itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Lên sàn để... cứu giá

Lên sàn để... cứu giá

Với sức nóng của thị trường niêm yết, giá một số cổ phiếu (CP) trên thị trường OTC đã nhích lên trở lại nhưng chưa cao. Để nâng giá CP, nhiều doanh nghiệp đã tự cứu mình bằng cách "lên sàn" (niêm yết). Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10, hàng loạt công ty đã được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) chấp thuận về mặt nguyên tắc hoặc nhận hồ sơ đầy đủ để chuẩn bị cho việc lên sàn.

Cách đây chưa đầy 1 tháng, khi thị trường OTC bắt đầu rục rịch trở lại, CP Công ty Hòa Phát có giá 80.000 đồng/CP, tăng khoảng 10.000 đồng/CP so với lúc "đóng băng". Và khi công ty này chính thức công bố việc niêm yết vào cuối năm nay, giá CP Hòa Phát đã tăng vọt lên 110.000 đồng/CP. Cũng thời điểm đầu tháng 9, giá CP của Công ty cổ phần phân đạm hóa chất dầu khí (PVFCCO) được giao dịch với giá khoảng 65.000 đồng/CP. Nhưng ngay sau khi có thông tin công ty này đã nộp hồ sơ đầy đủ để chuẩn bị niêm yết trên sàn TP.HCM, giá CP tăng gấp đôi với 128.000 đồng/CP. Tương tự, giá CP của Cao su Đồng Phú đã tăng khoảng trên 40%, được mua với giá khoảng 90.000 đồng/CP ngay sau khi Hose công bố đã nhận đủ hồ sơ xin niêm yết của công ty này. Cách đây chưa đầy 2 tháng, CP Đạm Phú Mỹ cũng chỉ tròm trèm 70.000 đồng/CP thì chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây, đã vượt lên trên 100.000 đồng/CP cũng nhờ thông tin sắp lên sàn. Tương tự, CP của 2 công ty trong lĩnh vực thủy sản là Minh Phú và Nam Việt cũng tăng giá mạnh...

Không biết có phải do chiếc "phao" lên sàn tỏ ra hiệu quả hay không mà chỉ trong 1 tháng trở lại đây, nhiều công ty đã điều chỉnh thời gian niêm yết của mình sớm hơn so với dự định. Công ty H. là một điển hình. Theo kế hoạch lẽ ra năm 2008 công ty này mới niêm yết, nhưng đã chính thức "đẩy" việc lên sàn vào cuối năm 2007 và hành động này có hiệu quả tức thì với giá CP.

Theo các chuyên gia chứng khoán, chọn lên sàn vào thời điểm hiện nay là một biện pháp thị trường khôn ngoan của các công ty. Về khách quan, thị trường đang lên, nhà đầu tư đang hết sức lạc quan và tâm lý này có lợi lớn cho các "tân binh". Điều này đã được chứng minh rất rõ bởi sự trình làng hết sức thành công của hàng loạt CP mới đây như VIC, VTO, HDC... Xét về chủ quan, dịp cuối năm là khi các công ty cần một lượng vốn lớn để hoàn thành các hạng mục theo đúng kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, niêm yết vào thời điểm hiện nay là quá đẹp !

Thế nhưng, theo phân tích của một số nhà đầu tư, việc hàng loạt DN chào sàn "trên cả thành công" thời gian này đã bắt đầu khiến họ nghi ngại. Đã xuất hiện tình trạng "găm hàng" để làm giá ở tất cả các CP mới niêm yết một cách lộ liễu. Thậm chí có CP phiên giao dịch đầu tiên chỉ có 1.000 CP được bán ra trong khi lượng niêm yết lên tới hàng triệu CP. Đây chính là lý do vì sao một số “tân binh” mới đây chỉ duy trì "kịch bản" tăng trần do khan hiếm được 2 - 3 phiên rồi bắt đầu giảm giá. Và lượng bán ra lúc này cũng tăng đột biến so với phiên trước đó khiến không ít nhà đầu cơ không kịp trở tay. Theo dõi "tân binh" VTO mới niêm yết khoảng 1 tuần gần đây có thể thấy rõ điều này. Sau 2 phiên chào sàn tăng kịch trần với lượng bán ra chỉ khoảng 1.000 CP mỗi phiên, đến phiên thứ 3 lượng bán ra tăng vọt, lên trên 500.000 CP song song với việc giá VTO bắt đầu có dấu hiệu chững lại và giảm xuống ở những phiên tiếp đó.

Theo các chuyên gia chứng khoán, đây là dấu hiệu cảnh báo các công ty coi việc niêm yết là "phao" cứu giá. Trong điều kiện thị trường diễn biến kịch tính, nhà đầu tư đã được thử thách bản lĩnh và trở nên khôn ngoan hơn thì mọi kịch bản đều dễ bị phát hiện. Đây là lúc mà các nhà đầu tư mới phải hết sức cẩn trọng để tránh thiệt hại về tài chính vì sự thiếu kinh nghiệm và chạy theo trào lưu săn hàng mới.

TN