itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc ở Italy

Khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc ở Italy

Thủ tướng Prodi đã cam kết đưa Italy

trở lại con đường phát triển, nhưng

không thể thực hiện được.

Nội bộ lục đục và khủng hoảng kinh tế - xã hội là những nguyên nhân chính dẫn đến việc Chính phủ trung tả cầm quyền ở Italy đã sụp đổ đêm 24/1, khi Thủ tướng R.Prodi chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống Napolitano, sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện.

Mặc dù liên minh cầm quyền của Thủ tướng R.Prodi đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện trước đó nhưng Chính phủ Italy đã hoàn toàn thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện với 156 phiếu thuận/161 phiếu chống.
Mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền
Sự thất bại của Chính phủ Italy đã đẩy nền chính trị nước này lâm vào tình trạng khủng hoảng và mất phương hướng trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội đang suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Italy đang tê liệt, công nợ chồng chất. Đặc biệt tại miền Nam Italy, kinh tế không phải do thị trường chi phối mà vẫn là mafia. Ở Caserta, tỉ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên dưới 24 tuổi lên tới 45%; thu nhập bình quân thuộc loại thấp ở Italia, trong khi tình trạng trộm cắp ở mức cao...
Chính phủ Italy từng sụp đổ cách đây một năm sau khi một đảng nhỏ trong liên minh bỏ phiếu chống Chính phủ về chính sách đối ngoại và chỉ được vực dậy sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện. Cuối năm 2007, Chính phủ của Thủ tướng Prodi đã vượt qua những thử thách lớn nhất trong các cuộc bỏ phiếu về đạo luật ngân sách 2008, song chính trường nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn do các mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền ngày càng trở nên gay gắt.
Đầu tháng 1/2008, đảng Udeur của cựu Bộ trưởng Tư pháp Italy C.Mastella (phải từ chức do liên quan vụ điều tra tham nhũng) tuyên bố không ủng hộ chính phủ trung tả và kêu gọi bầu cử sớm. Phe đối lập yêu cầu Thượng viện bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Môi trường P. Scanio với lý do ông này là người chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra cuộc khủng hoảng rác thải ở vùng Campania và thành phố Napoli.
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng rác thải tại Italy đầu tháng một vừa qua tuy là vấn đề nhỏ nhưng thể hiện sự sụt giảm lòng tin của người dân nước này đối với chính quyền... Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng là do chính phủ trung tả cầm quyền ở nước này tiếp quản một nền kinh tế yếu kém và lâm vào khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng.
Kinh tế Italy đang tê liệt
Sau 5 năm cầm quyền của Thủ tướng S.Berlusconi, kinh tế Italy hết sức trì trệ, có những năm nước tăng tổng sản phẩm xã hội hầu như bằng không, điều chưa từng xẩy ra kể từ năm 1945. Thâm hụt thương mại lên tới 10,368 tỷ EUR, đây là tình trạng tồi tệ nhất từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Thâm hụt ngân sách lên tới 4,1%, cao hơn nhiều so với mức 3% mà Uỷ ban châu Âu (EC) đề ra, mức cao nhất kể từ năm 1996. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế tụt hạng, xuống ở hàng 47 trên thế giới, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 7,7%.
Mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Italy thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực sử dụng đồng EUR, do nhu cầu trong nước ảm đạm, xuất khẩu mất thị phần vào các đối thủ ở châu Âu và châu Mỹ. Nước này đã phải chi 5% GDP cho các khoản phải trả nợ, lấy từ những nguồn tài chính cần thiết của các khu vực khác thuộc nền kinh tế.
Khoảng 15 triệu người sống trong nghèo khổ hoặc có nguy cơ lâm vào nghèo khổ. Tình trạng kinh tế trì trệ còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội. Hai nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người làm công hưởng lương cố định và người làm việc theo thời vụ.
Là một giáo sư kinh tế, Thủ tướng Prodi đã cam kết đưa Italy trở lại con đường phát triển, áp dụng việc trợ cấp tiền nuôi con, tăng cường đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu, cũng như cắt giảm 5% chi phí phụ ngoài lương chỉ trong vòng 1 năm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Italy thông qua những cải cách mang tính cơ cấu, làm lành mạnh hoá nền tài chính, chống tình trạng trốn thuế nghiêm trọng hiện nay, ở mức 200 tỷ EUR.
Ông hứa sẽ tăng việc làm, chăm lo cuộc sống gia đình, tăng vai trò của người phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều cam kết không thể thực hiện được vì các phái trong liên minh cầm quyền của ông Prodi liên tục đưa ra những lập trường đối lập.

Theo VnEconomy