itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / HSBC: TTCK thế giới sẽ tăng điểm

HSBC: TTCK thế giới sẽ tăng điểm

HBSC cho rằng thị trường Mỹ sẽ lập đáy vào tháng 8/2009, năm 2010, thị trường này sẽ ngừng giảm điểm.

Lịch sử cho thấy rằng thời kỳ suy giảm tệ hại của TTCK sẽ chấm dứt khi chính sách tiền tệ được mạnh tay nới lỏng và hệ thống ngân hàng được phân hạng.
Báo cáo Asia Insight ngày 20/03/2009 của ngân hàng HSBC đưa ra một số nhận định về thị trường chứng khoán thế giới.
Điều thứ nhất đã xảy ra, điều thứ hai nhiều khả năng sắp đến.
TTCK thế giới trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ tăng điểm.
Cựu Thủ tướng Anh Harold Wilson đã từng nói: “Trong chính trị, một tuần là khoảng thời gian rất dài.” Đối với thị trường chứng khoán, một tuần có lẽ cũng dài như vậy.
Chỉ mới thứ Hai tuần trước (ngày 09/03), chỉ số S&P 500 bước vào thời kỳ giảm điểm mới, chỉ số này đứng ở mức thấp hơn 57% so với mức đỉnh cao tháng 10/2007. Sau 7 phiên giao dịch, thị trường tăng 17%.
Thị trường chứng khoán châu Á (không tính đến thị trường Nhật) không lập đáy mới trong tuần từ ngày 09/03 đến hết ngày 13/03 (trên thực tế thị trường Nhật, Ấn Độ và Singapore đã rơi xuống mức thấp mới), tuy nhiên tất cả các thị trường đều tăng khoảng 12% trong 7 ngày giao dịch.
Tất nhiên sẽ vẫn có những đợt tăng điểm ngay cả khi thị trường trong trạng thái giảm điểm. Trong thời kỳ khó khăn hiện tại của thị trường chứng khoán châu Á, đã có 4 lần thị trường tăng điểm hơn 10%.
Lần tăng điểm hiện nay của thị trường liệu có báo hiệu xu thế nào lớn hơn và có kéo dài?
Nên nhớ rằng ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1997 – 1998, đã có lần thời kỳ thị trường tăng điểm tới hơn 50%. Có phải thời kỳ tệ hại nhất của thị trường đã qua?
Lịch sử có thể mang đến cho chúng ta một số bài học nhất định. Mark Twain trước đây đã cho rằng: “Lịch sử không tự lặp lại, nhưng có một số điểm tương đồng nhất định.”
Một số điều rút ra từ khủng hoảng ngành ngân hàng Nhật năm 1990, Thuỵ Điển năm 1992 và Mỹ những năm 1930.
Khi suy thoái kinh tế có nguyên nhân từ khủng hoảng tài chính, thị trường chứng khoán sẽ lập đáy khi ngân hàng cuối cùng được giải cứu dù kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn một thời gian sau đó.
Thứ hai, một khi lập đáy, thị trường sau đó sẽ hồi phục mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 371% trong khoảng thời gian 5 năm sau khi lập đáy năm 1932. Khi thị trường chuẩn bị đón nhận thông tin tích cực, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ không tiếp tục khiến thị trường thất vọng với kế hoạch giải cứu ngân hàng và khi biện pháp nới lỏng định lượng được bắt đầu đưa vào thực tế, thị trường nhiều khả năng sẽ tăng điểm.
HSBC đưa ra dự đoán về mức tăng điểm của một số thị trường chứng khoán châu Á đến cuối năm 2009 như sau: TTCK Nhật (17,7%); TTCK Úc (10,3%); TTCK Trung Quốc (14,2%) TTCK Hồng Kông (22%); TTCK Singapore (20,6%); TTCK Việt Nam (9,7%).
Đại Khủng Hoảng Mỹ những năm 1930
Khủng hoảng 1930 tại Mỹ không có nhiều điểm tương đồng với ngày nay nhưng có lẽ đây là cuộc khủng hoảng được người ta biết đến nhiều nhất. Nó có nguyên nhân từ những sai lầm về chính sách, kinh tế chững lại gây ra khủng hoảng ngân hàng.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones từ năm 1929 đến năm 1940 biến động mạnh. Từ mức đỉnh cao, đã có lúc thị trường hạ 89% trong 35 tháng. Mức đáy của thị trường thiết lập vào tháng 7/1932 tuy nhiên chỉ số này chưa hồi phục cho đến tháng 2/1933. Điều gì khiến thị trường tăng điểm?

Câu trả lời hết sức đơn giản: Tổng thống Roosevelt nhậm chức ngày 04/03 và ngay sau đó ông đóng cửa tất cả các ngân hàng. Một tuần sau đó khi các ngân hàng mở cửa trở lại, những ngân hàng nào đã ở trong tình trạng quá bi đát đã được cho phép sụp đổ, ngân hàng nào còn tiềm năng nhận được hỗ trợ của chính phủ. Vấn đề thâm căn cố đế của ngành ngân hàng Mỹ được giải quyết nhanh gọn.
Tháng sau đó, Mỹ từ bỏ chế độ bản vị vàng bằng việc tăng giá vàng. Việc này giúp nới lỏng chính sách tiền tệ, USD hạ giá.
Các chính sách trên mang lại nhiều điểm tích cực, suy thoái kinh tế chấm dứt vào năm 1933. 5 năm tiếp theo, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 371% . Năm 1937, kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái.
Khủng hoảng ngân hàng năm 1907
Bài học tốt hơn cho ngày nay là khủng hoảng ngân hàng năm 1907. Sự sụp đổ hệ thống của ngân hàng mới thành lập khiến ngành tài chính khủng hoảng toàn diện, kinh tế sau đó suy giảm nhanh chóng. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 48% trong năm 1906-1907 khi khủng hoảng ngày một trầm trọng hơn.
Thị trường chứng khoán rơi xuống đáy vào ngày 15/11, đúng một tuần sau khi tổ chức môi giới lớn nhất phố Wall là Moore & Scheley được giải cứu. Đây là tổ chức tài chính cuối cùng gặp rắc rối và được cứu.
TTCK tăng 90% trong 2 năm tiếp theo dù suy thoái kinh tế mãi đến tháng 6/1908 mới chấm dứt, sản lượng công nghiệp giảm 11% trong nửa đầu của năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3% lên 8%.
Thuỵ Điển những năm 1990
Chính phủ Thuỵ Điển năm 1992 đã đảm bảo tất cả các tài khoản tiền gửi và tín dụng, tiếp quản tất cả các ngân hàng cần tái cấp vốn và sau đó mạnh tay loại bỏ toàn bộ các tài sản xấu của các ngân hàng.
Thuỵ Điển không chỉ đơn giản tiến hành phân hạng ngân hàng. Nước này còn tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ, thâm hụt ngân sách lên mức 15% GDP năm 1994. Ngân hàng Trung ương sau đó đã có thể tiến hành hạ lãi suất.
Thị trường chứng khoán Thuỵ Điển đạt đỉnh cao do tác động tích cực từ chính sách tiền tệ và việc các ngân hàng được giải cứu. Chỉ số OMX của TTCK nước này hạ 47% trong 2 năm trước, chỉ số này rơi xuống đáy vào đầu tháng 10/21992 và sau đó phi nước đại 877% trong khoảng thời gian còn lại của thập kỷ 1990 (tất nhiên có ảnh hưởng từ việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt).
Nhật Bản thập niên 1990
Điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia không chấp nhận những khó khăn hiện tại, lờ đi nới lỏng chính sách tiền tệ và phân hạng các ngân hàng trong hệ thống? Kinh tế nước đó sẽ bước vào trì trệ.
Cách giải quyết vấn đề của chính phủ Nhật sau thời kỳ bong bóng nhà đất và bất động sản năm 1990 là một ví dụ.
Trong đợt suy giảm đầu tiên, từ cuối năm 1989 đến tháng 8/1992, thị trường chứng khoán Nhật mất 62% giá trị. Sau đó thị trường có tăng điểm nhờ tình hình kinh tế toàn cầu có những biến chuyển tích cực. Nhật không mạnh tay với chính sách tiền tệ (mãi tới năm 1999, lãi suất cơ bản mới được đưa về 0%).
Suốt nhiều năm, Nhật không chịu thừa nhận rằng ngân hàng của nước này có vấn đề. Ngân hàng LTCB, một ngân hàng lớn của Nhật, mãi tới năm 1998 mới được quốc hữu hoá.
Hậu quả là thị trường chứng khoán Nhật từ đó liên tiếp khó khăn. Tất nhiên Nhật phải đương đầu với nhiều vấn đề khác như nhân khẩu học, khó khăn trong tăng tính cạnh tranh của các công ty … tuy nhiên sự chậm trễ trong việc dọn sạch những hậu quả tệ hại của bong bóng thập niên 1980 là một lời giải thích thoả đáng cho việc tại sao TTCK không hồi phục.
Mỹ thời kỳ 1965-1982
Mỹ trong thời kỳ thập niên 1960 và 1970 là một bài học hữu ích giải thích cho việc thị trường chứng khoán thường không đi theo xu thế tăng điểm trong dài hạn. Từ năm 1965 đến năm 1982, chỉ số công nghiệp Dow Jones mắc kẹt trong khoảng 600 điểm đến 1 nghìn điểm.
Giống Nhật, Mỹ đã không giải quyết được gốc rễ của vấn đề: lạm phát, thâm hụt ngân sách tăng dần và sản xuất trì trệ. Phải tới khi vấn đề lạm phát được giải quyết, và cựu Tổng thống Reagan xử lý vấn đề, kinh tế Mỹ mới hết khó khăn.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì?

Suy thoái kinh tế và việc thị trường chứng khoán đi xuống sẽ không kéo dài mãi. Cuộc khủng hoảng hiện nay có mức độ kinh khủng, TTCK Mỹ đã hạ 57%, cao hơn rất nhiều so với thời kỳ năm 1930. Mức giảm điểm 66% của TTCK châu Á hiện nay cũng tương đương thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á trước đây.
Thời kỳ suy thoái kinh tế dài nhất từ sau Đại Khủng Hoảng kéo dài 16 tháng. Đại Khủng Hoảng trước đây diễn ra trong 65 tháng. Nếu tính từ năm 1900, không lần suy thoái nào kéo dài quá 24 tháng.
Thông thường, thị trường chứng khoán Mỹ lập đáy từ 2 đến 10 tháng trước khi khủng hoảng chấm dứt. Mức trung bình tính từ năm 1900 đến nay là 4 tháng.
Cơ quan nghiên cứu kinh tế Mỹ (NBER) thông báo suy thoái kinh tế hiện nay bắt đầu tháng 12/2007. Xét đến trường hợp xấu nhất, lần suy thoái kinh tế hiện tại sẽ kéo dài khoảng 24 tháng, như vậy thị trường chứng khoán Mỹ sẽ có thể lập đáy vào tháng 8/2009. Năm 2010, thị trường sẽ không tiếp tục giảm điểm.
Một số yếu tố cho thấy khả năng lập đáy của thị trường sắp tới?
Nhà đầu tư đồng loạt hoảng sợ, không có nhiều chuyên gia quản lý quỹ muốn chấp nhận rủi ro.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế phản ứng mạnh với khủng hoảng hiện nay, họ đưa ra một loạt các biện pháp tài chính, hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, áp dụng biện pháp nới lỏng định lượng: FED, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Nhật đều mua trái phiếu chính phủ.
Thông tin kinh tế gần đây không mấy tích cực, tuy nhiên mọi chuyện sẽ sáng sủa hơn vào những tháng tới. Cho đến nay, có dấu hiệu cho thấy các thông tin kinh tế đã tệ hại hết mức có thể. Chỉ số sản xuất của Trung Quốc tăng 3 tháng liên tiếp, công ty công nghệ Đài Loan thông báo số lượng đơn đặt hàng tăng dần, doanh số bán lẻ và nhà mới tại Mỹ tăng.
Tuy nhiên, như vậy không thể nói những vấn đề của ngành ngân hàng Mỹ đã chấm dứt. Thị trường đã thất vọng vì Bộ trưởng Tài chính Mỹ không công bố chi tiết kế hoạch cứu ngân hàng vào ngày 10/02. Không nhiều chuyên gia cho rằng số tài sản xấu của ngân hàng Mỹ sẽ sớm được loại bỏ.
Yếu tố tích cực vẫn còn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ thông báo kế hoạch mua tài sản xấu vào hôm nay (ngày 23/03). Cuộc thanh tra các ngân hàng sẽ giúp chính phủ tiếp quản các ngân hàng gặp quá nhiều khó khăn về vốn.
Rủi ro lớn nhất hiện nay là khó khăn về chính sách. Nếu Bộ Tài Chính Mỹ không tiến hành phân cấp các ngân hàng, và nếu chính phủ các nước thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh, kinh tế toàn cầu sẽ lại nhanh chóng bước vào suy thoái.
Xét đến những yếu tố ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán sẽ đi lên. Nếu thị trường giảm điểm, thời kỳ u ám này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Nguồn: Ngọc Diệp (CAFEF)