itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Trái chín đầy vườn, thiếu nhân công hái

Trái chín đầy vườn, thiếu nhân công hái

Đến mùa thu hoạch sầu riêng, nhưng nhiều nhà vườn không tìm được người hái

Tại các huyện Thống Nhất, Long Thành (Đồng Nai), nhiều khu vườn cây ăn trái đang vào mùa chín rộ cần thu hoạch ngay, nhưng trái chín vẫn phải “treo” lơ lửng.

Anh Nguyễn Thanh Phước (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) nói: “Nhiều chủ vườn lớn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi thuê nhân công về thu hoạch, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu”.

Ông Nguyễn Thanh Phụng (ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc) than thở: “Chưa bao giờ nhà vườn gặp khó khăn về nhân công như hiện nay. Trước đây cứ đến vụ, LĐ tìm đến tận vườn xin làm mướn, còn bây giờ nhiều chủ vườn nhờ người thân ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng tìm LĐ ở đó nhưng cũng không đủ”.

Đoán trước tình trạng thiếu LĐ thu hoạch, nhiều nhà vườn đã trồng xen canh nhiều loại cây thu hoạch theo từng vụ khác nhau, như điều thu hoạch sau tết, tiếp đó là xoài, sầu riêng, chôm chôm… Tuy nhiên, vẫn bị động về việc thu hoạch.

Nhiều chủ vườn cho biết, nguyên nhân khó tìm LĐ là do chủ vườn và người làm chỉ thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng cụ thể. Mà LĐ làm vườn chủ yếu là người xứ khác đến, nên khi cần thì không dễ liên lạc. Trong khi đó, lực lượng thanh niên địa phương thì hầu hết vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp. Chỉ riêng ở huyện Thống Nhất, nhiều khu công nghiệp đã mọc lên như Bàu Xéo, Sông Mây, Hố Nai, thu hút lượng lớn LĐ địa phương.

Trước tình hình LĐ căng thẳng, nhiều nhà vườn đã chấp nhận tăng giá nhân công lên 30% - 40% so với năm ngoái, nhưng vẫn khó “hút” được LĐ. Bà Võ Thị Ngân (ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc), người thường làm vườn thuê cho biết: “Nếu như năm ngoái 75.000đ/công, thì năm nay tăng lên 120.000đ/công. LĐ chủ yếu là người ở miền Tây và miền Trung. Còn LĐ ở xã chủ yếu ở tuổi trung niên. Thanh niên không còn mặn mà với nghề làm vườn”.

Để giải quyết bài toán nhân công (thí dụ thu hoạch một tấn tiêu hạt cần đến 80 người/ngày), anh Thành (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc) đã nghĩ ra cách mua bạt, lưới the, trải ở phía dưới cây tiêu, rồi dùng vòi nước rửa xe xịt lên để tiêu rụng xuống (chi phí 30 triệu đồng). Thế nhưng, cách làm này khó phát huy hiệu quả do tiêu chín không cùng lúc, xịt nước nhiều lên lá, thân cây nên khả năng cây mất sức, dễ phát bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Công Sự - Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho hay, toàn xã có 200 ha trồng các loại cây ăn quả. Lực lượng lao động cho nông nghiệp địa phương chỉ đáp ứng được 20% - 30% nhu cầu, chủ yếu người ở độ tuổi trung niên, còn nam nữ thanh niên phần lớn đã vào làm công nhân may trong các nhà máy… Lương công nhân dù thấp, mỗi tháng khoảng hai triệu đồng, nhưng công việc ổn định còn LĐ nông nghiệp chủ yếu là thời vụ.

Quỳnh Mai - Trần Huỳnh/ PNO