số kết quả ươm tạo công nghệ muốn đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp thì cần có một nguồn vốn lớn. Do vậy, để chuyển giao nhanh các kết quả ươm tạo công nghệ vào sản xuất, cần có chế độ khuyến khích, ưu đãi (vốn, thuế...) cho cả đơn vị tiếp nhận công nghệ và đơn vị chủ trì nhiệm vụ.
Về kinh phí, có hai vấn đề cần được quan tâm: Cấp kinh phí kịp thời và thông thoáng hơn trong chi tiêu cho các nhiệm vụ ươm tạo công nghệ.
Về thời gian thực hiện nhiệm vụ, với yêu cầu đầu ra là sản phẩm, công nghệ mới mà chỉ trong vòng hai năm thì khó thực hiện. Chưa kể các nhiệm vụ yêu cầu phải có giải pháp hữu ích hay sáng chế hoặc các nhiệm vụ đòi hỏi kết quả thử nghiệm ở một số lĩnh vực cụ thể (như y tế), thì thời gian ngắn chưa thể đưa ra các kết quả khoa học thuyết phục. Cần nghiên cứu tăng thêm thời gian tùy theo từng nhiệm vụ ươm tạo công nghệ cụ thể.
Về vấn đề kiểm định, đánh giá là cần thiết, nhất là kiểm định, đánh giá các chỉ tiêu sản phẩm thiết kế chế tạo thử. Cần có chi phí cho công việc này.
Theo Cao Thu Hằng (Nhân Dân)
Tin đã đăng
- Nhân giống nguồn gien quý bằng phương pháp cấy mô
- Xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu internet đầu tiên
- Năm công trình đoạt giải nhất VIFOTEC 2007
- Giun ký sinh ở mắt người dài... 12 cm
- Trao Giải thưởng Khoa học - Kỹ thuật thanh niên lần thứ 17
- Khám phá bốn loài thằn lằn mới ở Việt Nam
- Tám công trình nhận “cú đúp” giải nhất nghiên cứu khoa học
- Máy làm giàu ô-xy di động
- Nữ tiến sĩ đưa cây trinh nữ hoàng cung lên ngôi
- Lần đầu tiên Việt Nam tạo ra cá phát sáng