itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Cổ phần hóa BV Bình Dân

Cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân: Ai được lợi?

Bệnh viện Bình Dân

Trên quan điểm ủng hộ chủ trương cổ phần hóa, loạt bài này góp thêm một cái nhìn để các cấp thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp trước khi thực hiện cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân

LTS: Thời gian qua, thông tin thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân TPHCM được dư luận đặc biệt quan tâm. Thực tế sẽ trả lời cho cách làm này một khi Bệnh viện Bình Dân đi vào hoạt động sau cổ phần hóa, song cũng nên đặt ra những vấn đề cần giải quyết để chủ trương tốt đẹp này phát huy tác dụng, tiệm cận mục tiêu phục vụ nhân dân. Trên quan điểm ủng hộ chủ trương cổ phần hóa, loạt bài này góp thêm một cái nhìn để các cấp thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp trước khi thực hiện cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân

Rộn ràng mua bán từ “mầm”

Một ngày cuối tháng 4-2007, tôi liên hệ một “cò” chứng khoán nhờ mua cổ phần Bệnh viện (BV) Bình Dân. Người này cho biết giá quyền mua một cổ phần của BV này hiện được chào bán từ 70.000 đồng - 80.000 đồng. Khi tôi hỏi trên thị trường cổ phần BV Bình Dân có được mua bán nhiều không, “cò” này nói chắc như bắp: Đầy!

Mua bán qua... miệng!

Để kiểm chứng, tôi đến BV Bình Dân, tiếp cận nữ y sĩ M. Nghe tôi ngỏ ý muốn mua quyền mua cổ phần, lập tức chị hỏi số lượng mua lớn không, giá mua bao nhiêu... Nghe tôi nói cần mua khoảng 10.000 cổ phần, giá 70.000 đồng/cổ phần, nữ y sĩ M. nói thẳng phương thức mua bán bằng giấy tay, thấy được thì ok! Thêm nữa, sau khi thỏa thuận giá cả, bên mua giao đủ tiền, mọi thủ tục còn lại bên bán có bổn phận thực hiện với BV. Thấy tôi lo ngại về phương thức giao dịch quá mạo hiểm này, M. trấn an: “Người bán sẽ đưa danh sách nhân viên được BV bán cổ phần ưu đãi để người mua xác nhận tên người bán. Nếu anh đồng ý, tôi sẽ bố trí anh gặp người ta” – M. nói. Qua giới thiệu của M., tôi liên lạc với một nam nhân viên phòng hành chánh BV Bình Dân. Anh này cho biết với thời gian công tác tại đây gần 27 năm, anh được quyền mua 2.700 cổ phần ưu đãi, giá bằng 60% mệnh giá. Nhân viên được mua nhiều nhất là trên 3.000 cổ phiếu và thấp nhất từ 100-200 cổ phiếu. Anh ta chào giá bán là 70.000 đồng/cổ phần, tôi đồng ý và đề nghị chứng minh bên bán có tên trong danh sách mua cổ phần ưu đãi. Anh lúng túng bảo rằng cách đây 2 tháng BV có niêm yết danh sách nhưng do việc mua bán quá ồn ào nên BV đã tháo xuống. Hiện nay không một nhân viên nào nắm giữ được danh sách này. Anh ta khuyên: “Bên bán chỉ có thể chứng minh với bên mua bằng thẻ CB-CNV mà thôi. Cách tốt nhất là bên mua tìm người quen hiện đang công tác tại BV để xác minh tên tuổi và số cổ phần ưu đãi của bên bán”.

Tại cổng BV, một người đàn ông hành nghề xe ôm cho biết, gần đây có khá nhiều người nhờ anh tìm đầu mối bán quyền mua cổ phần và anh cũng đã giới thiệu cho một vài nhân viên có nhu cầu bán.

Giao dịch ảo

"Cổ phiếu" BV Bình Dân đã “leo” lên mạng từ vài tháng qua. Ngay trong thời điểm một số cơ quan chức năng mạnh mẽ lên tiếng phản đối chủ trương cổ phần hóa BV này, việc chào bán "cổ phiếu" của BV Bình Dân trên các website www.mangotc.com , www.vinaotc.com , www.sanotc.com vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Trước thông tin trên, ngày 8-5, tôi truy cập một website rao bán cổ phiếu OTC, tìm được 3 địa chỉ chào bán cổ phiếu BV Bình Dân. Từ những đầu mối đó, tôi tiếp xúc với chị T. - người đã mua giấy tay quyền mua 2.200 cổ phiếu ưu đãi, giá trị trên 100 triệu đồng của một nhân viên BV vào đầu năm 2007. Chị tiết lộ: “Do có người em chồng là đồng nghiệp với người bán nên chị tin chắc rằng sau khi có quyết định cổ phần hóa chị sẽ không bị “xù”. Trong danh sách được mua cổ phiếu ưu đãi, người này có số thứ tự 298. “Nếu anh mua lại toàn bộ quyền mua 2.200 cổ phiếu trên, tôi đưa anh gặp trực tiếp nhân viên đã bán cho tôi. Người này sẽ cho bên mua xem danh sách và viết giấy bán qua tên anh, cam kết thực hiện các thủ tục chuyển nhượng khi BV được phép cổ phần hóa”. Nói xong, chị này đưa ra giá bán 120.000 đồng/cổ phiếu, rồi giảm xuống còn 110.000 đồng/cổ phiếu. Tôi đồng ý và đề nghị sang lại 1.000 cổ phiếu. Thấy tôi quyết tâm mua, chị T. hứa sẽ thuyết phục người đã bán cho chị viết lại giấy bán đứng tên hai người và ghi rõ số cổ đông của từng người, sau đó sẽ báo cho tôi biết để tiến hành giao dịch.

Tôi lập account trên một mạng mua bán cổ phiếu OTC, thử chào bán 500 cổ phần BV Bình Dân và để lại số điện thoại. Không lâu sau, nhiều cuộc gọi và tin nhắn liên hệ tới tấp và những người ở đầu dây bên kia luôn hỏi: BV Bình Dân có chắc được cổ phần hóa hay không?

Bán thì khó, giữ thì... run

Theo phó giám đốc một công ty đầu tư tài chính, mua cổ phần BV Bình Dân chỉ có những người liều hoặc thiếu hiểu biết về mua bán chứng khoán mới dám thực hiện. Ngay cả người mua có quan hệ thân thiết với nhân viên BV cũng không nên mua bởi hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc cổ phần hóa BV này, không biết bao giờ phương án cổ phần hóa mới được cơ quan quản lý chấp thuận. Mặt khác, không ai tiên liệu được mức giá của nó sau khi BV phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng cao hơn bao nhiêu lần so với mệnh giá. Thông qua đấu giá, nếu giá đấu bình quân của một cổ phần thấp hơn nhiều lần so với mức giá thị trường hiện nay thì người đã mua quyền mua cổ phần phải “ôm sô”.

“Cò” cổ phiếu tên Đ. trên “phố chứng khoán Nguyễn Công Trứ” nói với tôi rằng nếu BV không được phép cổ phần hóa, những người đang “ôm” quyền mua chắc chắn nuốt trái đắng. Trong trường hợp ngược lại, người mua suất mua cổ phiếu ưu đãi vẫn không biết được mình sẽ mua ở mức giá nào? Thông thường giá mua cổ phiếu ưu đãi bằng 60% của giá đấu cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Mặt khác, sẽ có những rắc rối không nhỏ một khi nhân viên BV cố tình quay lưng với người đã mua suất ưu đãi, không tiến hành các thủ tục chuyển nhượng, khi đó bên mua chỉ có nước đi “kiện củ khoai”. “Không ít người “ôm” quyền mua cổ phiếu ưu đãi của BV này đang lo ngay ngáy, nhờ tôi tìm mối để bán tháo, nhưng trong lúc dư luận đang “lùm xùm” thế này, bán thì khó, giữ thì... run” - "cò" Đ. cho biết.

Nhóm PV Thời sự