itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / 'Tôi đã chuẩn bị kỹ để đi tù'

'Tôi đã chuẩn bị kỹ để đi tù'

Ông Niên cho biết mình từng

làm trong ngành công an 9 năm

"Nếu chẳng may bố đi tù, các con thay ba chăm sóc mẹ, quán xuyến gia đình. Âu cũng là cái số, cái nghiệp ba phải trải", Phó giám đốc Công ty Nhật Tân Trương Thành Niên căn dặn ba cậu con trai trước khi gửi đơn tới Chủ tịch UBND và Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh để xin vào tù.

Ông Niên cho biết khi viết đơn là lúc đã rơi vào chỗ bế tắc, không còn lối thoát. Hơn 3 tỷ đồng nợ ngân hàng, vay nặng lãi vẫn lơ lửng trên đầu vị phó giám đốc này suốt mấy năm qua, mà theo ông một phần lý do là công ty bị nghi ngờ làm ăn với đối tác không minh bạch ở Campuchia, và không được hoàn thuế.

"Trong lúc cơ quan chức năng thông báo đang điều tra làm rõ vụ việc thì công ty chúng tôi đã phá sản, lãi mẹ đẻ lãi con, anh em ly tán. Kẻ đi làm phu chạy hàng, người đi làm thuê lo các thủ tục buôn bán cho doanh nghiệp khác", ông Niên chua chát nói về tình cảnh hiện nay của mình.

Sinh tại Campuchia, năm 1973, ông được cha mẹ đưa về VN sinh sống khi được 9 tuổi, còn cậu em Trương Hoàng Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân - bước sang tuổi thứ 3. Theo lời kể của ông, năm 1981, ông được nhận vào làm việc tại cơ quan công an huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Sau 9 năm gắn bó với ngành này, năm 1990, do hoàn cảnh khó khăn, ông xin nghỉ việc để đi buôn chuyến.

Thời kỳ đầu, ông làm thuê đủ mọi nghề buôn bán, vận chuyển hàng rồi lơ xe... Sau khi tích lũy được chút vốn liếng, hai anh em bắt đầu tính chuyện làm ăn lớn.

Khi Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài với thuế suất 0% và được hoàn thuế đầu vào 5-10%, năm 2002, ông Niên và cậu em Trương Hoàng Dũng quyết định lập doanh nghiệp, lấy tên là Công ty TNHH Nhật Tân, chuyên hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, xuất khẩu bách hóa tổng hợp.

Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ cho đến năm 2006, Cục Thuế Tây Ninh yêu cầu thu hồi toàn bộ số tiền hoàn thuế VAT của năm 2004 do cơ quan công an kết luận đối tác của Nhật Tân ở Campuchia có dấu hiệu bất minh và nghi ngờ Nhật Tân gian lận trong các thủ tục hoàn thuế.

Trong thời gian cơ quan thuế chờ kết luận điều tra cuối cùng, Nhật Tân rơi vào chỗ không có vốn để quay vòng, lãi mẹ đẻ lãi con. Để trả nợ ngân hàng, ông Niên bàn với người em đi vay nặng lãi. Cuối năm 2005, Nhật Tân tuyên bố phá sản vì không còn đủ sức hoạt động.

Rời vị trí phó giám đốc, ông Niên quay lại cái nghề xưa làm thuê, chuyển hàng, lo thủ tục cho các chủ xe buôn chuyến qua biên giới. Mỗi chuyến như vậy, ông được trả công khoảng 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, công việc bập bõm, có khi cả tuần mới được một chuyến hàng nên gia đình chỉ đạm bạc cơm bữa qua ngày.

Đã vậy, ngân hàng vẫn liên tục thúc nợ, tài sản bị phong tỏa, Không kiếm đâu ra 100 triệu đồng để trả lãi hàng tháng, ông Niên và người em trai Trương Hoàng Dũng viết đơn xin đi tù.

"9 năm làm việc trong ngành công an, tôi rất hiểu luật pháp, không dễ gì mà được đi tù. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ nần chồng chất như hiện nay, vào tù là giải pháp tốt nhất", ông Niên chua chát nói.

Theo ông Niên, nếu Nhật Tân kinh doanh không đúng quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng hoặc luật pháp Việt Nam thì đề nghị các cơ quan chức năng có khởi tố, truy tố trước pháp luật. "Còn việc hai đối tác mập mờ về tư cách pháp nhân, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ, chứ không liên quan đến chuyện hoàn thuế cho doanh nghiệp", ông Niên nhấn mạnh.

Tại công văn số 1413 ngày 12/4/2007, do Tổng cục Thuế gửi Cục Thuế Tây Ninh cũng nêu rõ: "Nếu Nhật Tân đảm bảo đầy đủ điều kiện, thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật thì được xem xét khấu trừ, hoàn thuế. Về tư cách pháp nhân của đơn vị nhập khẩu tại Campuchia thì đề nghị cục thuế trao đổi với cơ quan công an thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước bạn xử lý theo luật pháp Campuchia".

 

Tiến sĩ Phạm Liêm Chính - Đoàn Luật sư Hà Nội: "Vào tù là bước đi cuối cùng của cuộc đời".

Theo ông, một con người bình thường không ai muốn vào tù vì ai cũng hiểu câu nói: "Một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Trong lúc môi trường kinh doanh ở VN được các quỹ đầu tư đánh giá cao mà vẫn có chuyện giám đốc xin ở tù thì cần phải xem xét lại thủ tục hành chính.

"Môi trường đầu tư của VN rất thuận lợi và được cải cách nhiều trong thời gian vừa qua tại sao vẫn còn xảy ra những chuyện như vậy?. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp đã bị đẩy đến bước đường cùng mất hết tự chủ và muốn chạy trốn".

Theo ông Chính, sự việc đúng sai như thế nào chắc chắn cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ. Tuy nhiên, ông Chính cũng nhấn mạnh rằng có thể với cơ quan thuế thời gian không phải là vấn đề quan tâm nhiều nhưng với doanh nghiệp thì đó là tiền bạc. Sự chậm trễ trong khâu quyết toán khiến doanh nghiệp đứng trước hoàn cảnh khó khăn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến phá sản.

Theo VnExpress