itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Năm 2011 Việt Nam sẽ đón dòng đầu tư lớn từ Nhật

Năm 2011 Việt Nam sẽ đón dòng đầu tư lớn từ Nhật

Ông Tâm cho rằng, năm 2011 kinh tế Việt Nam sẽ có động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Nhật Minh

Trở về từ diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, cho rằng năm 2011 sẽ chứng kiến sự khởi đầu mới của nền kinh tế Việt Nam.

- Gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Nhật trong diễn đàn kinh tế APEC, ông thấy gì về khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam trong năm 2011?

- Đợt đi Nhật dự APEC lần này, Thủ tướng Nhật nhắc đến Việt Nam rất nhiều. Những doanh nghiệp Nhật nào chưa có mối quan hệ với Việt Nam thì lo lắng. Tôi dự họp bàn tròn ở Nhật mà trong một tuần có đến 20 cuộc làm việc riêng rẽ với doanh nghiệp Nhật. Còn bây giờ, tuần nào tôi cũng có buổi tiếp lãnh đạo cao cấp các công ty lớn của Nhật. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của giới doanh nghiệp nước này với Việt Nam.

Khi ở Nhật, đích thân chủ tịch của AEON – công ty có hệ thống siêu thị lớn nhất Nhật Bản gặp gỡ chúng tôi để tìm hiểu thêm về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Phó chủ tịch Mitsui Fudosan - nhà kinh doanh bất động sản lớn nhất Nhật Bản, đã qua làm việc với chúng tôi để tìm hiểu cơ hội đầu tư bởi họ chưa có hiện diện tại nước ta….

Xuất phát từ những mối quan tâm này, tôi tin rằng năm 2011 Việt Nam sẽ đón dòng đầu tư rất lớn từ Nhật Bản. Còn đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore sẽ tiếp tục duy trì vào Việt Nam, đầu tư từ Mỹ sẽ thiên về tài chính hơn là trực tiếp.

- Còn triển vọng kinh tế của Việt Năm năm 2001 thì sao?

- Năm 2010, thế giới cơ bản đã chấm dứt khủng hoảng và bắt đầu tăng trưởng trở lại. Khu vực châu Á là tăng trưởng mạnh nhất. Hoa Kỳ và Nhật Bản - 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, thì vẫn còn khó khăn, và Nhật bản cũng phải bắt đầu gói kích thích kinh tế trị giá 100 tỷ USD. Qua năm 2011, APEC dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng GDP giảm hơn so với 2010 khoảng 20% chứ không cao như năm 2010.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn có nhiều đặc điểm thuận lợi để phát triển trong năm 2011. Thứ nhất, năm 2011 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, cũng là năm đầu của kế hoạch 5 năm nên khí thế từ thành công của đại hội đảng lần thứ 11 sẽ giúp cả nươc thi đua phát triển sản xuất, nền kinh tế sẽ thuận lợi hơn. Thứ hai, trong ASEAN thì Việt Nam có lợi thế chính trị ổn định.

Thứ ba, năm 2015, ASEAN sẽ hoàn tất việc hội nhập các nền kinh tế, thuế sẽ cắt bỏ, hàng hóa thông thương dễ dàng, thậm chí lao động cũng thuận lợi hơn nên Việt Nam sẽ có thêm cơ hội. Bốn là Việt Nam sẽ đón dòng đầu tư lớn từ Nhật Bản như tôi đề cập ở trên.

- Là một doanh nhân có kinh nghiệm trong việc chào mời các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm trong năm 2010?

- Cho tôi nói thật thế này, Việt Nam có đặc thù về kế hoạch 5 năm và nhiệm kỳ 5 năm. Năm đầu tiên của nhiệm kỳ bao giờ cũng khí thế, năm cuối nhiệm kỳ bao giờ cũng khiêm tốn hơn.

Năm 2010 là năm giao tiếp giữa chính sách hiện tại và chính sách mới bắt đầu hình thành. Bên cạnh đó, con người cũng sẽ có sự chuyển đổi, luân chuyển nên công việc cũng bị cuốn theo. Đây cũng năm cuối cùng để điều chỉnh các chi tiêu kinh tế như tăng trưởng, lạm phát. Năm nay thì lo ngại lạm phát cao nên nhiều biện pháp của chính sách tiền tệ được đưa ra nên không thể nói là không ảnh hưởng đến đầu tư.

Đối với đầu tư nước ngoài thì năm 2007 có phong trào đua nhau giữa các địa phương cấp phép đối với Đại dự án, và năm nay lại có phong trào rút giấy phép. Suy thoái toàn cầu cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư quốc tế và trong nước. Họ lớn mạnh thế mà còn chao đảo huống chi doanh nghiệp ta, nên cũng cần sự nhìn nhận và cảm thông sâu sắc. Nếu cứ chê bai mà không xem xét từng hoàn cảnh cụ thể thì ta sẽ đánh mất cơ hội.

Ở đây cũng có một nhân tố khác là sự quan tâm, cổ vũ và động viên đối với nhà đầu tư nước ngoài không còn được mạnh nữa vì chính quyền các cấp có nhiều sự quan tâm khác lớn hơn. Tuy nhiên, tất cả những ảnh hưởng này chỉ là nhất thời và sẽ được cải thiện rất lớn vào năm 2011.

- Mục tiêu của Chính phủ là phải ổn định kinh tế vĩ mô mà trong đó, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá là ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác khác lại đua phá giá tiền tệ để tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Sau khi tham dự Diễn đàn kinh tế APEC, ông có nhận xét gì về sự “ngược chiều” này?
- Do lo ngại lạm phát tăng cao, Việt Nam cũng cần ổn định tỷ giá đồng tiền. Đồng thời chúng ta cũng cần thu hút đầu tư nước ngoài, nên nếu không giữ ổn định tỷ giá thì cũng làm nhà đầu tư hoang mang. Ví dụ mới tháng này họ bỏ tiền vào Việt Nam đầu tư đổi ra được 20.000 đồng một USD, mà một năm sau phải trả 22.000 đồng thì coi như đã mất 10% nên họ sẽ e dè.

Do vậy, các nước hạ giá đồng tiền của họ nhằm chiếm lợi thế trong thương mại thì Việt Nam phải giữ giá đồng tiền Việt cao hơn giá trị thật của nó. Chúng ta đã bị nhập siêu, việc giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam trong khi các nước khác phá giá lại không giúp thêm cho xuất khẩu tăng lợi thế… Về căn bản thì cần giải quyết triệt để bằng việc ra chính sách để chấm dứt nhập siêu và chuyển qua xuất siêu.

Nếu chính phủ tiến hành 2 biện pháp quyết liệt thì chỉ 5 năm nữa, nước ta sẽ xuất siêu và dễ dàng ổn định tỷ giá.

- Sau khi tham dự Diễn đàn kinh tế APEC, ông thấy thêm được điều gì từ nguy cơ chiến tranh tiền tệ và tác động của nó tới Việt Nam?

- Thực ra, đã có quốc gia hạ giá đồng tiền để giành lợi thế thương mại rồi và nguy cơ càng hiện thực. Do đó, cả G20 và lãnh đạo APEC đều thống nhất ngăn chặn điều này.

Ngay cả việc Mỹ đưa ra gói kích thích kinh tế 600 tỷ USD mà nhiều nước còn phản đối vì họ lo ngại Mỹ in thêm tiền để kích thích kinh tế và như vậy lại tiếp tục làm mất giá đồng USD. Hay như Trung Quốc luôn bị chì trích mạnh vì duy trì giá trị đồng nhân dân tệ thấp, trong khi Trung Quốc luôn nói rằng, giá nhân dân tệ là hợp lý.

Như vậy, có thể thấy rằng, đây là nguy cơ có thật đối với Việt Nam khi đồng tiền Việt Nam hiện nay đang cao hơn giá trị thật. Nếu các quốc gia tiếp tục hạ giá đồng tiền thì hàng hóa Việt Nam càng khó xuất khẩu hơn. Đây là nguy cơ có thật mà các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tính toán, cũng như những người hoạch định chính sách tỷ giá của Việt Nam cũng phải cân nhắc.

Theo VnExpress