itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Tỷ phú hoa lan

Tỷ phú hoa lan

Chị Tuyết trực tiếp chăm sóc trại lan của mình

Sinh năm 1977, Trần Ngọc Tuyết (ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) là một nữ nông dân trẻ nhưng lại là chủ trang trại lan có quy mô lớn nhất TP.HCM hiện nay: 19.000m2 đất với 75.000 gốc lan. Chị là người phụ nữ duy nhất trong bảy người vừa được UBND TP.HCM tặng bằng khen Người nông dân tiêu biểu năm 2010.

Dẫn chúng tôi đi một vòng trại lan, chị cho biết, trong 75.000 gốc lan Mokara (lan cắt cành) hiện hữu, có 30.000 gốc đang cho hoa, thu hoạch được tối thiểu từ 3.000 - 4.000 cành/tuần (12.000 - 16.000 cành/tháng), giá bán 6.000đ - 7.000đ/cành. Hiện, thu nhập từ vườn lan của chị bình quân 1,2 tỷ đ/năm, một con số đáng mơ ước không chỉ với nông dân.

Ngọc Tuyết là con út trong một gia đình làm nông ở xã Hòa Phú. Năm 1997, tốt nghiệp trung cấp ngành văn thư-lưu trữ, chị được nhận vào làm việc tại văn phòng Huyện ủy Củ Chi. Tại đây, từ bí thư, phó bí thư đến chánh văn phòng Huyện ủy đều là những người yêu thích và biết cách trồng lan. Chị học nghề trồng lan từ đó. Năm 2002, chị khởi nghiệp với 500 gốc, sau đó nhân lên thành 2.000 gốc. Lấy chồng, sinh con, chị buộc phải thôi việc nhà nước, tạm ngưng luôn phát triển vườn lan trong nhiều năm. Năm 2007, chị quay lại đầu tư cho trại lan, tăng quy mô lên trên 1 ha, với hơn 20.000 gốc.

Tại sao lại là lan mà không là loại cây hay vật nuôi nào khác? “Tôi là con nhà nông, nên hiểu rõ sự khổ cực của nhà nông. Chăn nuôi có thể lãi nhiều nhưng cũng nhiều rủi ro về dịch bệnh, thị trường, và người chăn nuôi rất nhọc công. Trồng các loại cây khác thì vừa nhọc công, vừa cho lãi thấp. Tôi nghĩ trồng lan phù hợp với sức khỏe của phụ nữ, lại cho lợi nhuận cao. Tôi cũng từng thử qua nhiều nghề nhưng không đam mê lắm, chỉ đến khi trồng lan, mới thấy mê” - chị cười, nói thêm: “Suốt ngày được sống bên hoa, thích lắm”.

Để có thể theo nghề trồng lan, theo chị, nếu chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế thì khó làm được, mà phải có đam mê. Có đam mê, người trồng lan mới có thể tỉ mỉ nhân giống, chăm sóc, tích lũy dần kinh nghiệm. Khi mới bắt đầu trồng, chị cũng gặp một số thất bại, chẳng hạn như hoa bị quéo, màu không tươi, bị thương lái chê. “Trước khi làm lan, tôi đã học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ sách, từ việc tham quan các vườn, nhưng đó chỉ mới là những kiến thức cơ bản; cái chính vẫn là bản thân mình thực hành, tự rút ra bài học cho mình” - chị đúc kết.

Trong trại của chị, lan được trồng trên luống xây bằng gạch, được bao phủ bằng hệ thống lưới ngăn nắng. Giữa các luống hoa là lối đi bằng xi măng để công nhân đi lại thuận tiện, sạch sẽ. Trước, chị còn tưới lan theo cách thủ công, giờ đang thay dần bằng hệ thống phun tự động. Chị nhẩm tính, với cơ sở hạ tầng được đầu tư như thế này, chi phí (gồm cả giống, giá 50.000đ/cây giống) phải trên một tỷ đ/ha (mỗi ha trồng được 40.000 gốc).

Hiện thị trường lan khá ổn định, giá không “trồi sụt” thất thường như nhiều loại nông sản khác, dù vẫn còn nhiều điều phải trăn trở: “Lan giống phải nhập từ Thái Lan, mạnh ai nấy nhập rồi bán cho nông dân, chất lượng “may nhờ rủi chịu”. Nếu ba năm sau, cây không ra hoa hoặc ra hoa xấu, nông dân cũng không biết kêu ai. TP.HCM có trung tâm công nghệ sinh học, nuôi cấy mô, nhưng số lượng không nhiều, và người dân cũng chưa dám tin tưởng, vì chưa được thực tế kiểm chứng. Một điều nữa là quy mô các vườn lan vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo được số lượng để xuất khẩu và cũng chưa có đơn vị nào đứng ra chuyên xuất khẩu lan”. Chị ao ước: các nhà khoa học Việt nghiên cứu và sẽ cho ra một giống lan thuần Việt, mang thương hiệu Việt để cạnh tranh với quốc tế.

Trại của chị đang thuê thường xuyên ba nhân công, lương hai triệu đ/người/tháng, bao ăn uống, cùng một số lao động công nhật. Tuy quy mô trại khá lớn nhưng chị vẫn dự tính sẽ tiếp tục mở rộng…

Theo Phụ Nữ TP.HCM