itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Lòng thơm thảo nhận về trái ngọt

Lòng thơm thảo nhận về trái ngọt

Từ ngày mới lọt lòng mẹ cho đến cuộc mưu sinh, khởi sự DN quần quật trong suốt 20 năm qua, người đàn bà ấy đã nếm trải không biết bao nhiêu cam go, khó nhọc, có lúc còn đứng trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết…

Nhưng niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp vào ngày mai và một nghị lực sống mãnh liệt, không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh đã giúp chị chiến thắng tất cả.

Chị là PHẠM THỊ DIỆU HIỀN - Tổng Giám đốc Cty TNHH Thủy sản Bình An. Chị vừa được Hội đồng Thi đua khen thưởng TP Cần Thơ giới thiệu tham gia bình chọn 100 gương mặt Doanh nhân tiêu biểu năm 2007 do VCCI tổ chức.

45 năm trước, tại một ngôi làng nhỏ ở miền Đông Nam Bộ, có một bé gái vừa lọt lòng mẹ, chưa kịp nhận tên thì đã bị đem gửi vào một ngôi chùa. Người mẹ trẻ sau khi trao đứa con còn đỏ hỏn của mình cho vị sư trụ trì ngôi chùa đã phải chạy như bay vào đêm tối. Không còn cách nào khác vì trong điều kiện chiến tranh, yêu cầu công việc đòi hỏi chị buộc phải xa núm ruột thân yêu của mình. Đứa bé ấy được vị sư nhân từ đặt tên là Diệu Hiền – với mong ước cô bé sau này sẽ làm được nhiều điều nhân đức cho đời.

Nghe tin, bà nội chị vội vã tìm đến ngôi chùa, xin đem chị về cho người cô ruột thứ năm - người mà chị quen gọi là má Năm – nuôi dưỡng. Chiến tranh tàn khốc. Long Mỹ trong vành đai trắng. Nhà cửa bị đốt cháy thường xuyên... Hai mẹ con phải xuống chiếc xuồng ba lá cũ nát, sống nhờ vào sự che chở của dòng sông Hậu.

Rồi cả ba và mẹ chị đều hi sinh. Chị thành đứa trẻ mang trong mình mặc cảm thân phận mồ côi.

Càng thương sự hi sinh lặng thầm của má Năm, chị càng cố gắng học. Tốt nghiệp lớp 12, Diệu Hiền xin vào làm cho một cơ quan nhà nước của huyện. Hai năm sau, chị về làm nhân viên kế toán cho Cty Nông sản thực phẩm xuất khẩu của tỉnh. Do bản tính luôn hoạt bát và cầu tiến, chị được cơ quan cho đi học thêm các khóa kế toán trưởng, cao đẳng ngoại thương và lớp bồi dưỡng chính trị. Rồi chị lập gia đình. Anh là cán bộ trong một cơ quan nhà nước tại huyện Long Mỹ.

Hai vợ chồng với một đứa con nhỏ, kinh tế bao cấp lại đang ở thời kỳ thoái trào, cuộc sống hết sức cơ cực. Chị bàn với anh sẽ nghỉ ở nhà để lo cho con... Nhưng về nhà rồi, vườn không, ruộng cũng không. Phải làm gì để sống? Chợt nhớ đến những ngày còn làm công việc xuất khẩu, chị thấy chỉ có mặt hàng gỗ gia dụng là chẳng ngại ế ẩm. Vậy là chị bán món nữ trang là kỷ vật cưới của hai vợ chồng để dựng lên một xưởng mộc nhỏ. Xưởng mộc dựng lên, ngày đầu làm ăn tấn tới. Tưởng đã thoát nghèo, vậy mà ai học hết chữ ngờ...

Năm 1989, khi chuẩn bị sinh đứa con thứ hai, chị giao xưởng mộc cho một người thân trông coi. Nhưng vì không biết cách điều hành, nó bắt đầu lụn bại.

... Trong những tháng ngày túng quẫn ấy, cái nghiệp làm gỗ vẫn luôn trĩu nặng trong lòng chị. Vậy là hai vợ chồng cặp nách hai đứa con, đứa mới 3 tuổi, đứa chưa đầy thôi nôi dắt díu nhau đón xe đò lên Sài Gòn rồi đi Đắk Lắk... Cứ nhắm mắt để đi chứ lúc ấy chị đâu có biết mảnh đất Đắk Lắk ấy nó nằm ở hướng nào? Qua vùng Đắk Min, Bản Đôn, Easup... chị tìm lại địa chỉ của dân làm gỗ trước đây mà chị biết. “Bước chân vào cửa rừng, đường dốc trơn trượt, cây cối um tùm, muỗi rừng bu lại đốt nát cả chân. Chiều chiều, ngồi nghe tiếng vượn hú mà rợn cả người - Chị kể - Đêm nằm trong mái tranh tre tạm bợ, cứ trằn trọc vắt tay lên trán mà nghĩ cách... Thiếu thốn cùng cực trăm bề. Con lớn sốt rét giữa rừng, con bé cũng ốm tong teo... Thức ăn của cả nhà ngày ấy thường xuyên chỉ có đọt lang và rau rừng... Vậy mà cũng cố trụ được cho đến ngày chị liều lĩnh đón xe về quê, tìm một người quen và chấp nhận vay với lãi suất nóng. Gom góp được 10 cây vàng, lại tất tả đón xe... ngược rừng...” - chị kể.

Trong những ngày tháng bươn chải này, có một kỷ niệm mà chị không thể nào quên. Đó là trong một chuyến gỗ về xuôi, chị suýt phải ở lại vĩnh viễn dưới chân đèo Phượng Hoàng. Xe đang bon bon chạy, bỗng đứt phanh. Run rẩy ôm chặt đứa con trai vào lòng, chị chỉ biết cầu khấn cho Trời Phật phù hộ... Và tình huống xấu nhất đã không xảy ra. Đêm hôm đó, khi về đến Thủ Đức, tạm trú trong một cơ sở rửa xe, trong cơn mộng mị, chị bỗng thấy mình chập chờn trong ánh hào quang, rồi Phật bà hiện ra nói: Con muốn làm giàu phải dựa vào nguồn nước”. Giật mình tỉnh dậy, chị thấy ánh hào quang là cái đèn tròn trên đầu, còn nguồn nước là do cái vòi cạnh đó cứ nhỏ từng giọt lách tách xuống nền bê tông. Nhưng như có lời thần kỳ mách bảo, chị cứ suy nghĩ mãi về giấc mộng. Sáng mai thức dậy, khi nhìn thấy mấy anh nhân viên găm ống, mở vòi nước rửa xe, trong chị chợt lóe lên ý nghĩ: Sao mình không lấy gỗ đi rửa để biến gỗ thứ phẩm thành chính phẩm. Vậy là chị cho trút hết 25 khối gỗ trên xe xuống và thuê thợ rửa xe rửa gỗ. Còn bao nhiêu tiền trong túi, chị móc ra hết, chấp nhận “đánh liều một phen”. Thật ngạc nhiên, loại gỗ thứ phẩm của chị sau khi đã được làm vệ sinh sạch hết mốc meo, sình đất hóa ra lại chẳng thua gì gỗ chính phẩm.. Cho đến thời điểm Nhà nước “đóng” cửa rừng năm 1992, vốn liếng của chị đã tăng lên gấp vài trăm lần.

Những ngày đầu về Sóc Trăng, chị gây dựng lại xưởng mộc nhưng làm ăn có bài bản hơn xưa. Năm 1992, khi thấy khả năng tài chính và nguồn nhân công, thị trường ổn định, chị xin giấy phép thành lập DN tư nhân, chuyên sản xuất, chế biến đồ gỗ. Một năm... hai năm, vốn DN của chị ngày càng lớn. Bắt đầu có những hợp đồng trị giá bạc tỷ. Nhưng còn một khát vọng vẫn nung nấu trong lòng chị. Cho đến một ngày, anh hỏi chị: Em có ước vọng gì không, anh sẽ lo cho em. Chị nói với chồng: Cả đời, em chỉ có ao ước là được đi học đại học. Vậy là anh đi tìm trường cho chị. Chị thi vào khóa 26 trường Đại học Kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Suốt 5 năm miệt mài đến khi đã có tấm bằng đại học trong tay, ngày nắng cũng như ngày mưa, không ngày nào chị vắng mặt. Chị học nghiêm túc vì nhận thức được một điều, “học để cho mình, có học mới có thể mở mang kiến thức và làm lớn được”.

Năm 1996, trong số những miếng đất của hai vợ chồng dành dụm mua được ở Sóc Trăng, chị lại nảy sinh ý định mới: Xây dựng khu du lịch văn hóa Bình An. Gần một năm xây dựng, ngày 24/12/1998, khu du lịch Bình An khánh thành. Chị đã khóc đến lặng người khi chứng kiến hàng chục ngàn lượt khách chen chúc vào tham quan, vui chơi. Vậy là thành quả của chị đã được ghi nhận.

Cuối năm 2003, khi nghe chính quyền Cần Thơ kêu gọi đầu tư khu đô thị mới, chị cũng là người đầu tiên dám tiên phong “nhảy” vào. Trong bước đường kinh doanh thăng trầm của mình, nhớ lại một bi kịch mà mình từng chịu đựng, chị kể: Thị trường địa ốc đang ở thế đóng băng, bỗng dưng họ lại tung về chúng tôi những tin đồn thất thiệt. Họ nói tôi sẽ phá sản vì nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng, bị siết nợ đến mức phải bán nhà, bán cửa, vợ chồng, con cái đùm túm nhau đi ra nước ngoài. Thật sự khó chịu vì kiểu cạnh tranh không lành mạnh này nhưng chị không nản. Bỏ qua tất cả những tin đồn, chị lại bắt tay vào một dự án khác có tính chiến lược hơn, lâu dài hơn. Chị sang Đồng Tháp, rồi qua Vĩnh Long, An Giang để thăm dò, làm quen với công việc nuôi và chế biến cá tra, cá ba sa. Lứa cá sạch đầu tiên, chị thu hoạch 10.000 tấn. Lứa cá thứ hai, chị cũng “trúng đậm” như thế... Còn bây giờ, cơ ngơi của chị là Nhà máy Thuỷ sản Bình An - một nhà máy trị giá 20 triệu USD có quy mô lớn và hiện đại nhất nhì của VN và khu vực Đông Nam Á, tọa lạc trên diện tích rộng 33.000.000 m2 tại KCN Trà Nóc II (TP Cần Thơ). Trong lễ khánh thành đầu Xuân năm nay, nhà máy đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng lãnh đạo địa phương tới thăm. Thủ tướng đã dành những lời chúc may mắn, tốt đẹp nhất và đánh giá cao tài năng, công lao của chị cũng như các cán bộ nhân viên của nhà máy.

“Cả cuộc đời cơ cực của mình, có được sự thành đạt như hôm nay, tôi vẫn tin vào luật nhân quả. Tôi chỉ tâm niệm một điều “ở hiền sẽ gặp lành”. Chị tâm sự. Ngày Doanh Nhân VN được tổ chức long trọng lần đầu tiên (13/10/2004), chị là nữ doanh nhân duy nhất của cả vùng sông nước Cửu Long có mặt tại Hà Nội và tham dự cuộc đấu giá bức tranh sơn mài có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kết thúc cuộc đấu giá đầy ý nghĩa ấy, chị xin được góp 500 triệu đồng vào quỹ “Vì người nghèo”. Tại Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, nơi chôn rau cắt rốn và gây dựng sự nghiệp của chị dường như chương trình gây quỹ từ thiện nào cũng có sự đóng góp tận tình của chị. Với người dân nghèo trong cả nước, đã có hàng chục tỷ đồng được chuyển đến tay họ từ tấm lòng thơm thảo của chị. Lo làm đường, làm cầu, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ bệnh nhân nghèo ở mảnh đất Long Mỹ nghèo khó của chị năm xưa cũng có công đóng góp lớn lao của chị. Chị tâm niệm: Càng có nhiều tiền thì càng làm được nhiều việc thiện. Và giúp người nghèo khó là trách nhiệm, là việc làm không ngơi nghỉ của mình.

- Trong bước đường gian khó mà chị đã trải qua, chắc hẳn chị cũng có những giây phút mệt mỏi muốn buông tay. Và, chị thường làm gì để “tự cứu mình”?

Chị lại lên chùa hoặc đi làm từ thiện, thăm trẻ mồ côi. Nếu có thời gian thì một mình đi canô sang bên kia sông Hậu, qua ao cá, cho cá ăn, bởi nơi đó như một chốn yên bình nhất trong cuộc đời mình. Rồi lặng lẽ chiêm nghiệm: Tại sao một đứa bé mồ côi như mình mà lại có thể làm được nhiều việc đến thế! Lại tự động viên mình phải gắng lên, gắng lên nữa.

- Ở vào độ tuổi “không còn trẻ mà cũng chưa già” này, khi bao nhiêu đắng cay của cuộc đời đã cho chị những quả ngọt xứng đáng, hẳn chị đã có thể mỉm cười hài lòng?

Nếu chỉ để sống cho cá nhân mình, gia đình mình thì chị đã dừng lại từ lâu rồi. Quanh mình còn có biết bao nhiêu người khổ sở, bất hạnh cần được giúp đỡ. Cứ nghĩ đến điều ấy chị lại lao vào công việc.

- Còn gia tài để lại cho những đứa con?

Ngoài những lúc vùi đầu vào công việc, chị cố gắng gom nhặt tất cả những giây phút còn lại để dành cho gia đình. Hai con đều đi học xa, chị luôn thèm khát những phút giây đầm ấm bên chồng, bên con trong bữa cơm quây quần của cả gia đình. Chị thường nói với con: Gia tài lớn nhất mà mẹ để lại cho các con không gì khác ngoài trí tuệ và đạo đức của mẹ. Đường đời đã khổ luyện mẹ để có được như ngày hôm nay, cho đến bây giờ mẹ vẫn chỉ tâm niệm một điều: Ở hiền thì gặp lành. Chỉ mong các con có được những điều như thế!

Và người phụ nữ quả cảm mà nhân từ ấy vẫn âm thầm gom góp tiền bạc, sức lực tiếp tục xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất để thực hiện bằng được ước mơ lớn nhất cuộc đời mình: Xây dựng Thương hiệu Bình An trở thành thương hiệu Việt toàn cầu.

Thu Hiền (Theo DĐDN)