itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Chứng khoán châu Á giảm mạnh

Chứng khoán châu Á giảm mạnh

Chứng khoán châu Á tuột dốc sau phiên đầu tuần sáng sủa - Ảnh: Bloomberg

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23.6 (vào rạng sáng nay, 24.6, giờ VN), chỉ số S&P 500 tại Mỹ đã tăng nhẹ trở lại; trong khi đó, diễn biến trên các thị trường chứng khoán châu Âu, châu Á theo chiều hướng đi xuống.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của các công ty dầu khí và kinh doanh nguyên liệu thô tăng giá là yếu tố hậu thuẫn cho thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu của công ty dầu khí ConocoPhillips tăng 2%, cổ phiếu của Freeport, hãng sản xuất đồng thương mại hàng đầu thế giới, cũng tăng 4,4%.

Ngoài ra, cổ phiếu của các ngân hàng và các công ty tài chính cũng có sự tăng khá mạnh. Cổ phiếu của Goldman Sachs Group tăng 3,1%. Cổ phiếu Bank of America cũng tăng 2,4% nhờ tiếp tục quá trình tăng vốn bằng chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi sang cổ phiếu phổ thông.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên thành 895,1 điểm, chỉ số S&P 500 Financial tăng 1,7% trong phiên này. Chỉ số Dow Jones Industrial giảm nhẹ 16,1 điểm xuống còn 8.322,91 điểm sau khi đại gia trong ngành hàng không, Boeing hoãn việc ra mắt mẫu máy bay mới 787 Dreamliner.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 4,03 điểm xuống còn 4.230,02 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng giảm 6,43 điểm xuống còn 3.116,82 điểm. Duy chỉ có chỉ số DAX của Đức tăng 13,75 điểm lên thành 4.707,15 điểm.

Tại châu Á, sau phiên khởi đầu tuần mới rất suôn sẻ, chứng khoán Nhật và Hồng Kông trong phiên hôm qua đã “xuống dốc không phanh” do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 276,66 điểm, tương đương 2,82% xuống còn 9.549,61 điểm, HSI của Hồng Kông cũng để mất tới 521,15 điểm xuống còn 17.538,4 điểm.

* Tối qua, giá dầu thô tại New York (Mỹ) đã tăng trở lại gần mốc 70 USD/thùng do đồng dollar Mỹ giảm nhẹ. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch mới (vào 5 giờ sáng nay, 24.6, giờ VN), giá dầu tại đây đã giảm nhẹ do thông tin liên quan tới dự trữ nhiên liệu xăng tại Mỹ tăng trong tuần qua.

Theo số liệu khảo sát của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ xăng trong tuần qua đã tăng thêm 3,7 triệu thùng nữa trong khi lượng dự trữ dầu thô chỉ giảm có 72.000 thùng. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua đã giảm 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giới đầu tư càng thêm nghi ngờ về khả năng hồi phục sớm của kinh tế thế giới.

Giá dầu thô giao tháng 8 tại Sở giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt phiên ngày 23.6 ở mức 69,24 USD/thùng, tăng 1,74 USD/thùng, tương đương 2,6% so với phiên trước đó.

Sáng và trưa nay, giá dầu tại đây giảm nhẹ. Lúc 10 giờ 43 sáng nay, giá dầu này ở mức 68,51 USD/thùng, giảm 73 cent. Mức giá thấp nhất ghi nhận được trong buổi sáng nay là 68,06 USD/thùng. So với mức giá hồi đầu tháng này (73,23 USD/thùng), giá dầu đã giảm 6,9%.

Sáng nay, giá xăng giao tháng 7 tại NYMEX cũng giảm 3,57 cent, tương đương 1,9% xuống còn 1,8575 USD/gallon.

Giá dầu Brent giao tháng 8 tại London (Anh) chốt phiên ngày 23.6 ở mức 68,8 USD/thùng. Lúc 8 giờ 58 sáng nay, giá dầu này ở mức 67,65 USD/thùng, giảm 1,15 USD.

* Giá vàng giao tháng 8 tại NYMEX chốt phiên ngày 23.6 ở mức 924,3 USD/ounce, tăng 3,3 USD, tương đương 0,36% so với phiên trước đó. Lúc 11 giờ trưa nay, giá vàng tại đây ở mức 924,8 USD/ounce.

* Hôm nay, tỷ giá trao đổi giữa dollar Mỹ và euro lại vượt qua mốc 1,4 USD/1 EUR. Vào lúc 11 giờ 8 trưa nay, 1 EUR đổi được 1,4088 USD, 1 USD đổi được 95,54 JPY.

Theo Bloomberg, Reuters