itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Đã thấy rõ những điểm yếu sau 1 năm Việt Nam gia nhập WTO

Đã thấy rõ những điểm yếu sau 1 năm Việt Nam gia nhập WTO

Lắp ráp xe máy tại Công ty

TNHH Motor Việt Nam.

Ngày 11.1.2008 đánh dấu tròn 1 năm VN chính thức trở thành thành viên của Tổ chức WTO. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, trong năm qua VN đã có những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực.

Đó là, GDP tăng trưởng cao hơn dự kiến với mức tăng 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,5%; tổng kim ngạch XK hàng hoá đạt 58,56 tỉ USD, tăng 22%, môi trường đầu tư kinh doanh của VN đã được cải thiện theo hướng thông thoáng và minh bạch, tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc mà chúng ta cần phải làm để VN hội nhập sâu hơn nữa trong môi trường hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Sức cạnh tranh còn thấp

Nói về thành công của VN sau khi gia nhập WTO, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết: Nền kinh tế VN đã chứng kiến những chuyển biến rất tích cực, riêng trong năm 2007 đã thu hút trên 20 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 50 tỉ USD, tăng 21,5% so với năm 2006.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận: "Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng phải thấy rõ nền kinh tế VN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhập siêu lớn, chất lượng tăng trưởng của một số ngành chưa bền vững, năng lực cạnh tranh ở các cấp độ còn hạn chế...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Sức cạnh tranh của hàng công nghiệp VN còn yếu, hàm lượng công nghệ và tri thức chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, lĩnh vực thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm là một trong những hạn chế rất lớn của ngành công nghiệp VN...
Trên lĩnh vực XK, các DN xuất khẩu vẫn chưa tận dụng triệt để cơ hội khi VN đã là thành viên của WTO để mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch; chủng loại hàng hoá XK chưa đa dạng, số lượng các mặt hàng có kim ngạch lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh chưa nhiều. Thị trường trong nước còn tiềm ẩn không ít các yếu tố bất lợi tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân. Giá cả biến động khó kiểm soát, hạ tầng thương mại được đầu tư nhưng còn manh mún và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển...

Còn theo Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, vẫn còn một số văn bản chuẩn bị không theo kịp lộ trình cam kết, pháp luật của chúng ta chậm đi vào cuộc sống, cơ chế thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, chưa nghiêm...

Khắc phục không khó

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, việc giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế để tăng trưởng và phát triển bền vững đã trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với tất cả mọi ngành, mọi người, mọi tầng lớp xã hội... cùng nắm bắt thời cơ để đưa đất nước tiến sâu vào hội nhập quốc tế.

Đề xuất với Chính phủ những nội dung hoạt động chính trong năm 2008 để đưa nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ trong môi trường WTO, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Sản xuất công nghiệp bên cạnh việc tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao và nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm... sẽ tập trung phát triển các sản phẩm XK có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; đảm bảo cân đối cung - cầu cho nền kinh tế các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, đặc biệt là điện, than, thép xây dựng, xăng dầu, phân bón trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong nước; tăng cường phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng dần tỉ lệ sản phẩm có thể sản xuất được trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất và lắp ráp ôtô, xe máy, đóng tàu, nguyên phụ liệu ngành dệt may, giày da, nguyên phụ liệu chế biến ngành nông sản. Về XK hàng hoá, sẽ tiếp tục XK những sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm đã qua chế biến. Từng bước hạn chế và hướng tới không xuất khẩu nguyên liệu và khoáng sản thô... Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu năm 2008 có từ 13-14 nhóm hàng xuất khẩu đạt thành tích XK trên 1 tỉ USD.

Trên lĩnh vực NK, sẽ ưu tiên đối với vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ đầu tư trong nước phục vụ mục tiêu CNH, HĐH và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá XK và hàng hoá sản xuất trong nước. Kiểm soát chặt chẽ NK, nhất là các mặt hàng trong nước có khả năng sản xuất và đáp ứng được nhu cầu. Sử dụng hiệu quả các biện pháp đồng bộ để hạn chế việc nhập siêu...

Phát triển thị trường trong nước theo hướng hiện đại dựa trên hệ thống các kênh phân phối hợp lý, với sự tham gia của các loại hình tổ chức và các loại hình kinh tế...

Công Thắng - Minh Yến / Laodong