itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Kinh tế "toàn cầu" suy thoái, các nước BRIC "đổi đời"

Kinh tế "toàn cầu" suy thoái, các nước BRIC "đổi đời"

Cuộc suy thoái "toàn cầu" chủ yếu chỉ thu hẹp các nền kinh tế phương Tây, còn các nước BRIC - tiêu biểu là Trung Quốc và Ấn Độ - vẫn còn sức sống. Tuần báo Newsweek (Mỹ) đã có phân tích về hiện trạng và nguyên nhân thành công của khối nước BRIC.

Mới đây, TTg Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết ông “hơi lo ngại”. Tuy nhiên, không phải TTg Ôn lo ngại Trung Quốc, mà là lo ngại Mỹ bởi Trung Quốc đã cho Mỹ vay một khoản tiền lớn. Ông cảnh báo Mỹ cần “giữ lời” và “đảm bảo sự an toàn cho các tài sản của Trung Quốc”.
Đây là một bước ngoặt lớn trước kia, những cảnh báo như vậy thường xuất phát từ các nước giàu như Mỹ. Nhưng tình hình đã thay đổi rất nhiều trong những năm và những ngày gần đây. Những gã khổng lồ mới nổi như Trung Quốc đang mạnh lên và giàu lên. Sự tự tin của các nước này cũng tăng lên khi cơn bão khủng hoảng càn quét toàn cầu. Nhưng trên thực tế, đây không phải là một cuộc suy thoái toàn cầu. Nó thu hẹp các nền kinh tế mạnh nhất nhưng chỉ làm các nền kinh tế mới nổi giảm tốc. Năm nay, GDP Mỹ và châu Âu dự tính sẽ thu hẹp 3%, Nhật gần 6%, trong khi GDP Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương ứng là 7% và 5%.
Khoảng cách tăng trưởng này sẽ tái định hình viễn cảnh kinh tế thế giới. Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs dự báo tới năm 2027, tổng GDP của những thị trường mới nổi chính như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC) sẽ vượt tổng GDP của G7, sớm hơn gần 1 thập kỷ so với dự báo vài năm trước. Những gã khổng lồ “nghèo khổ” đang đổi đời nhanh chóng, và sự tự tin của họ không chỉ được thể hiện trong phát biểu của TTg Ôn. TTg Ấn Độ Manmohan Singh cho rằng nhà chức trách ở các xã hội phát triển đã thất bại. TTg Nga Vladimir Putin khinh thường “sự vô trách nhiệm của hệ thống đang lãnh đạo thế giới”. TT Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng và phải khắc phục nó vào hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra ở London.
Sức mạnh kinh tế đã được trao cho BRIC, nhưng các nước BRIC lại có sức mạnh khác nhau. Brazil và Nga bị khủng hoảng tác động nặng nề hơn Ấn Độ và Trung Quốc. Do lệ thuộc vào các mặt hàng đang mất giá nghiêm trọng, kinh tế Nga xuống dốc không phanh và có thể thu hẹp 3% trong năm nay. Brazil có thể tiếp tục trì trệ. Việc khôi phục kinh tế sẽ rất chậm và tốn nhiều công sức. Goldman Sachs dự báo trong thời kỳ từ 2011 đến 2050, Nga sẽ tăng trưởng 2,8%, Brazil 4,3%, Trung Quốc 5,2% và Ấn Độ 6,3%. Nếu những con số này trở thành sự thật, ba trong số bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản - theo thứ tự giảm dần) sẽ đều thuộc về châu Á. Kỷ nguyên châu Á đang đến gần.
Dường như thị trường cũng hiểu điều này. Trong khi S&P 500 giảm 45% trong năm ngoái và giảm tiếp 15% vào đầu năm nay, Shanghai Composite Index đang tăng tới 20%, nối tiếp đà tăng trưởng từ tháng 11/2008.
Sự bi quan của người tiêu dùng, nạn thất nghiệp và tâm lý bế tắc đang bao trùm châu Âu cũng vắng bóng ở châu Á. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, doanh thu xe hơi, đồ điện gia dụng và nhiều hàng tiêu dùng khác vẫn đang tăng lên, chủ yếu do các biện pháp kích thích nhanh chóng và quyết đoán. Ở Ấn Độ, hàng tư liệu sản xuất tăng trưởng 2 con số, và ở Trung Quốc, doanh thu xi măng tăng đột biến do đã đến mùa xây dựng. Trong khi đó, Nga một lần nữa lại là kẻ ngoài cuộc: chi tiêu của người tiêu dụng vẫn giảm mạnh.
Mỹ đang mất đi vai trò “khách hàng thường xuyên” của Trung Quốc và Ấn Độ. Tháng 12/2008, lượng tiền cho vay của các ngân hàng Trung Quốc tăng tới 1000% so với cùng kỳ năm trước do chính phủ hạ lãi suất, kích hoạt thị trường nhà đất. Ông Michael Klibaner, Trưởng Ban nghiên cứu Trung Quốc của công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Jones Lang LaSalle, cho biết: “Giờ đây người dân Trung Quốc có thể mua được nhà. Cầu tiêu dùng không hề mất đi ở Trung Quốc”.
Câu hỏi lớn đặt ra cho Trung Quốc là liệu nước này có thể phát triển kinh tế mà không dựa vào xuất khẩu tới phương Tây hay không. Klibaner cho rằng Trung Quốc đang thực hiện việc này, bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất của ngành bất động sản đang diễn ra ở các thành phố nhỏ, nơi cung cấp hàng tiêu dùng trong nước, chứ không phải ở các thành phố lớn, nơi cung cấp hàng xuất khẩu. Đây cũng là xu thế của Ấn Độ và Brazil, nơi tầng lớp trung lưu chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số. Nariman Behravesh, nhà kinh tế trưởng của Global Insight, cho biết: “Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm 60% GDP Ấn Độ. Đó là lý do vì sao kinh tế Ấn Độ không chịu tác động nặng nề hơn của khủng hoảng”.
Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là người tiêu dùng của BRIC sẽ là vị cứu tinh của thế giới trong cơn khủng hoảng. Sức mua của họ vẫn quá thấp so với các nước giàu như Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, khi kinh tế BRIC tăng trưởng, ví tiền của họ sẽ trở nên nặng hơn. Dù sớm hay muộn, BRIC sẽ là điểm đến của các chuyến bay quốc tế cũng như các khoản đầu tư nghiên cứu phát triển, các chiến dịch marketing của các tập đoàn đa quốc gia.
BRIC có tiềm năng hồi phục hơn các nước giàu. Trong khi môi trường kinh tế vĩ mô ở các nước giàu đang xuống cấp, BRIC lại kiểm soát lạm phát tốt, thâm hụt thấp, năng suất tăng, phúc lợi xã hội được cải thiện, chính trị ổn định. Kể cả Brazil và Nga cũng đã sử dụng các tài nguyên (Nga: dầu, khí; Brazil: đậu nành, quặng sắt) để “giảm xóc” cho cuộc suy thoái. Nga đã chi hơn 300 tỷ USD để bảo vệ đồng RUB và vẫn có dự trữ dồi dào. Còn khoản dự trữ 208 tỷ USD của Brazil vẫn chưa được chạm tới.
Hơn nữa, BRIC đã học hỏi được từ những sai lầm của các nước giàu. Sự điều tiết tốt cho phép ngành tài chính Trung Quốc và Ấn Độ bình yên vô sự trong cuộc khủng hoảng. Nửa đầu năm 2008, các ngân hàng Trung Quốc đã mua lại các đối thủ nước ngoài và tăng thị phần trong thị trường tài chính toàn cầu. Theo dự báo công bố tuần trước của Deutsche Bank, nếu xu thế này vẫn tiếp diễn, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những thị trường tài chính chủ đạo của thế giới vào năm 2018, bên cạnh Mỹ và EU, chiếm 13% thị trường trái phiếu toàn cầu, 40% thị trường cổ phiếu và 18% ngành ngân hàng toàn cầu.
Trước khi điều này diễn ra, xuất khẩu Trung Quốc có thể sẽ tăng nhẹ do người tiêu dùng phương Tây chi tiêu tằn tiện hơn và ưa chuộng các mặt hàng giá rẻ. Nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng tiêu dùng này sẽ hỗ trợ cho mọi loại hàng hóa và dịch vụ của các thị trường mới nổi, từ nhà sản xuất xi măng của Mexico tới nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Ấn Độ. Khi người tiêu dùng trên khắp thế giới bắt đầu “mở ví” trở lại, có thể họ sẽ mua sắm ở các nước BRIC.

Theo Vitinfo