itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng hơn 6,5%

Chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng hơn 6,5%

Ngày 13/11, bất ngờ đã xảy ra khi giới đầu tư tăng mạnh mua vào, đẩy chứng khoán Phố Wall tăng “bất thường”.

Các quỹ đầu cơ lên tiếng

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 13/11 đã tăng 2,08 USD/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 58,24 USD/thùng.

Ngày 13/11, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 8/11 ở Mỹ đã tăng lên 516.000 từ 481.000 của tuần trước đó. Đây là mức cao thứ hai sau mức tăng 517.000 được thiếp lập vào tuần kết thúc ngày 29/9/2001.

Trong tháng 10/2008, giới chủ Mỹ đã cắt giảm 240.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên 6,5%, mức cao nhất trong vòng hơn 14 năm qua.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, nhập khẩu của Mỹ đã giảm 5,6% trong tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu giảm mạnh, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô đã giảm xuống giúp thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống 56,5 tỷ USD.

Một thông tin nổi bật đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư Mỹ, đó là buổi điều trần giữa 5 vị chủ tịch, giám đốc quản lý quỹ phòng hộ - đầu cơ giàu nhất và quyền lực nhất thế giới trước các nghị sỹ Quốc hội Mỹ.

Theo đó, George Soros (Chủ tịch Quỹ Soros Fund Management), James Simons (Giám đốc Quỹ Renaissance Technologies), John Alfred Paulson (Chủ tịch Quỹ Paulson & Co Inc), Philip Falcone (Giám đốc cao cấp của Quỹ Harbinger Capital Partners) và Kenneth Griffin (CEO của Quỹ Citadel Investment Group) đã có buổi giải trình về tính “minh bạch” trong đầu tư và bàn về các quy định mới có thể sẽ được ban hành.
Họ đều cho rằng quỹ đầu cơ không phải là đối tượng góp phần đẩy thị trường tài chính đi vào suy thoái.

Ông Philip Falcone “thanh minh”: “Chúng tôi ủng hộ sự minh bạch” và “Cách điều hành của một vài định chế tài chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này, nhưng theo quan điểm của tôi, các quỹ phòng hộ - đầu cơ không có trong số đó”.

“Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang phải chia nhau trách nhiệm do chính họ gây ra khi không quản lý chặt để mức độ rủi ro của các ngân hàng đầu tư lên cao cũng như việc không thể kiểm soát được sự gia tăng các hợp đồng bảo lãnh nợ khó đòi (CDS)”, ông Falcone nói.

Theo số liệu của Tổ chức Hedge Fund Research, các quỹ đầu cơ đã mất khoảng 15% giá trị danh mục đầu tư trong 10 tháng năm 2008, riêng tháng 10, các quỹ đầu cơ mất khoảng 100 tỷ USD.

Liên quan đến kết quả kinh doanh quý 3/2008 của tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới - Wal-Mart vừa cho biết, doanh thu của hãng đã tăng 7% lên 97,6 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt 3,14 tỷ USD, tương đương 80 cent/cổ phiếu - tăng 380 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên tập đoàn này cũng đã đưa dự báo, lợi nhuận của hãng trong quý 4 sẽ không thể đạt được như kỳ vọng của giới đầu tư ở Phố Wall, qua đó hạ triển vọng về kết quả kinh doanh của hãng trong năm 2008.

Sau ba ngày giảm điểm liến tiếp trước đó khiến chỉ số Nasdaq và S&P 500 xuống mức thấp nhất trong 5 năm, chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng mạnh trở lại với biên độ trên 6,5%.
Ngay khi thị trường mở cửa, các chỉ số đều tăng từ 0,4 đến 0,6%, nhưng sau 20 phút, thị trường lại xuống ngưỡng thấp hơn phiên trước đó. Đến 10 giờ (giờ địa phương), toàn thị trường lại lên điểm trên 0,6%.

Những tưởng thị trường sẽ tiếp tục trong xu hướng giằng co - không thể giảm mạnh cũng như không thể tăng đột biến, thế nhưng từ lúc 11 giờ, các chỉ số đồng loạt giảm sâu rồi bất ngờ thực sự đến khi vào khoảng 12 giờ trưa, thị trường bắt đầu một đợt bứt phá mạnh lần thứ nhất cho đến gần 14 giờ chiều.

Các lệnh mua ào ạt được tung vào đẩy thị trường liên tục tăng, trong khi lệnh bán bắt đầu dè dặt. Thị trường qua một đợt điều chỉnh xuống chừng 10 phút, sau đó một làn sóng lên điểm lần thứ hai bắt đầu đưa các chỉ số thẳng tiến đến hết ngày giao dịch.
Lý giải cho sự tăng điểm bất thường này, giới phân tích nhận định rằng, sau khi thị trường đã giảm điểm trước đó, các nhà đầu tư chuyên săn lùng cổ phiếu blue-chip đã hạ giá mạnh trước đó, mua vào để kiếm tìm lợi nhuận từ các đợt phục hồi kỹ thuật.
Tuy nhiên nếu chỉ là mua vào để kiếm tìm lợi nhuận ngắn hạn thì thị trường không thể tăng mạnh đến vậy, bởi vì một nguyên nhân quan trong khác là thông tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể sẽ hỗ trợ khoảng 100 tỷ USD cho các nền kinh tế mới nổi để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính.

Bên cạnh đó, giới đầu tư hy vọng Nhật và Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bình ổn thị trường tài chính và vực dậy niềm tin cho thị trường trong cuộc họp của nhóm G20 sẽ khai mạc vào ngày 15/11 tại Mỹ.

Theo giới phân tích nhận định, những kỳ vọng đã giúp Phố Wall khởi sắc phiên này cũng có thể sẽ nhấn chìm chứng khoán Phố Wall nếu nhưng các cam kết không như kỳ vọng hoặc có những bất đồng về quan điểm trong định hướng giải quyết khủng hoảng của các thành viên trong nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu khối năng lượng đã tăng mạnh sau khi giá dầu thô đã tăng trở lại, trong đó, cổ phiếu Chevron lên 12,5%, cổ phiếu Exxon tăng 9,4% - Chỉ số S&P của khối năng lượng tăng 11,1%.

Phiên giao dịch hôm thứ Năm cũng mang lại thành công lớn cho cổ phiếu blue-chip khối công nghệ, trong đó cổ phiếu của Intel lên 6,7%, cổ phiếu Microsoft tăng 4,7%, cổ phiếu Apple tiến thêm 7%.

Kết thúc ngày giao dịch: Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 552,59 điểm, tương đương -6,67%, đóng cửa ở mức 8.835,25.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 97,49 điểm, tương đương -6,5%, chốt ở mức 1.596,7.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 58,99 điểm, tương đương -6,92%, đóng cửa ở mức 911,29.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,99 tỷ cổ phiếu trong khi khối lượng khớp lệnh thành công trên sàn Nasdaq đạt 3,01 tỷ cổ phiếu.

Chứng khoán châu Âu xuất hiện tín hiệu tích cực

Ngày 13/11, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết, GDP của nước này trong quý 3/2008 đã tăng trưởng âm 0,5%, đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 5 năm qua. Đây là một cú sốc lớn khi trong quý 2/2008, GDP của nước này đã tăng tới 3,3%.

Chứng khoán châu Âu có diễn biến tích cực hơn khi hai thị trường Đức và Pháp đã tăng điểm trở lại, trong khi thị trường Anh mất điểm với biên độ không đáng kể.

Nguyên nhân khiến thị trường Anh vẫn không thể đảo chiều lên điểm là do cổ phiếu blue-chip khối ngân hàng sụt giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Barclays giảm 6,2%, cổ phiếu Royal Bank of Scotland hạ 6,1%, cổ phiếu HBOS mất 7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 12,81 điểm, tương đương -0,31%, đóng cửa ở mức 4.169,21, khối lượng giao dịch đạt 2,12 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 0,62%, khối lượng giao dịch đạt 38 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,1%, khối lượng giao dịch đạt 165 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á rơi theo tin xấu từ Phố Wall

Kịch bản ngày giao dịch này cũng giống như phiên trước đó khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lên điểm trong khi các thị trường lớn khác trong khu vực tiếp tục trượt dốc.

Ảnh hưởng từ ngày 12/11của thị trường chứng khoán Phố Wall đã tác động mạnh đến thị trường châu Á. Tuyên bố thay đổi đối tượng nhận hỗ trợ trong gói 700 tỷ USD của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã tác động mạnh đến lòng tin của giới đầu tư.
Sự thay đổi này khiến họ quan ngại về một “đợt sóng” thứ hai sẽ nổi lên trên thị trường tài chính thế giới và qua đó sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Ngày 13/11, Nhật đã lên tiếng sẽ góp 106 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi trong một nỗ lực mới nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính vốn đang đe dọa thế giới bước vào một đợt suy thoái kinh tế kéo dài.
Theo truyền thông Nhật thông báo, Thủ tướng Nhật Taro Aso sẽ công bố một đề xuất quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng tại cuộc họp thượng đỉnh của 7 nước công nghiệp phát triển và 13 nền kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil,...).
Chứng khoán Nhật phiên giao dịch ngày 13/11 đã giảm điểm với biên độ lớn và xuống mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn tiếp tục mất trên 6% giá trị do đồng Yên lên giá, riêng cổ phiếu của các hãng điện tử như Sony còn bị tác động bởi viễn cảnh lợi nhuận không mấy sáng sủa từ nhiều tập đoàn lớn cùng ngành của Mỹ.
Bên cạnh đó, trong ngày 13/11, truyền thông Nhật đã loan báo về việc ngân hàng lớn thứ hai của nước này - Mizuho Financial Group đang phải tìm cách tăng vốn thêm 3,2 tỷ USD cho hoạt động kinh doanh. Cổ phiếu của Mizuho Financial Group đã mất 6,6%, cổ phiếu Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group cũng hạ 3,7%.

Trong phiên này, cổ phiếu của các hãng xuất khẩu lớn giảm điểm mạnh gồm: Cổ phiếu Sony mất 8,7%, cổ phiếu Canon giảm 6,3%, cổ phiếu Panasonic hạ 7,4%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 456,87%, tương đương -5,25%, chốt ở mức 8.238,64. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,19 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, ngày 13/11, Cục Thống kê nước này cho biết, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Mười đã tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái (mức thấp nhất trong 7 năm qua), thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của tháng Chín.
Với những biến động mạnh của nền kinh tế thế giới, Trung Quốc đã ba lần cắt giảm lãi suất với tổng cộng 81 điểm phần trăm và đang duy trì mặt bằng lãi suất ở mức 6,66%/năm.
Với việc công bố gói kích thích kinh tế trị giá gần 600 tỷ USD mới đây, Trung Quốc đang chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng của nền kinh tế vốn “chỉ” tăng 9% trong quý 3/2008.
Trong phiên giao dịch này, chứng khoán Trung Quốc là thị trường duy nhất tạo dấu ấn lạc quan khi chỉ số Shanghai Composite một mình tăng 3,68% giữa màu đỏ bao phủ khắp các thị trường chính trong khu vực.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này giảm 3,85%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 3,15%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 2,82%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 5,15%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.282,66 8.835,25 552,59 6,67
Nasdaq 1.499,21 1.596,70 97,49 6,50
S&P 500 852,30 911,29 58,99 6,92
Anh FTSE 100 4.182,02 4.169,21 12,81 0,31
Đức DAX 4.620,80 4.649,52 28,72 0,62
Pháp CAC 40 3.233,96 3.269,46 35,50 1,10
Đài Loan Taiwan Weighted 4.615,57 4.437,83 177,74 3,85
Nhật Nikkei 225 8.695,51 8.238,64 456,87 5,25
Hồng Kông Hang Seng 13.939,09 13.221,35 717,74 5,15
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.123,86 1.088,44 35,42 3,15
Singapore Straits Times 1.790,08 1.733,79 50,22 2,82
Trung Quốc Shanghai Composite 1.859,11 1.927,61 68,50 3,68

Trương Định (Theo - CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg)