itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Hoa Đà Lạt vươn ra thế giới

Hoa Đà Lạt vươn ra thế giới

Vùng hoa Đà Lạt sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, nay hoa Đà Lạt đã là một thương hiệu nổi tiếng trong nước. Trên Cao nguyên Langbiang hùng vĩ và thơ mộng này, nhiều người trồng hoa đã trở nên giàu có. Nhưng giờ người trồng hoa cần biết liên kết, tổ chức lại sản xuất, để hoa Đà Lạt vươn ra thị trường thế giới.

Hoa mang lại giàu có cho nhiều người

Mỗi vùng đất sở hữu một loại hoa khác nhau với những vị thế riêng nhưng tựu trung lại, những cánh đồng hoa 50, 100 triệu đồng/ha, thậm chí 500, 700 triệu ngày càng xuất hiện nhiều.

Nhờ hoa, kinh tế gia đình khá giả, người dân xây biệt thự, con cái có điều kiện học hành. Những người nông dân chân lấm tay bùn nay đàng hoàng bước lên những chiếc xe hơi sang trọng, tiếp cập với khoa học kỹ thuật mới…

Vợ chồng anh chị Đăng Dư (làng hoa Thái Phiên) vừa tranh thủ thu hoạch cúc vừa cho biết: Gia đình anh có ba sào hoa. Năm 2005, anh vay ngân hàng nông nghiệp 25 triệu đồng làm 500 m2 nhà kính. Sau vụ hoa này, anh chị sẽ kính hóa số diện tích trồng hoa còn lại.

Năm 1994, việc công ty Dalat Hasfam đưa giống hoa mới vào trồng bằng công nghệ cao trong nhà kính đã thật sự tạo ra cú hích cho những cư dân trồng hoa.. Mỗi năm có tới vài trăm ha hoa tại Đà Lạt được nhà kính hóa, với số vốn đầu tư khoảng 45 triệu đồng/ha. Hoa trồng trong nhà kính cho bông to, đẹp, chủ động được thời gian sinh trưởng và thu hoạch. Bản thân người trồng hoa đỡ vất vả trong chăm bón và thu hoạch, lợi thuốc, tránh sâu bệnh... Bông được giá hơn so với trồng ngoài thiên nhiên.

Cách trung tâm thành phố khoảng 7 km, Thái Phiên nằm trên nền đất đỏ bazan màu mỡ, phù hợp với các loại rau hoa ôn đới. Thái Phiên, Hà Đông ngày nay đã tạo nên một vùng chuyên canh sản xuất hoa cúc của thành phố.

Đến nay, hai làng hoa sở hữu hơn 30 loại cúc khác nhau: Thọ, Nút, Nghệ, Tia, Vàng nhụy xanh, Pha lê, Ngọc Bích, Sapia, Caraven… Ông Nguyễn Đình Hướng, phó Chủ tịch UBND phường 12 cho biết: Thái Phiên có hơn 500 hộ trồng hoa cúc. Với 450 ha đất nông nghiệp, 80% diện tích dành cho hoa cúc. Hằng năm, trung tâm khuyến nông, sở nông nghiệp đều mời cán bộ về chuyển giao khoa học, công nghệ cho nhân dân, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, điều tiết ánh sáng cho hoa cúc, cung cấp giống mới và hướng dẫn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động trong nhà kính.

Nếu Hà Đông, Thái Phiên nổi tiếng về cúc thì Vạn Thành, An Sơn sở hữu những đóa hồng kiều diễm, bông to, màu sắc sặc sỡ, mùi hương ngào ngạt hơn. Theo ông Nguyễn Đức Ngọc, chủ tịch Hội nông dân phường 5 nhờ hoa, đời sống của người dân Vạn Thành thay đổi nhanh chóng. Doanh thu của những hộ trồng hoa hồng biết áp dụng khoa học, công nghệ đạt doanh thu 300-500 thậm chí 700 triệu đồng ha. Hàng năm từ hai làng hoa này cung ứng cho thị trường hàng chục triệu cành hồng.

Xuân Thành-Xuân Thọ nổi tiếng bởi giống lay ơn “bông đô”. Lay ơn trồng trên đất này từ những năm 60 của thế kỷ trước.Giống lay ơn ở đây đạt chất lượng gấp đôi so với nơi khác, mỗi năm cung ứng gần 30 triệu cành với các giống mới như đỏ mập, san hô mỗi năm, và rất được thị trường ưa chuộng.

Đa Thiện tự hào là vùng đất đa chủng loại, loại hoa nào cũng có, cũng đẹp. Trước đây, người dân Đa Thiện chuyên canh các loại rau nhưng không đạt hiệu quả kinh tế cao, nay đã chuyển hơn 70% diện tích đất trồng hoa.

Tới thăm trang trại hoa nhà ông Văn Lạc, một trong 12 nghệ nhân tiêu biểu của sáu làng hoa. Năm vừa qua, trang trại của ông Lạc đoạt giải nhà vườn trồng hoa đẹp trong thành phố. Với 2,5 ha nhà kính hóa, phần lớn diện tích ông trồng cát tường, giống uaro có xuất xứ từ Hà Lan. Bên xứ người, cát tường chỉ là giống hoa dại, bông nhỏ, khi di cư về Việt Nam hợp thổ nhưỡng, cộng với sự chăm sóc công phu, cát tường của ông Lạc nổi bật bởi bông to, cành nhiều nụ, sắc thắm. Khi rời khỏi thân, độ bền từ 10-20 ngày.

Ông Lạc phấn khởi khoe: Dịp Tết Mậu Tý, trang trại của ông thắng lớn nhờ gần 800 m2 cát tường. Trừ chi phí, ông thu về hơn 300 triệu đồng.

Bước vào sân chơi mới

Chúng tôi vào thăm trang trại hoa Langbiang, đúng lúc anh Trần Huy Đường, đi thăm ruộng về. Nếu không nhìn thấy anh từ trên chiếc Landcruiser xuống, chẳng ai bảo anh là ông chủ trang trại 7 ha hoa với 40 nhân công. Hàng năm xuất ra thị trường hơn năm triệu cành hoa các loại với doanh thu hơn 15 tỷ đồng.

Thu hoạch cúc ở làng hoa Thái Phiên.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại trồng ly, cát tường, địa lan, anh Đường giới thiệu một quy trình khép kín từ khâu nhân giống, với phòng nuôi cấy mô hiện đại, cùng các quy trình sản xuất và bảo quản sau thu hoạch tiên tiến. Nhờ khai thác thông tin qua internet, cộng với sự nhạy bén, nắm bắt thị trường, công ty đã tiếp cận được với thị trường quốc tế: Trung Quốc, Anh, Mỹ... Anh Đường bật mí: Lô cát tường đầu tiên sẽ sang thị trường Nhật Bản đầu năm nay. Nhật Bản vốn nổi tiếng là thị trường khó tính. Điều đáng nói là giống cát tường anh nhập từ Nhật Bản, nay nó lại trở về, được quê hương đón nhận, không vui và tự hào sao được.

Mặc dù rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh hoa nhưng anh Đường vẫn trăn trở: Nông dân gặp khó khăn gì, tôi gặp khó khăn ấy: đất trồng hoa nhỏ lẻ manh mún, sản xuất cầm chừng, mang tính thời vụ; thiếu tính liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa làm cho giá trị hoa chưa đạt tầm tương xứng. Nông dân bị bắt chẹt, không tiếp cận được đầu ra cho sản phẩm. Chưa có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ cao, đầu tư công nghệ còn hạn chế …

Hầu hết các hộ gia đình trồng hoa ở Đà Lạt vẫn tiêu thụ hoa theo lối thụ động. Hoa cắt rời gốc, người dân tự đóng gói đơn giản gửi đi tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mỗi nhà vườn đều có cơ sở giao dịch quen biết để gửi hàng theo phương thức “nhận hàng trước, trả tiền sau”, tùy theo giá thị trường vào thời điểm thanh toán. Đây chính là tình trạng không sòng phẳng trong mua bán. Giá cả do chủ buôn quyết định, nhà vườn chỉ còn cách vui lòng mà chấp nhận.

Trồng hoa mang lại thu nhập cao, nên người người trồng hoa, nhà nhà trồng hoa dẫn tới thực trạng thị trường nội địa có hiện tượng bão hòa, thậm chí có lúc cung vượt cầu, dẫn tới tình trạng giá cả thấp ảnh hưởng tới thu nhập của người dân.

Trước năm 1995, những ngày đầu phong trào trồng hoa mới mở rộng, giá một cành cúc từ 2.000-3.000 đồng, giờ còn 400-500 đồng. Diện tích trồng hoa phát triển gấp đôi năm 2001. Sản lượng thu hoạch 400 triệu cành, gấp ba lần so với thời điểm năm 2001. Người dân ngày càng loay hoay tìm lối ra cho sản phẩm.

Ông Trần Đức Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt bức xúc: Người dân Đà Lạt hoàn toàn có thể sản xuất ra những cành hoa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật mới. Tuy nhiên, xu hướng của người dân là an phận thủ thường, chỉ làm ra những cành hoa bình thường với giá thành thấp tương ứng với giá bán của thị trường nội địa. Bởi đầu tư ra cành hoa đạt tiêu chuẩn, không biết bán cho ai, ai thu mua cho họ.

Một thực trạng đáng nói là một số doanh nghiệp khi có yêu cầu sản xuất cần xuất khẩu thì cử người đi chọn lọc, thu mua những cành hoa đủ tiêu chuẩn trong các nhà vườn nhưng số lượng hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài dẫn đến các hợp đồng thu mua xuất khẩu phải hủy bỏ. Trong 30 triệu cành hoa xuất khẩu hằng năm chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, điển hình là Hasfarm với 95% lượng hoa, mà không phải là các công ty trong nước. Tại sao chúng ta lại để mất lợi thế ngày trên sân nhà ?

Trước tình trạng bão hòa trong nước, trong khi diện tích trồng hoa ngày càng mở rộng, vấn đề tiêu thụ đang được đặt ra, không cách nào khác là phải coi vấn đề mở rộng thị trường nội địa, tập trung sức phấn đấu để tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Thị trường nội địa không có nghĩa chỉ là việc mở rộng các điểm buôn bán ra nhiều nơi mà quan trọng là chú ý việc xử lý sau thu hoạch, phân loại, đóng gói sao cho vừa tương ứng với giá bán vừa thể hiện việc coi trọng giá trị của cành hoa, mà cũng là đề cao văn hóa trong tiêu dùng.

Ông Tuấn cũng chia sẻ: “Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường, một là an phận thủ thường, bằng lòng với hiện tại. Hai là muốn giàu hơn nữa phải bắt đất làm ra của cải, vận động đôi bàn tay và khối óc lao động. Đây là con đường duy nhất để hoa Đà Lạt bước vào sân chơi mới”.

Hiện nay hiệp hội hoa Đà Lạt có hơn 100 thành viên có tiêu chí hoạt động riêng. Hiệp hội là cầu nối giữa người sản xuất và người kinh doanh, giữa người sản xuất với nhau và các nhà doanh nghiệp với nhau. Nhiệm vụ đặt ra cho Hiệp hội làm thế nào để mỗi hộ nông dân là một thành viên, khi đó hoa Đà Lạt sẽ không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vươn xa ra thị trường thế giới.

Năm 2007, với hơn 2.000 hộ trồng hoa, kim ngạch xuất khẩu hoa đã đạt 12 triệu USD. Hy vọng năm 2008 này, hoa Đà Lạt ngày càng tỏa hương sắc, tự tin tiến vào sân chơi mới, với vị thế và tiềm năng riêng của mình.

Báo Nhân dân