itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Vì sao ngành hàng không chưa "nâng cánh"?

Vì sao ngành hàng không chưa "nâng cánh"?

Để ngành hàng không đang thiếu nhiều

yếu tố để tăng tốc phát triển

Sự kiện hãng hàng không tư nhân đầu tiên (Vietjet Air) ở Việt Nam được cấp phép cho thấy chính sách "mở của bầu trời" tạo nhiều cơ hội cho DN kinh doanh loại hình vận tải vốn được coi là xa xỉ này. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi giật mình bởi với toàn bộ cơ sở vật chất của ngành hàng không chưa đủ xây một sân bay quốc tế.

Cần 5 tỷ USD để có sân bay quốc tế

Theo thống kế hiện nay, Vietnam Airlines hiện đang có 47 chiếc máy bay, năm 2015 sẽ tăng lên 86 chiếc và nâng lên 110 máy bay vào năm 2020. Pacific Airlines cũng tuyên bố đến năm 2011 sẽ có 30 chiếc. Còn hãng hàng không tư nhân Vietjet sẽ tăng thêm 3 máy bay Airbus 320 trong 5 năm đầu hoạt động.

Đó còn chưa nói trong thời gian tới sẽ còn nhiều hãng hàng không khác ngấp nghé xin được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Trước việc các hãng đang thi nhau đưa máy bay về phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh doanh, một câu hỏi lại được đặt ra là liệu hạ tầng ở các sân bay ở Việt Nam có đủ chỗ cho máy bay đỗ hay không?

Theo các hãng hàng không, hiện nay vấn đề phát triển của DN không đáng lo ngại bởi họ có nhiều giải pháp để đáp ứng được đủ máy bay. Vấn đề nan giải nhất là hạ tầng của các sân bay, liệu có đủ sức "tải" được một số lương lớn máy bay này hay không.

Ông Phan Văn Nghi - nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế sân bay và công trình hàng không Tổng cục Hàng không - Bộ Quốc phòng cho hay, kể cả cảng Nội Bài được gọi là một sân bay quốc tế lớn vào loại bậc nhất của Việt Nam nhưng khó có thể đáp ứng được yêu cầu của một cảng hàng không quốc tế hiện đại mang đủ tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế.

"Lý do là sân bay này không có một quy cách tổng thể nhất quán từ đầu, vi phạm vào quy định khoảng cách giữa đường hạ cất cánh và đường lăn... Nội Bài chỉ có thể là cảng hàng không của một thành phố và đóng vai trò cảng hàng không quốc tế dự bị mà thôi". Ông Nghi khẳng định.

Thống kê từ cục Hàng không Việt Nam thì hiện nay tài sản cố định của ngành hàng không dân dụng hiện chỉ có khoảng 596 triệu USD và ngành đang quản lý, khai thác hơn 3.000ha đất. Số lượng cảng hàng không và sân bay cũng chỉ khiêm tốn. (hiện có 19 cảng hàng không, trong đó có 3 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không địa phương).

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, để xây dựng một cảng hàng không quốc tế cho vùng đô thị - kinh tế miền Bắc chẳng hạn, thì cảng phải đáp ứng ít nhất lưu lượng hành khách là 60-80 triệu lượt/năm, hàng hoá 1,5-5 triệu tấn/năm, phạm vi chiếm đất từ 3.000 đến 4.000 ha, tiêu chuẩn hàng không cấp 4 với 2-3 đường hạ cất cánh, nhà ga xây dựng theo nhiều thời kỳ và tổng vốn đầu tư từ 4 đến 5 tỷ USD.

Như vậy, với số lượng diện tích đất, vốn, hạ tầng như hiện tại của ngành hàng không có "gồng" lên thì mới đủ sức xây dựng một cảng hàng không đạt chuẩn quốc tế (!?)

Theo đề án “Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ngành hàng không cần khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư và 17.000ha đất, đồng thời sẽ phải nâng cấp, mở rộng và xây mới 28 cảng hàng không và 24 sân bay dân dụng trên toàn quốc.

Mới đây, phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, do tình trạng hạ tầng yếu kém, nên ngay từ năm 2008 chúng ta phải tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng và tiếp theo phải giải quyết một tầm xa hơn. Phó Thủ tướng cũng báo cáo với Quốc hội là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển đối với ngành hàng không sẽ nâng đội bay lên khoảng 100 chiếc và phát triển đến mức cao hơn, mở thêm một số hãng máy bay để phát triển.

Đối với sân bay sẽ mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài và nghiên cứu để xây dựng một sân bay mới khoảng chừng 50-80 triệu hành khách/năm trên đường quốc lộ cao tốc từ Hà Nội đi Hải Phòng, dự kiến nằm ở vị trí Hải Dương...

"Mở cửa bầu trời" đồng nghĩa với việc chúng ta phải mở thêm "hầu bao"

Người VN khó có được tấm bằng phi công

Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng và cấp bách đó là nguồn nhân lực hàng không đang thiếu và rất hiếm. Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Pacific Airlines, ở Việt Nam chưa có thị trường lao động hàng không, cụ thể: Chúng ta chưa có thị trường người lái, thị trường kỹ sư, thị trường cán bộ quản lý... . Giải pháp giải quyết vấn đề nhân lực hiện nay của của Pacific Airlines hiện nay là... đi thuê.

Ngay đội ngũ quản lý của hãng này thì từ phó tổng giám đốc điều hành, giám đốc khai thác, bảo dưỡng, phụ trách mặt đất, an toàn... đều là người nước ngoài. Hiện nay Pacific Airlines phải trả cho một cán bộ kỹ thuật người nước ngoài với mức lương cao "ngất trời", khoảng 20.000 USD/tháng.

Điều này cũng dễ lý giải bởi, để có được một phi công người Việt được đào tạo bài bản thì phải bỏ ra khoảng 150.000 USD/khóa học. Đối với thu nhập của người Việt Nam thì hiếm có người nào bạo chi bỏ từng ấy tiền ra tiền ra để có được 1 tấm bằng phi công. Pacific Airlines hiện có duy nhất một phi công là người Việt Nam dám tự phải bỏ tiền túi ra để đi học.

Như thừa nhận của ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục hàng không dân dụng Việt Nam, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước giám sát sự an toàn của các nhà khai thác thì sự phát triển nhân lực đang là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà ngành hàng không đang phải đối mặt.

"Về cơ bản, chúng ta mới chỉ đáp ứng được nhân lực cho dịch vụ, còn nhân lực đảm bảo kỹ thuật cho các đường bay thì vẫn nan giải. Vì vậy, tới đây chúng tôi không chỉ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các hãng tổ chức khai thác đường bay mà còn phải bổ sung thêm nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc giám sát về an toàn hàng không" - ông Thanh cho biết.

Song song đó là vấn đề khuyến khích mở rộng các cơ sở đào tạo theo hướng xã hội hóa, liên doanh, liên kết với nước ngoài... trong việc mở rộng các cơ sở đào tạo. Ngoài việc đưa người ra nước ngoài đào tạo, Cục hàng không dân dụng Việt Nam cũng sẽ tích cực hoàn thiện cơ chế và mở trường hàng không tại Cam Ranh (Khánh Hòa).

Với những bài toán đau đầu trên của ngành hàng không, không phải không có lý khi nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Tiến Sâm lúc còn đương nhiệm từng nói: “Nếu không có chiến lược kịp thời thì 10 năm nữa các yếu tố hạ tầng như hệ thống sân bay, cảng hàng không VN vẫn chỉ hơn được Myanmar, Lào, Campuchia và Đông Timor trong khu vực Đông Nam Á” .

Theo Lê Minh (VTC News)