itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Bao giờ VN - Index là hàn thử biểu của nền kinh tế?

Bao giờ VN - Index là hàn thử biểu của nền kinh tế?

Cùng với sự phát triển của TTCK và nền kinh tế VN trong những năm gần đây, có lẽ chưa khi nào người ta thấy có một thị trường đông vui đến thế. Có thể là một phép thử khập khiễng khi so sánh thị trường hiện tại với giai đoạn thị trường cách đây 1 năm, 2 năm nhưng thực sự TTCK VN đang có sự bứt phá ngoạn mục cả về lượng và chất.

Thị trường hồi đầu năm 2007 được đánh giá là thị trường có tốc độ phát triển và sinh lợi lớn nhất thế giới, là điểm đến mới của các tổ chức đầu tư, và tất nhiên cũng là thị trường có mức rủi ro cao. Rủi ro không chỉ bởi TTCK VN là một thị trường non trẻ, mà bởi nó chưa thực sự có mối liên kết với các thị trường khác, và nếu đặt trong một bối cảnh chung, thị trường đang có vẻ như khá lẻ loi!!! Và liệu đến bao giờ VN - Index sẽ là hàn thử biểu của nền kinh tế?
TTCK đang bắt đầu có những mối liên hệ gián tiếp với TTCK thế giới. Bằng chứng là sự giao động lên xuống của VN - Index cũng chịu ảnh hưởng của sự trồi sụt của chỉ số các TTCK lớn trên thế giới, mặc dù có một độ trễ nhất định. Nhưng thực tế là thậm chí VN - Index lại có những diễn biễn ngược lại với diễn biến trên thị trường thế giới. Không đề cập đến các yếu tố vĩ mô, yếu tố mạnh nhất tạo ra xu thế ngược đó chính là ở luồng vốn đầu tư nước ngoài - thường rất nhạy cảm đối với những nền kinh tế mới nổi, thiếu vốn và có tốc độ phát triển cao.
Cũng có thể ví von một cách hình tượng là "nước chảy chỗ trũng". Sự tham gia của các định chế và NĐT nước ngoài góp phần rất lớn vào sự phát triển của TTCK VN từ những ngày đầu thành lập, đồng nghĩa với việc nó có sức chi phối rất lớn với thị trường. Khi kiến thức và kinh nghiệm của NĐTTN tăng lên, động thái của NĐTNN dần dần được xem xét và đánh giá khách quan hơn, do đó vị thế TTCK VN cũng tăng cao hơn - tác động của TTCK thế giới và khu vực dần dần là tác động chung. Tuy vậy, lý do lớn nhất khiến TTCK VN không chịu nhiều tác động của TTCK thế giới, đó là tính "quốc tế hoá" thị trường còn rất thấp, bởi VN chỉ có một vài DN niêm yết trên các thị trường nhỏ tại nước ngoài và hiện vẫn chưa có cơ chế cho "hàng ngoại" niêm yết tại VN. Vấn đề là chúng ta chưa muốn hay là chưa thể?
Đặt TTCK trong mối quan hệ với các thị trường khác, đặc biệt là thị trường tín dụng, chúng ta hãy đặt góc nhìn dưới khía cạnh luồng vốn để thấy được vị thế TTCK. Với NĐT nói chung, cả NĐT trong nước và nước ngoài, thì có 4 kênh có thể giải ngân đó là: TTCK, thị trường BĐS, thị trường tín dụng trung và dài hạn và thị trường tiền tệ. Thông thường, luồng vốn sẽ chảy sang thị trường cho mức sinh lời cao nhất với NĐT, theo chu kỳ và những biến động trong nền kinh tế.
Tuy không thể thống kê một cách đầy đủ nhưng dễ dàng thấy trong giai đoạn thị trường điều chỉnh gần 6 tháng vừa qua, TTCK giao dịch "ảm đạm" cũng kéo theo các thị trường khác kém sôi động theo, đặc biệt là thị trường tín dụng vốn đã bị giảm sức hấp dẫn do tỷ lệ lạm phát cao. Nguồn tiền đổ vào CK cũng chủ yếu có được từ các thị trường khác, điều này thể hiện khá rõ thông qua tác động của quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và khống chế dư nợ cho vay CK của các NHTM lên TTCK. Đây là một quy luật tất yếu. Nhưng về khía cạnh quản lý thị trường, những biện pháp hành chính đưa ra nhằm điều chỉnh thị trường tránh tình trạng "quá nóng" đánh vào sức cầu của thị trường dẫu biết là cần thiết lại dường như đang tách TTCK ra khỏi một xu thế phát triển chung.
VN - Index 1200, 1400 hay bao nhiêu cũng không quan trọng, quan trọng là nó phải phản ánh được đúng bản chất và tiềm lực của thị trường. Sau hơn 7 năm hình thành và phát triển, mức vốn hoá thị trường hiện tại gần 30% GDP đã là một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, để VN-Index là chỉ số thể hiện chu kỳ phát triển của nền kinh tế, phải tạo được mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa TTCK và các thị trường tài chính khác và tất nhiên phải gắn liền với các giải pháp phát triển đồng bộ cho thị trường.

Vũ Hạ - Viet Invest