itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / “Chăn” cá đặc sản trên dòng Mekong

“Chăn” cá đặc sản trên dòng Mekong

Có những loài cá, tôm được sinh ra và lớn lên trong phòng thí nghiệm, khi “ra lò” sẽ mang lại giá trị kinh tế cao. Và tác giả lai tạo nhiều giống thuỷ sản đặc biệt ấy chính là những nhà khoa học thuộc trung tâm quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ (viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 – RIA 2).

Tháng 9.2010, một thông tin gây chú ý trong giới bảo tồn cá: 50.000 con cá hô giống đã được trung tâm quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ thả xuống sông Tiền để duy trì loài cá đặc sản này. Ít tháng sau, cá sọc dưa (trà sok) – một loài cá quý hiếm khác cũng được lên kế hoạch thuần dưỡng và xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo.

Săn cá đặc sản để nhân giống

Mùa mưa, mùa cá sinh sản là thời điểm cực nhất trong năm của những người chăn cá. Đội ngũ kỹ thuật viên gần như thường trực trầm mình trong đìa để theo dõi quá trình sinh trưởng của cá. ThS Trịnh Quốc Trọng, người có nhiều năm kinh nghiệm “chăn” cá và lai tạo giống cá mới, mô tả: “Công việc của chúng tôi là ứng dụng công nghệ trong tuyển chọn, lai tạo, lưu giữ nguồn gen của các loài thuỷ sản nước ngọt. Cá phải quý hiếm và là đối tượng người dân đang cần”. Năm 2005, cá hô – loài cá lớn nhất thuộc họ cá chép (nặng đến 200kg) đã được trung tâm sinh sản nhân tạo thành công. Trước đó, loài cá này được xếp vào Sách đỏ ở mức nguy cơ tuyệt chủng do bị đánh bắt quá mức. Rồi từ 90 con cá hô giống mà mất nhiều năm mới thu thập được, các nhà nghiên cứu đã nhân giống, cung cấp khoảng 200.000 con cá giống mỗi năm, kèm theo quy trình nuôi cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ nuôi cá thương phẩm với giá 3.500 – 10.000 đồng/con. Trong khuôn khổ dự án Nuôi các loài cá bản địa sông Mekong, Bảo tồn nguồn gen cá nước ngọt, nhiều loài cá vang bóng một thời như cá bông lau, vồ cờ, cá tra, mè hôi, chạch lấu, cá ét mọi, cá duồng, cá cóc… được chăm bẵm và trở thành cá thương phẩm xuất khẩu.

Và mỗi loài cá khi đã đưa vào chương trình, cũng là một hành trình trải nghiệm của các nhà nghiên cứu. Ở đó, họ phải chấp nhận một thực tế: thử và sai. “Có những nguyên tắc phải nắm rõ: những loài càng quý hiếm thì càng khó thu mẫu, đặc biệt là rất ít thông tin. Loài đẻ càng ít trứng thì sức sống càng mạnh”, ThS Thi Thanh Vinh, chủ nhiệm chương trình Bảo tồn nguồn gen cá nước ngọt, cho biết. ThS Vinh tóm tắt, để cho cá sinh sản nhân tạo, xây dựng quy trình nuôi thường kéo dài khoảng ba năm. ThS Trọng kể, bắt đầu thu thập cá bông lau tự nhiên đem về thuần hoá trong điều kiện nuôi nhốt từ năm 2003 nhưng mất gần hai năm các nhà khoa học mới xác định được môi trường thích hợp: “Sau không biết bao nhiêu lần thất bại, chúng tôi đưa ra một quyết định có thể gọi là táo bạo vào thời điểm đó là đưa cá ra bè nuôi trên sông và phát hiện loài này chỉ sinh trưởng trong điều kiện nước chảy, nếu nuôi trong ao cá sẽ chết dần vì bỏ ăn”. Tháng 10.2008, lứa cá bột bông lau đầu tiên “ra lò” nhưng một khó khăn vẫn đang thách thức những người “chăn” cá: trong khi cá bông lau mái đã sẵn sàng sinh sản thì cá trống lại “yếu sinh lý”… Hiện nay ngoài 30 quy trình kỹ thuật sản xuất giống các loài cá nước ngọt đã được thiết lập, trung tâm còn lưu nguồn gen trên 20 loài cá kinh tế như cá bông lau, cá tra, cá chép, mè hôi…

Đua với nhu cầu người dân

“Chỉ cần một ấu trùng nhỏ xíu của loài cá mới nên hình hài cũng khiến chúng tôi vui sướng. Cuộc sống ngày càng khá lên, ngày xưa trong bữa ăn người ta chỉ cần có cá là được, giờ thì cá phải xương ít, thịt ngon”, ThS Vinh bộc bạch. Và đó cũng là cuộc đua thường trực của những người bảo tồn và lai tạo giống cá mới với nhu cầu xã hội.

Nhiều loài tôm cá chỉ nuôi lấy thịt như tôm càng xanh toàn con đực, cá phi đơn tính hay những loài cá có màu sắc đẹp, giá trị xuất khẩu cao như cá chép koi, cá chẽm, chạch lấu... được ra đời từ mồ hôi công sức của các nhà nghiên cứu cá. Đó là một quá trình tuyển lựa nghiêm ngặt và mất rất nhiều công đoạn. Hôm có mặt tại trung tâm, chúng tôi chứng kiến cảnh ThS Trọng cùng nhóm kỹ thuật viên lặn ngụp ngoài đìa để chọn lựa cá bố mẹ cho đợt tạo giống mới. Cá giống gắn chip được kiểm tra bằng máy soi kết nối với máy tính xách tay. Sau khi xác định được “giấy khai sinh”, kỹ thuật viên sẽ cắt một mẩu vây cá để xác định ADN, sau đó tiêm kháng sinh... Cách đó không xa, một nhóm nghiên cứu khác đang đánh dấu cá tra để theo dõi quá trình sinh trưởng, sự phân bố của giống cá mới mang thương hiệu RIA 2. ThS Trọng cho biết, với tôm càng xanh toàn con đực của RIA 2, các nhà nghiên cứu đã ra con giống bằng phương pháp vi phẫu. Theo đó, tuyến sinh dục của một con tôm đực trưởng thành sẽ bị cắt rồi cho giao phối với một con tôm đực khác có ngoại hình tốt và tốc độ tăng trọng nhanh để sản xuất ra giống tôm càng xanh toàn đực. Mỗi năm RIA 2 cung cấp 5.000 – 7.000 con tôm cái “giả” cho các trại sản xuất giống ở Đồng Tháp…

Có những loài cá, chẳng hạn cá tra các nhà nghiên cứu phải “đón” trước nhu cầu xã hội đến hàng chục năm. TS Phạm Văn Khánh, người có thâm niên trên 30 năm nghiên cứu cá, cho biết con cá tra được sinh ra trong môi trường nhân tạo bắt đầu từ năm 1979 và lúc đó chỉ có hai con cá giống được sinh ra. Tuy nhiên, “cá con không sống được vì không biết chúng ăn gì; phải đến năm 1996, những lứa cá tra giống với quy trình kỹ thuật nuôi ổn định mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường”. Nhưng thời điểm này, những hộ nuôi cá không chấp nhận cá giống nhân tạo mà tận dụng nguồn cá bột giống vớt từ sông. Tới năm 1998, cá bột ngoài tự nhiên bắt đầu giảm dần và một năm sau thì mất hẳn khiến bao người lao đao. “Cá giống và quy trình nuôi cá tra của trung tâm từ đó được đón nhận, được người dân cải tiến thêm và duy trì đến nay”, ThS Vinh chia sẻ.

Ngoài việc tạo ra những giống thuỷ sản nước ngọt mới, các nhà nghiên cứu của trung tâm còn nhập về ba loài cá có nguồn gốc từ Ấn Độ gồm mrigal, gohu, catla để thuần hoá phục vụ nhu cầu thị trường. “Ngành cá bây giờ phát triển mạnh, nhu cầu người dân ngày càng cao và khó tính, vì vậy công việc của người nghiên cứu cá càng bận bịu hơn”, TS Khánh nói.

Theo SGTT