itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Năm 2011: Nghề nuôi cá tra khó lãi

Năm 2011: Nghề nuôi cá tra khó lãi

Người nuôi cá tra vui mừng khi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF đã chính thức khẳng định cá tra của VN được đưa ra khỏi “danh sách đỏ” (ngày 17/12) và khuyến khích người dân tiêu dùng trở lại.

Tin mừng thứ hai là Bộ NN-PTNT đưa kế hoạch năm 2011 là: diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 ha; sản lượng từ 1,2 - 1,3 triệu tấn; xuất khẩu đạt 1,45 - 1,55 tỷ USD.

Tuy nhiên từ năm 2011, cá tra VN lại gặp trở ngại rất lớn. Bởi để được thoát khỏi “danh sách đỏ”, WWF buộc VN phải áp dụng tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC). Theo đó, đến năm 2011-2012, VN phấn đấu đạt 25% lượng cá tra xuất khẩu đạt bất cứ một tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững (Global GAP, Euro Gap, US Gap, SQF, HACCP…), trong đó có 10% được chứng nhận ASC. Đến 2015, 100% cá tra xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 50% được chứng nhận ASC.

ASC là một tiêu chuẩn chứng nhận của riêng WWF mà nhiều nước không áp dụng. Từ đầu năm 2010, VN hợp tác với Thụy Điển xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về đánh giá chất lượng cá tra, quy trình nuôi Việt GAP; áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến đã được công nhận như Global GAP, SQF, HACCP… trong nuôi và chế biến thủy sản. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra dựa vào các tiêu chuẩn này để xuất đi 130 nước và được chấp nhận, thì bất ngờ WWF đưa ra tiêu chuẩn mới ASC, làm khó cho cá tra VN.

Thêm vào đó, nếu áp dụng giấy chứng nhận ASC, doanh nghiệp VN phải nộp chi phí 7.500 USD/ao nuôi 5 ha, một khoản phí không nhỏ so với chỉ tiêu 6.000 ha nuôi cá tra trong năm 2011. Việc tăng thêm chi phí của doanh nghiệp chắc chắn tác động đến giá thu mua cá tra, và nông dân sẽ khó đạt mức lãi 2.000đ/kg, như năm 2010.

Theo PNO