itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Đồng bằng sông Cửu Long: Mặt hàng mũi nhọn đang lao đao

Đồng bằng sông Cửu Long: Mặt hàng mũi nhọn đang lao đao

Đầu tháng 5-2011, giá cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến 28.000 - 29.000 đồng/kg nhưng đến tháng sáu và cuối tháng bảy, giá còn 21.000 đồng. Người dân nuôi cá tra ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá cả tất cả mặt hàng tăng vùn vụt, giá cá tra rớt thê thảm.

NÔNG DÂN “TREO AO”
Sáu tháng đầu năm 2011, diện tích nuôi cá tra các tỉnh ĐBSCL đạt 3.980ha, sản lượng cá thu hoạch 597 ngàn tấn, năng suất bình quân 309 tấn/ha, kim ngạch xuất khẩu đạt 744 triệu USD. Sau niên vụ cuối năm 2010, giá cá tra rớt thê thảm, nhiều nông dân “treo ao”, không nuôi cá do sợ bị lỗ. Đầu năm 2011, giá cá tra rục rịch tăng. Nông dân thi nhau nuôi cá. Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều nông dân vay ngân hàng nuôi hy vọng có lãi. Diện tích thả cá ở Đồng Tháp lên đến 1.188ha, An Giang 787ha, TP.Cần Thơ 665ha...
Tháng 5-2011, giá cá tra nguyên liệu lên đến 28.000 - 29.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp nài nỉ nông dân ký hợp đồng mua bán cá. Thế nhưng hy vọng không được bao lâu, nông dân như ngồi trên dống lửa bởi giá cá liên tục giảm. Đến tháng 6-2011, giá cá tra đột ngột giảm còn 23.000 đến 24.000 đồng/kg và hiện nay còn 21.000 đồng/kg. Với giá trên, người nuôi cá lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Một lần nữa, nông dân “treo ao” không tiếp tục thả cá. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại nuôi cá ở An Giang cho biết, tháng 4-2011, ông ký hợp đồng bán cá cho một doanh nghiệp với giá 28.500 đồng/kg. Thế nhưng do giá cá giảm, doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng. Theo lời ông Thành, để có bốn ao cá, ông vay ngân hàng với lãi suất 22%/năm. Tính chi phí, giá cá tra 24.000 đồng/kg, nông dân huề, lỗ công chăm sóc. Bây giờ, giá cá rớt thê thảm trong khi giá thức ăn, nhân công tăng vùn vụt kèm theo lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng. Ông Thành thú thật không biết lấy đâu tiền để trả nợ. Ông Thành nói: “Hai tháng nay, cá chết nhiều. Tôi không hiểu sao giá cá nguyên liệu lại giảm. Nông dân nuôi cá khổ, chỉ thấy doanh nghiệp có lãi”. Như ông Thành, nhiều nông dân quyết “treo ao” tìm nghề khác để sinh sống.

TIẾP TỤC TÌM NGUYÊN NHÂN
Trái với vẻ lo lắng của nông dân, các cơ quan chức năng loay hoay tìm giải pháp. Ngày 22-7-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL sáu tháng đầu năm 2011. Tại cuộc họp, nguyên nhân giá cá giảm được thảo luận nhưng chưa thuyết phục. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân giá cá tra giảm là do nông dân và doanh nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ. Nông dân nuôi cá hơn 800gr/con, doanh nghiệp khó tiêu thụ. Tuy nhiên cũng có ý kiến phản bác lập luận trên vì một số thị trường vẫn cần cá hơn 1kg/con, thị trường Mỹ chuộng cá 400gr - 500gr/con. Nếu theo cách tính hiện nay, giá cá quá cỡ chênh lệch 0,5USD/kg thì mỗi tháng, ĐBSCL mất đi 25 triệu USD. “Doanh nghiệp cần gắn kết với nông dân. Doanh nghiệp là người nắm bắt thị trường nên phải hướng dẫn người dân vì họ thiếu thông tin” - một lãnh đạo ngành xuất khẩu thủy sản đề nghị. Ngoài ra, giá cá giảm cũng có ý kiến cho rằng, một số doanh nghiệp đang thao túng thị trường, tung tin lượng cá tồn lớn để ép giá người nuôi.
Bên cạnh đó, giá thành nuôi cá tăng cũng được thảo luận. Nhiều ý kiến đề nghị, người dân nuôi cá cần liên kết thành lập hợp tác xã để giảm chi phí trung gian. Theo thống kê của các địa phương, dư nợ cho vay nuôi cá tra đến cuối tháng 6-2011 của các tỉnh ĐBSCL lên đến 10.000 tỷ đồng. Để đầu tư nuôi cá tra, người dân cần nguồn vốn từ 4 đến 4,2 tỷ đồng/ha nhưng ngân hàng chỉ cho vay hai tỷ/ha hoặc 250 triệu đồng/ha, còn lại nông dân tự “bơi”. Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, người nuôi cá luôn bị chi phối bởi giá thành thức ăn. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chỉ quy định, các nhà sản xuất thức ăn tăng giá không vượt quá 5%/lần tăng, mà không quy định thời gian tăng. So với cùng kỳ 2010, giá thức ăn cá tra tăng từ 30 - 40%. Mặt khác, giá nguyên liệu chế biến thức ăn nhập khẩu và trong nước đang giảm nhưng giá bán thức ăn thành phẩm lại tăng còn chất lượng vẫn “chưa kiểm soát”.
Tại hội nghị cũng chưa đưa ra được giải pháp cứu cánh cho người nuôi cá ở ĐBSCL. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện công suất các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đã vượt gấp hai lần sản lượng nuôi nên rất cần nguyên liệu. Vì vậy, các tỉnh ĐBSCL cần quy hoạch lại vùng nuôi, chế biến và cần có giá sàn nguyên liệu, để người nuôi không bị lỗ. Một lần nữa, người dân nuôi cá ở ĐBSCL lại tiếp tục đối diện điệp khúc lỗ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám: “Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiểm tra lại vốn cho sản xuất, chế biến”
“Giá cá đang giảm, các ngành và địa phương sẽ tập trung tìm hiểu nguyên nhân. Cá tra là sản phẩm chiến lược, do đó sản xuất phải theo quy hoạch, sản xuất có điều kiện. Những hộ đơn lẻ phải có hợp đồng, hướng tiêu thụ trước khi sản xuất. Trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiểm tra lại các vấn đề vốn cho sản xuất, chế biến trong quý II/2011 tại ĐBSCL. Đồng thời, phối hợp với các địa phương kiểm tra các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Địa phương phải vào cuộc kiểm tra việc các doanh nghiệp bẻ kèo hợp đồng với người nuôi cá. Nếu có, phải xử lý ngay để đảm bảo đầu ra cho người nuôi cá...”.

Theo CAO