itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Điểm tựa cho phụ nữ nghèo và tàn tật

Điểm tựa cho phụ nữ nghèo và tàn tật

Ai một lần về thôn 2 thị trấn An Dương của huyện cùng tên này, sẽ được người dân nơi đây kể về Chủ nhiệm Đoàn Thị Nga của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ An Dương với bao điều lý thú...

Có ai khởi nghiệp với một tạ thóc không hơn? Có ai lập doanh nghiệp chỉ nhận phụ nữ nghèo và tàn tật? Có ai nặng lòng với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống mà "dấn thân" vào chốn thương trường khó nhọc? Để đến bây giờ, sau 18 năm kể từ ngày lập tổ sản xuất nhỏ với chỉ 3,4 chị em quấn túm (từ 1989), có cả một doanh nghiệp của 40 công nhân và hơn 400 công nhân thời vụ. Ai một lần về thôn 2 thị trấn An Dương của huyện cùng tên này, sẽ được người dân nơi đây kể về Chủ nhiệm Đoàn Thị Nga của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ An Dương với bao điều lý thú...

Khởi nghiệp từ... một tạ thóc

Ai một lần bước chân vào đây, luôn được thấy tiếng cười hiện diện trên môi những công nhân cho dù đang giờ làm việc nghiêm túc và khẩn trương, cho dù tất cả chị em, nếu không hoàn cảnh nghèo khó thì cũng mang trong mình một phần khiếm khuyết trên cơ thể. Không phải ngẫu nhiên có được niềm vui hồn nhiên ấy, bởi để luôn nhận được đơn đặt hàng của khách trong và ngoài nước, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động là cả một quá trình kiên trì tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Chị Nga hướng dẫn kỹ thuật cho xã viên.

Nhớ lại những ngày đầu lập cơ sở sản xuất, chị Nga không quên những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Từng là công nhân kỹ thuật của Công ty thủ công mỹ nghệ An Hải, năm 1989, khi doanh nghiệp giải thể, vì lo cho nguy cơ mai một nghề thủ công thêu ren truyền thống một thời hưng thịnh của cả huyện, chị tự lập tổ sản xuất nhỏ. Biết bắt đầu từ đâu, khi mà bản thân mình đang chạy ăn từng bữa trong cái khó khăn chồng chất của một thời bao cấp? Chị Nga chia sẻ: "Chỉ còn một tạ thóc trong nhà là đáng giá cũng phải bán để mua dụng cụ và nguyên liệu sản xuất". Trên diện tích khoảng 200m2 được lấy từ một phần đất phía sau của gia đình, chị dựng lên khu nhà vừa là văn phòng vừa là cơ sở sản xuất. Chị Nga bắt đầu như thế cùng với 3,4 chị em khác cùng cảnh ngộ quấn túm lấy nhau, nhận gia công hàng đan, thêu ren. Chị bảo, "cũng may, cái nghề này chỉ cần mua một số phế liệu của các nhà máy cũng có thể sản xuất ra sản phẩm. Điều quan trọng là cần có nghề và thoải mái trong công việc để sáng tạo ra những mẫu mã đẹp, hợp thời trang".

Chị Nga cho biết, nhu cầu thị trường luôn tăng lên, nhất là với những sản phẩm đan, thêu ren truyền thống. Và nhu cầu tất yếu là cần một tư cách pháp nhân để khỏi lỡ những hợp đồng lớn. Ấy vậy, nhưng cũng phải đợi đến cuối năm 2004, chị mới có thể biến ước mơ ấy thành hiện thực với sự ra đời của HTX thủ công mỹ nghệ An Dương do chị làm Chủ nhiệm. Cũng từ sự chuyển mình ấy của doanh nghiệp, chị em công nhân thay vì nơm nớp nỗi lo thiếu việc là niềm vui, an lòng mà đam mê, mà sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, giá trị kinh tế ngày càng cao. "Những người nông dân không nghề nghiệp, chứ chưa nói đến thiệt thòi bị tật nguyền như chúng tôi, thật khó để một tháng làm ra sáu trăm ngàn với người học việc, chín trăm ngàn với công nhân chính thức, chưa kể việc làm tranh thủ ở nhà cho thêm chút thu nhập đáng kể như ở HTX này"-tâm sự thật lòng có chút gì hàm ơn người Chủ nhiệm của chị Lê Thị Thanh, thôn Lương Quán, xã Nam Sơn, cũng không quá. Chị Thanh gắn bó với nơi đây từ những ngày đầu lập cơ sở và thật vui khi biết rằng, với chị và gia đình, chín trăm ngàn đồng tiền lương quý giá ấy ý nghĩa biết nhường nào. Nó đủ để con gái lớn của anh chị có cơ hội theo học khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia. Nếu không, chỉ làm ruộng cho cuộc sống của bốn người không biết gia đình chị xoay xở ra sao?

Một số sản phẩm của HTX.

Cái nghề đan, thêu ren, móc chỉ truyền thống qua bàn tay khéo léo của công nhân HTX cho những chiếc áo thời trang, túi xách xinh xinh, hộp cói bắt mắt, gối tựa lưng tiện dụng,...Cũng không lạ, nếu đâu đó nơi đất Hà Thành hay TP. Hồ Chí Minh tấp nập xuất hiện sản phẩm của HTX này, bởi nhiều đơn đặt hàng khởi nguồn từ nơi ấy. Không ít những Việt kiều đặt hàng mang sang tận trời Tây nữa. Nhìn vào sản phẩm ấy, Chủ tịch UBND thị trấn An Dương Phạm Văn Dung chia sẻ niềm vui, "Sự mạnh dạn, kiên trì sáng tạo của chị Nga tạo cơ hội nghề nghiệp cho nhiều phụ nữ của địa phương. Giá trị vật chất thật rõ ràng, nhưng ý nghĩa xã hội đem lại cũng thật lớn lao với không chỉ người nghèo tàn tật, không giới hạn ở việc khôi phục được nghề truyền thống của địa phương "

Nỗi lòng "người thợ" đam mê nghề truyền thống

Những gì đã qua, đọng lại là nhiều Bằng khen, Bằng chứng nhận sản phẩm ...không còn chỗ để treo nữa. Nhưng có lẽ nụ cười hạnh phúc của công nhân nơi đây lớn hơn tất thảy, là mục đích của nghiệp kinh doanh nơi người chủ giàu lòng nhân ái. Khó tỏ bày cảm xúc khi được nghe lời tâm sự của chị Lê Thị Huyền, thôn Lê Sáng, xã An Hồng: "Nhà tôi chỉ còn ba người, bố mẹ nay đã 72 tuổi. Tôi thì không chỉ chống nạng từ hồi 6 tuổi do gãy chân mà còn bị u da, nổi mụn nhọt khắp người chẳng làm được gì, thế mà nhờ về đây, tôi..." -chị đã không thể nói tiếp vì xúc động, nhưng chúng tôi hiểu tất cả cuộc sống của gia đình chị trông vào khoản thu nhập chị có được từ công việc ở HTX này. Không những thế, niềm vui và tình cảm gắn bó như trong gia đình giữa mọi người nơi đây tiếp thêm cho các chị nghị lực quên đi mặc cảm, vượt qua khó khăn mà tươi vui với đời, với cuộc sống.

Chị Đoàn Thị Nga.

Cũng vì lẽ đó, cũng vì nhiều hợp đồng bị lỡ do không đủ cơ sở sản xuất, và nặng lòng với nghề truyền thống mà chị Nga mở nhiều lớp dạy nghề, ở xã An Hưng quê chị có, ở Đồ Sơn có và cả ở huyện Kim Thành, Hải Dương, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh xa xôi với mỗi lớp hơn 50 học viên. Và còn dự định mở rộng quy mô sản xuất lớn nữa mà chị chưa thể thực hiện. "HTX không ngừng phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cưu mang người tàn tật, phụ nữ nghèo. Vậy mà khi muốn có mặt bằng mở rộng quy mô thì không kiếm đâu ra, cho dù là sự quan tâm tạo điều kiện cho thuê hoặc cho mượn một diện tích đất đủ rộng thay vì cơ sở nhỏ bé nằm sâu trong ngõ nhỏ hiện nay". Không ngạc nhiên trước bức xúc ấy của Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện An Dương Khúc Thành Long. Nhưng với chị Nga, mọi điều thật đơn giản, bởi chị luôn nghĩ và tâm đắc với câu nói của Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và xã hội Đoàn Hữu Đắc trong lần gặp ông ở Hội Sản xuất kinh doanh người tàn tật Hải Phòng: "Các doanh nghiệp của người tàn tật tự cứu lấy mình, tự vươn lên mà đứng vững, mà khẳng định trước xã hội".

Bài và ảnh: Văn Lượng