itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Trong nước / Sắp có dịch vụ gửi cuống rốn vào Ngân hàng

Sắp có dịch vụ gửi cuống rốn vào Ngân hàng

Cuống rốn chứa các tế bào gốc,

là nguồn nguyên liệu quý để

chuyển hoá thành các loại tế bào

khác của cơ thể.

Ảnh: sinhhocvietnam.com.

Từ tháng 5 tới, các bà mẹ có thể gửi mẫu cuống rốn của con mình vào Ngân hàng tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam, đề phòng nếu bé hoặc người thân bị các bệnh hiểm sau này. Tuy nhiên, phí của dịch vụ lên đến vài nghìn đôla.

Ngân hàng tế bào gốc có trụ sở tại Công ty Mekophar, 297/5 đường Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11, TP HCM, dự kiến khai trương ngày 30/4 tới.

Theo quy trình, sản phụ sau khi đăng ký tại ngân hàng sẽ đi sinh tại bệnh viện như bình thường. Đến ngày sinh, Ngân hàng cử người đến tận nơi để lấy mẫu cuống rốn của bé, đưa về xử lý và bảo quản. Thời gian bảo quản lên đến 19-20 năm.

Việc bảo quản các tế bào gốc trong cuống rốn là để phục vụ chữa bệnh cho em bé sau này. Chẳng hạn, khi lớn lên, nếu bé (hoặc người nhà có chỉ số sinh hoá gần gũi) mắc các bệnh về máu, cơ, xương, khớp..., khiến các cơ quan này bị mất chức năng, cần phải có máu hoặc cơ xương thay thế. Khi đó, các bác sĩ sẽ sử dụng tế bào gốc trong cuống rốn của bé đã lưu trữ, biệt hoá chúng thành các tế bào cần thiết để phục vụ nuôi cấy mô, chữa bệnh. Cũng có thể dùng các tế bào gốc này để vá những miếng da bị bỏng...

Theo Bà Đặng Thị Kim Lan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dược phẩm Mekophar, tế bào gốc cuống rốn cũng rất có ích trong việc khảo sát tác dụng của một số loại thuốc mới. Chẳng hạn, "khi chúng tôi có một loạt thuốc mới chữa bệnh Alzeimer - bệnh liên quan đến các tế bào thần kinh, chúng tôi sẽ biệt hoá các tế bào gốc ở cuống rốn thành những loại tế bào thần kinh tương thích, và dùng chúng để thử nghiệm thuốc".

Tuy nhiên, bà Kim Lan cũng thừa nhận, trước mắt Ngân hàng mới chỉ làm nhiệm vụ chính là lưu trữ các cuống rốn, và bước đầu dùng chúng để chữa các bệnh về máu và bỏng. Còn nhiều tiềm năng khác của tế bào gốc chưa được khai thác. Hiện Mekophar đang hợp tác với Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), Viện Y học cổ truyền và một số đơn vị khác để thực hiện các nghiên cứu chữa bệnh từ kho tài nguyên này.

Giá thành của dịch vụ cất giữ máu hoặc màng cuống rốn từ 1.500 đến 2.000 USD trở lên, với những khoảng thời gian khác nhau thì giá cũng khác nhau.

Dự án về Ngân hàng này là một đề tài độc lập cấp nhà nước, trong đó Mekophar nhận chuyển giao công nghệ của một công ty ở Singapore. Hiện tại cơ sở vật chất của Ngân hàng tế bào gốc đã hoàn chỉnh, với labo và phương tiện xét nghiệm. Các chuyên gia ở đây đang thử máy móc và mẫu để chuẩn bị khai trương, đồng thời tiến hành thủ tục pháp lý để xin phép thử nghiệm trên người ở VN.

Thuận An / VnExpress