itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Bùng phát diện tích ương cá tra giống: Đầu ra sẽ gặp khó?

Bùng phát diện tích ương cá tra giống: Đầu ra sẽ gặp khó?

Đầu năm 2012, giá cá tra giống ở mức cao đã kích thích nhiều hộ dân đào ao ương nuôi, diện tích sản xuất cá tra giống của TP Cần Thơ gia tăng nhanh chóng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá bán cá tra giống sụt giảm, đang đặt người nuôi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan (!)

Năm 2011, giá cá tra giống loại 2cm/con (30-32 con/kg) có thời điểm lên đến 80.000-90.000 đồng/kg (khoảng 2.500-3.000 đồng/con). Đến đầu năm 2012, giá cá giống giảm chỉ còn 45.000-55.000 đồng/kg, nhưng với mức giá này người nuôi vẫn thu lợi nhuận đáng kể vì giá thành sản xuất 1kg cá tra giống dao động từ 16.000 đồng-20.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm nuôi. Chính điều này đã kích thích nhiều hộ nuôi mở rộng thêm diện tích, thậm chí có một số hộ tự phát đào ao trên nền đất lúa để ương nuôi cá tra mặc dù chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Hiện nay, diện tích ương giống cá tra của TP Cần Thơ tập trung chủ yếu ở quận Ô Môn, huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ. Theo thống kê của Liên trạm Thủy sản Ô Môn-Thới Lai-Cờ Đỏ, đến tháng 4-2012, diện tích mặt nước ương cá tra giống trên địa bàn gần 730ha, tăng hơn 100ha so với tháng 3-2012. Ước tính, với diện tích ương giống 730ha, bình quân các hộ nuôi sản xuất 3 vụ/năm thì lượng con giống cung ứng cả năm 2012 trên 1 tỉ con giống. Tuy nhiên, giá cá tra thương phẩm hiện nay từ 23.000-23.500 đồng/kg khiến người nuôi lỗ từ 500-1.000 đồng/kg. Vì vậy, diện tích nuôi thương phẩm của TP Cần Thơ năm 2012 dự đoán sẽ không biến động so với thời điểm cuối năm 2011, nhu cầu con giống cá tra cho nuôi thương phẩm cả năm ước khoảng 400-500 triệu con. Lẽ đó, số lượng cá tra giống sản xuất trên địa bàn 3 quận, huyện Ô Môn-Thới Lai-Cờ Đỏ sẽ dôi dư hơn 500 triệu con. Và thực tế là hiện nay giá cá tra giống loại 2cm/con đã giảm mạnh, từ 45.000 đồng/kg đầu năm 2012 xuống còn 25.000 đồng/kg và dự báo vẫn sẽ tiếp tục giảm.

Mặc dù giá cá tra giống đang sụt giảm nhưng ông Nguyễn Hoàng Nam, nông dân ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, vẫn tiếp tục đào thêm 5.000m2 ao nuôi trên nền đất ruộng, nâng diện tích mặt nước ương nuôi cá giống của gia đình tăng lên 2ha. Ông Nam nói: “Giá cá giống giảm xuống còn 23.000 đồng (loại 15 con/kg) thì tôi vẫn lời từ 2.000-3.000 đồng/kg. Chỉ cần trong quá trình nuôi giữ được số lượng đầu con thì dù giá bán không cao cũng không có gì đáng ngại”. Không chỉ riêng hộ ông Nam mà nhiều hộ khác ở xã Thới Xuân và xã Thới Đông của huyện Cờ Đỏ vẫn tiếp tục đào ao trên nền đất lúa để thả cá giống, làm tăng thêm mối lo về đầu ra cho con cá giống. Trên địa bàn này đã có trường hợp một số hộ nuôi với diện tích mặt nước dưới 1ha, thương lái trả giá thấp hơn hoặc không thu mua với lý do nếu mua cá giống từ nhiều ao khả năng nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.

Cùng với mối lo tìm đầu ra cho cá giống trong điều kiện diện tích nuôi vẫn phát triển ồ ạt, thì theo ghi nhận của ngành chức năng, chất lượng cá giống đang có chiều hướng giảm sút. Theo ông Phan Hoàng Đông, Phụ trách Liên trạm Thủy sản Ô Môn-Thới Lai-Cờ Đỏ, có những hộ nuôi cá giống tìm cách giữ đầu con bằng mọi giá nên đã lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng và điều trị bệnh cá trong quá trình ương nuôi. Điều này dẫn đến hậu quả là chất lượng cá giống ngày càng giảm sút, đến khi nuôi thương phẩm khả năng mắc bệnh sẽ cao và khó điều trị hơn.

Phong trào đào ao ương cá tra giống vẫn diễn ra khá “nóng”, nhất là tại huyện Cờ Đỏ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã có sự khuyến cáo của Liên trạm Thủy sản Ô Môn-Thới Lai-Cờ Đỏ cùng chính quyền địa phương. Ông Lâm Minh Trí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: Diện tích ương cá giống gia tăng nhanh chóng, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của người dân. Sản xuất cá tra giống lợi nhuận cao nhưng kèm theo đó là rất nhiều rủi ro. Một khi chất lượng giảm sút, đầu ra bấp bênh thì người chịu thiệt vẫn là nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đang rà soát lại diện tích sản xuất cá tra giống trên địa bàn, tiến hành làm việc với 2 xã Thới Xuân và Thới Đông, đưa ra các khuyến cáo về chuyên môn và thị trường cho các hộ nuôi để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Sản xuất cá tra giống của TP Cần Thơ không chỉ đáp ứng yêu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn mà còn cung ứng ra các tỉnh lân cận. Muốn nghề nuôi cá tra giống phát triển bền vững, đảm bảo ổn định đầu ra, ngành nông nghiệp và địa phương cần đưa ra những khuyến cáo và định hướng khi nông dân phát triển diện tích ương nuôi. Tăng cường quản lý việc chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất nuôi thủy sản một cách hợp lý, hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu. Ngoài ra, cần quản lý chất lượng con giống chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo cung ứng nguồn cá giống chất lượng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi thương phẩm và tạo uy tín cho các hộ cung cấp cá giống.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN/ Cần Thơ Online