itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Trái cây Việt Nam: Chật vật “hai không”

Trái cây Việt Nam: Chật vật “hai không”

Trái cây Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường - Ảnh: Quý Hòa

Với mức sản lượng đạt trên 7 triệu tấn/năm, song đến nay, tỷ lệ xuất khẩu trái cây Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4,3% (300.000 tấn/năm). Con số còn quá khiêm tốn, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng vốn có khi trái cây Việt Nam được đánh giá là khá đa dạng và phong phú về chủng loại.

Không chế biến công nghiệp

Giải thích hiện tượng vì sao trái cây Việt Nam vẫn chưa thể phát huy được thế mạnh, TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hiệp hội Làm vườn Việt Nam cho biết, đa số trái cây được sử dụng dưới hình thức trái tươi, kỹ thuật bảo quản kém, thời hạn sử dụng ngắn. Tỷ lệ trái cây hư sau thu hoạch chiếm từ 25 - 30%, thậm chí lên đến 50%.

Tỷ lệ trái hư cao đã đẩy giá thành lên cao nhưng chất lượng thì không bằng trái cây ngoại nhập. Do đó, trái cây Việt Nam khó cạnh tranh không những với thị trường nước ngoài mà ngay cả trên thị trường nội địa.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra kết quả thống kê 11 loại trái cây có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, trong đó, 4 loại được thị trường thế giới ưa chuộng nhất, gồm: dứa, xoài, chuối và đu đủ. Tuy nhiên, chỉ mỗi dứa là có sản phẩm được chế biến công nghiệp.

Thực tế, tỷ lệ trái được sử dụng cho chế biến công nghiệp rất ít, từ 5 - 7% sản lượng, đạt 220.000 tấn/năm. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong 5 năm qua đều tăng song chủ yếu là trái cây đã qua chế biến.

Suy cho cùng, hiện tượng trái cây được mùa, mất giá không phải ở khâu sản lượng mà mấu chốt từ khâu thu hoạch. Theo TS. Võ Mai, với việc sản xuất an toàn và hiệu quả thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí, cộng với định hướng kế hoạch bài bản tất sẽ tạo ra sự khởi sắc cho thị trường trái cây Việt Nam.

Thế nhưng, tại Việt Nam, chưa có một ký hiệu nào để có thể phổ biến đến người tiêu dùng nhằm nhận biết đây là sản phẩm được chứng nhận là an toàn.

Không thương hiệu

Một thực tế lâu nay ghi nhận là thương hiệu trái cây nổi tiếng hiện nay tại Việt Nam rất ít, ngoài những tên tuổi như sầu riêng Chín Hóa, bưởi Năm Roi... Có đến 90% hàng nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng trái cây xuất khẩu không có thương hiệu bán thô tại cửa khẩu.

Nguyên nhân đã được nhìn nhận là do chuỗi giá trị trong việc tạo dựng thương hiệu thường bị đứt đoạn. Bởi vì hầu hết doanh nghiệp (DN) trong ngành không có chiến lược xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thực tế tại Việt Nam, các trang trại, nhà vườn còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, diện tích khoảng vài trăm đến 1.000m2 thì rất khó để nói đến việc tạo dựng thương hiệu.

Một kết quả khảo sát tại 500 DN các ngành về việc đăng ký thương hiệu cho thấy: 4,2% cho thương hiệu là vũ khí cạnh tranh; 5,4% cho thương hiệu là tài sản của DN, 30% cho rằng thương hiệu giúp bán hàng được giá cao hơn.

Chỉ có 16% DN có bộ phận tiếp thị chuyên trách và hơn 80% không có người quản lý. Ngay tại Hiệp hội Trái cây Việt Nam cũng chỉ có 15/58 hội viên đã đăng ký bảo hộ trong nước. Hậu quả, hơn 90% lượng hàng nông sản Việt nam xuất khẩu phải mang thương hiệu của các nước khác.

Theo GS. Lê Văn Tố, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sau thu hoạch TP.HCM, không thương hiệu, trái cây nước ta phải chịu thua thiệt từ lúc chào hàng, gây khó khăn cho đối tác trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của các sản vật đó.

Ông Tố đưa ra một gói xoài khô của Australia để so sánh. Chỉ một gói nhỏ 50gr, hình thức bao bì đơn giản, nhưng họ hơn ta ở chỗ có logo và đóng kèm với tờ phiếu ghi nơi nào trồng thứ xoài sấy khô ấy. Nhờ vậy, khi cần mua trái tươi, ai cũng biết phải tìm đến làng quê nào trong đất nước Australia rộng lớn.

Nói về vấn đề tiêu thụ trái cây theo vùng, TS. Võ Mai cho biết thêm, mặc dù mỗi năm sản xuất 7 - 8 triệu tấn, trừ 30% thất thoát thì còn lại 5 - 6 triệu tấn, nhưng rất nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa tính ra mỗi người chỉ dùng 1 nải chuối/năm. Trái cây chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, còn các địa phương khác DN không mặn mà vì khó vận chuyển.

Đó cũng là thực tế ngành trái cây chưa có kế hoạch tổng thể từ dưới lên. Ví dụ: trồng 100.000ha bưởi để xuất khẩu ở đâu, bán nội địa ở đâu, điều này không hề có, thiếu thực tế, dẫn đến tình trạng chặt bỏ cây trồng hàng loạt do bán không được.

Trước thực trạng này, mô hình chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ đang được Hiệp hội Làm vườn Việt Nam xem xét để xây dựng một tổ chức quản lý theo quy trình khép kín từ sản xuất, phân phối trực tiếp, đến tìm hiểu, tiếp cận thị trường mà không cần qua trung gian (làm mất đi tính an toàn cũng như chất lượng sản phẩm).

Đây là bài toàn khó vì các hợp tác xã hoạt động theo nguyên tắc “ba không”: không vốn, không nhân sự và không văn phòng, chưa kể là kế hoạch chung chung, số liệu thống kê chung chung, không căn cứ, cơ sở, thiếu tính thực tế...

Do đó, giải pháp trước mắt cần hơn hết vẫn là sự quan tâm hỗ trợ từ phía Chính phủ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức nước ngoài trong việc tìm hiểu thị trường, lập kế hoạch sản xuất...

Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với ngành nuôi trồng trái cây và thủy sản nước ta hiện nay vẫn là xác định rõ nhu cầu của thị trường để phát triển sản xuất một cách hợp lý, đồng thời, phải đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

PHAN LÊ/Doanhnhansaigon.vn