itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Nhìn lại kinh tế thế giới 2007

Nhìn lại kinh tế thế giới 2007

Tình trạng xiết nợ nhà ở tại Mỹ

đã dẫn tới những khó khăn kinh tế

toàn cầu.

Một năm về trước, các doanh nghiệp Mỹ ồn ào phản đối, nói họ bị quản lý quá nhiều.

Các loại mẫu phải điền nở rộ như nấm sau làn sóng bê bối dotcom và các vụ gian lận gần đây hơn của Enron và Worldcom.

Người ta khiếu nại rằng làm như vậy khiến cho rất nhiều các công ty quốc tế bỏ chạy khỏi Wall Street, mà hầu hết chuyển sang London.

Chưa hết, 12 tháng trôi qua và nay lại có thêm một làn sóng quản lý tài chính mới, mà lần này, đối tượng là thị trường địa ốc.

Trước nguy cơ hàng triệu người Mỹ bị tống ra khỏi nhà bởi mất khả năng trả nợ, Tổng Thống George W Bush buộc phải có hành động mang tính quyết định.

Nỗi lo vay nợ mua nhà

Công bố về chương trình hỗ trợ vay nợ mua nhà của Quỹ Dự Trữ Liên Bang trong tháng Mười Hai, tổng thống nói chương trình sẽ đưa ra các thông tin đầy đủ, chính xác và dễ hiểu cho các đối tượng vay nợ mua nhà.

Quý vị có thể cho rằng lẽ ra nền kinh tế lớn nhất thế giới phải giải quyết vấn đề trước đó từ lâu rồi, nhưng rõ ràng là họ lại chưa làm, như cô Merke Fanfan, người Haiti nay sống tại Boston, mô tả.

Các khoản nợ mua nhà của cô hoàn toàn trong khả năng thanh toán trong hai năm đầu tiên. Thế nhưng sau đó, cô kinh ngạc nhận thấy mức lãi suất tăng vọt.

Northern Rock là ngân hàng đầu tiên của Anh
bị ảnh hưởng trực tiếp do cuộc khủng hoảng
"sub-prime" từ Hoa Kỳ.

Cô Fanfan nói với chúng tôi: "Khoản nợ mua nhà cứ tăng mãi, đầu tiên là 1,700 đô la một tháng nhưng rồi năm ngoái, năm 2006, nó tăng lên tới gần 3,000 đô la và tôi cuối cùng bị xiết nợ."

"Là một người tiêu dùng, tôi không hiểu rõ mấy về bất động sản và vay nợ mua nhà. Khi đặt bút ký thì biết là mình ký cái gì, nhưng thực ra lại không hiểu là mình ký cái gì."

Đổ bể tín dụng

Cô Fanfan chỉ là một trong hàng ngàn người bị mất nhà trong cuộc khủng hoảng "sub-prime", tức khủng hoảng trong thị trường cho vay đối với các đối tượng có độ tin cậy tín dụng thấp. Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ chủ yếu là những người có thu nhập thấp và từng gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Thế nhưng liệu điều này có thực sự gây ra ảnh hưởng toàn cầu hay không?

Câu trả lời là có.

Hầu hếu việc cho vay "sub-prime" được thực hiện khi các công ty bán nợ của mình cho các ngân hàng khác.

Các tổ chức tài chính này đã định mức rủi ro là cố định mà không đánh giá được rằng các rủi ro đó trên thực tế đã tăng cao, bởi việc cho vay đã dẫn mở rộng tới cho cả các đối tượng hầu như không có khả năng tiếp tục thanh toán.

Các khoản thua lỗ dần dần dồn lại, từ vài tỷ đô la cho tới hàng chục tỷ đô la. Các ngân hàng Mỹ, Châu Âu và Châu Á đều bị ảnh hưởng.

Những thời khắc chao đảo

Các ngân hàng đơn giản là không còn tin nhau nữa. Họ không biết ngân hàng nào đang trong tình trạng tồi tệ nhất.

Do vậy, lãi suất cho vay đối với các ngân hàng lớn tăng nhanh chóng, và đó là tin vô cùng xấu cho một ngân hàng của Anh, Northern Rock.

Dự đoán về tình hình xây dựng nhà đất tại Hoa Kỳ

Vay tiền với lãi suất thấp từ các ngân hàng khác là chiến lược sống còn đối với Northern Rock. Khi tiền mặt cạn kiệt, tin tức loang ra là Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc phải nhảy vào hỗ trợ, người gửi tiền tiết kiệm đã xếp hàng dài dằng dặc bên ngoài các chi nhánh của Northern Rock để rút tiền.

Kiểm soát tình hình

Có lúc, nỗi lo sợ dâng cao tới mức người ta e là nền kinh tế chung sẽ bị ảnh hưởng chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực ngân hàng.

Người Mỹ cảm thấy mình trở nên nghèo đi, do giá nhà giảm trong lúc các công ty lại khó kêu gọi quỹ đầu tư để phát triển các dự án.

Thế nhưng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã can thiệp và bỏ ra hàng tỷ đô la để hỗ trợ các ngân hàng lớn, nhằm giữ cho mức phí tổn vay nợ không bị tăng vọt.

Cuộc khủng hoảng được kiểm soát, và trong lúc tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ đang bị suy yếu thì nhiều kinh tế gia vẫn hy vọng là nước này sẽ tránh được thời kỳ suy thoái.

Nỗi buồn Burberry

Không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn suy thoái.

Kinh tế nước này tiếp tục bùng nổ, tiếp tục giữ vai trò là trung tâm sản xuất hàng trên thế giới.

Thế nhưng trong lúc các nhà máy được mở ra tại Trung Quốc thì lại có nhiều nhà máy đang bị đóng cửa tại nhiều nơi trên đất Hoa Kỳ và Tây Âu.

Các nước giàu thường bỏ việc sản xuất hàng rẻ tiền và duy trì các nhãn hiệu hạng sang.

Việc Burberry quyết định đóng cửa nhà máy
tại Wales khiến các nhân công giận dữ.

Nhà sản xuất quần áo cao cấp Burberry vẫn làm áo thun polo tại một nhà máy ở Treorchy thuộc vùng miền nam Xứ Wales, cho tới khi hãng quyết định đóng cửa nhà máy và làm 300 nhân công của hãng nổi giận.

Các lãnh tụ nghiệp đoàn thừa nhận rằng chi phí sản xuất áo thun tại Xứ Wales cao hơn gấp đôi so với sản xuất ở Trung Quốc.

Thế nhưng nghiệp đoàn nói rằng chi phí sản xuất tại Wales tính ra khoảng 11 bảng một chiếc áo thun vẫn thấp hơn nhiều so với giá 80 bảng mà người tiêu dùng phải trả tại cửa hàng.

Một chiến dịch nhằm duy trì sự tồn tại của nhà máy tại Wales đã giành được sự ủng hộ từ nhiều diễn viên nổi tiếng và của ca sỹ sinh ra tại Wales, Tom Jones.

Tuy nhiên, cuộc chơi toàn cầu hóa không thể bị dừng bước.

Burberry khước từ việc rút lại kế hoạch và hãng đã để nam ca sỹ Xứ Wales đi cùng các công nhân ra khỏi nhà máy trong chiếc áo thun cuối cùng.

Hơn hai phần ba công việc sản xuất của Burberry vẫn được duy trì tại Âu châu, nhưng việc chuyển dần sang các địa điểm tốn ít chi phí hơn là điều không thể đừng.

Vậy ảnh hưởng đối với môi trường thì sao?

Tuy người ta ngày càng nhận thức được nhiều về vấn đề "xanh sạch" trong mấy năm qua, nhưng tác hại của hiệu ứng nhà kính có vẻ như không mấy ảnh hưởng tới việc dịch chuyển sản xuất trên thế giới.

Năng lượng bẩn

Trung Quốc nay có vẻ như đang thay thế Hoa Kỳ, trở thành nhà sản xuất số một trên thế giới về chất thải nhà kính, như chất CO2. Đó là nhận định của Tổ chức Năng Lượng Quốc Tế (IEA) chuyên tư vấn các nước giàu về chính sách năng lượng.

Trưởng kinh tế gia của IEA Fatih Birol nói với chúng tôi: "Trung Quốc là một nước đang phát triển... và để kinh tế phát triển thì họ cần năng lượng rẻ tiền. Năng lượng rẻ ở Trung Quốc có nghĩa là than nội địa, rất bẩn. Dùng than này sẽ thải ra rất nhiều khí CO2."

Giáo sư Matthew England chuyên nghiên cứu về khí hậu là một trong những người đã tới kỳ họp thượng đỉnh Bali của các chính trị gia thế giới hồi tháng Mười Hai, nhằm đưa thỉnh nguyện thư đòi các nhà hoạch định chính sách phải có hành động.

Ông phát biểu trong kỳ họp thượng đỉnh: "Chúng tôi phải có một thay đổi quyết liệu đối với cách thức chúng ta cung cấp năng lượng cho thế giới này. Chúng ta phải bắt đầu cắt giảm khí thải nhà kính càng sớm càng tốt."

Kỳ họp Bali nhằm khởi động tiến trình thay thế cho nghị định thư Kyoto, hướng tới cắt giảm khí thải nhà kính.

Cho tới nay, không có mấy tín hiệu cho thấy các nước giàu muốn giảm bớt việc tiêu thụ năng lượng.

Cơn sốt Thượng Hải

Tất nhiên, khi các nguồn năng lượng cạn kiệt đi thì giá cả sẽ tăng lên.

Sắt thép và nhiều loại thực phẩm đã tăng gia nhanh chóng trong năm ngoái.

Thế nhưng không gì có thể cạnh tranh việc tăng vọt giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Thượng Hải.

Thị trường cổ phiếu Thượng Hải tăng
chóng mặt trong năm qua.

Cơn điên cuồng mua cổ phiếu khiến thị trường tăng giá gấp ba lần trong vòng năm ngoái. Mỗi loại cổ phiếu mới được phát hành đều có giá cao vọt.

Trong ngày giao dịch đầu tiên đối với hãng dầu khí khổng lồ của Trung Quốc, hãng PetroChina, giá của hãng đã tăng gấp 60 lần so với doanh thu.

Nhiều nước châu Phi cũng được hưởng lợi từ việc giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Có một doanh nhân thành đạt. Đó là Aleeko Dangote, người được coi là giàu có nhất Châu Phi, với các khoản kiếm được từ đường, xi măng, gạo, mì pasta, quần áo và muối cùng dầu khí.

Người có những mối quan hệ tốt và là nhà tài trợ chính cho đảng cầm quyền Nigeria trong thời gian bầu cử tổng thống hồi đầu năm nay, ông Dangote nói với chúng tôi: "Đất nước cần hoạt động hiệu quả. Nếu như nước này giống như Zimbabwe chẳng hạn, thì tôi sẽ trở thành một người nghèo."

Theo Martin Webber/ BBC