itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Thời của tằn tiện đã qua?

Thời của tằn tiện đã qua?

Tháng 12 có lẽ là khoảng thời gian tốt nhất trong năm để tới thăm thành phố New York, nếu bạn là người mê mua sắm.

Bỏ qua gió lạnh và tuyết rơi vùng Đông Bắc Mỹ, không đếm xỉa tới màu xám xịt của thành phố vào đông, thay vào đó đắm mình trong các cửa hàng sang trọng trên đại lộ số 5 hay khu Soho trẻ trung trong tiếng nhạc Noel tưng bừng - thế là bạn đã được tận hưởng một giáng sinh vui vẻ kiểu New York. Tuy nhiên, không thể quên một việc quan trọng: trong túi phải có nhiều tiền.
New York được mệnh danh là thiên đường mua sắm, nhưng điều này thường chỉ chính xác nếu bạn có nhiều tiền. Các cửa hiệu ở New York là nơi có những mặt hàng thời trang mới nhất, độc đáo nhất, và điều này đặc biệt đúng với các mặt hàng thời trang cao cấp.
Với những người có nhu cầu mua sắm bình dân và thường hay mua sắm ở những siêu thị như Wal-Mart, JC Penney hay các chuỗi cửa hàng trung lưu như Macy’s, không nhất thiết phải đến New York.
Với những người có thị hiếu thẩm mỹ cao cấp hơn và nhiều tiền hơn, đại lộ số 5 đúng là nơi để tiêu tiền. Ở đây có những cửa hiệu thời trang xa xỉ như Bergdorf Goodman, Saks Fifth Avenue, hay Nieman Marcus. Ngoài ra, các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng đều nhất thiết phải có một cửa hiệu ở thành phố New York, như một cách trưng bày bộ mặt của nhãn hiệu đối với thế giới.
Mỗi lần tới New York, tôi lại có cái thú dạo qua các cửa hiệu này, theo kiểu “window shopping” - chỉ xem mà không mua, giống như rất nhiều khách du lịch và cả dân New York nữa. Điều mà tôi nhận ra sau vài năm dạo qua các cửa hiệu này, là giá cả các mặt hàng thời trang ngày càng vượt qua tầm với của một người với thu nhập trung bình ở Mỹ, chưa nói tới người Việt Nam.
Khi còn ở Boston, thỉnh thoảng tôi và một cô bạn thân người Mỹ thường đi mua sắm ở Prudential Center, khu cao ốc văn phòng - mua sắm lớn nhất ở trung tâm Boston. Tôi thường kéo bạn vào Saks Fifth Avenue để ngắm giày dép, túi xách ở đây.
Sau một lần “window shopping” như vậy, cô bạn bắt tôi hứa không kéo cô vào những chỗ như vậy nữa. “Đi vào những cửa hiệu như Saks làm cho tớ chán nản không chịu được”, bạn tôi nói. “Cứ đi xem tất cả những thứ đồ tuyệt đẹp đó mà không có tiền để mua! Tớ không muốn vào đó nữa!”.
Đối với những sinh viên phải đi học bằng tiền của bố mẹ hay vay mượn ngân hàng, mua sắm ở Gap có vẻ hợp lý hơn. Thế nhưng khi bạn đã bắt đầu đi làm và kiếm được tiền thì sao? Tại sao lại không thể chiều chuộng mình bằng một chiếc túi xách Louis Vuitton hay Valentino? Một đôi giày Jimmy Choo hay một chiếc áo Marc Jacob?
Thế nhưng, ý tưởng chi tiêu gần 2.000 USD vào một chiếc túi xách hàng hiệu mua tại thành phố New York vẫn hoàn toàn phi lý. Với bạn bè tôi, những người Mỹ trẻ mới ra trường đang kiếm khoảng 60.000 USD/năm ở New York, chiếc túi xách ngang với một tháng tiền thuê nhà. Phi lý! Với một người đến từ Việt Nam như tôi, lại càng phi lý hơn. Nhất là khi biết rằng mẹ tôi sẽ nhận xét chiếc túi xách ấy có thể nuôi cả một gia đình ở nông thôn trong một năm!
Bất chấp những lý lẽ mà tôi đưa ra để cưỡng lại ý định nuông chiều bản thân mình, có vẻ như cả thế giới đang hướng theo lối sống xa hoa hơn. Ít nhất là một phần của thế giới, một xã hội thượng lưu đang nuông chiều mình như thế, thu hút giới trung lưu khao khát được nuông chiều bản thân như những người có nhiều tiền.

Cách đây vài năm, một chiếc túi xách hiệu Chanel giá vài trăm USD đã là cao lắm, thì giờ đây khó có thể tìm một chiếc túi xách hàng hiệu giá thấp hơn 1.000 USD Mỹ. Ở cửa hàng Bloomingdale tại thành phố New York, các nhãn hiệu mới nổi lên trong vài năm nay như Marc Jacob hay Michael Kors bán những bộ quần áo thời trang sản xuất hàng loạt với giá trung bình vài trăm USD/cái. Người ta vẫn sẵn sàng trả tiền cho những sản phẩm quá đắt.
Trong cuộc trình diễn thời trang xuân 1997, hãng thời trang Balenciaga trình làng chiếc quần legging bằng vàng trông không khác gì bộ quần áo của nhân vật người máy C-3PO trong phim Star Wars. Giá của nó là 159.000 USD Mỹ!
Bottega Veneta có chiếc túi xách được rao bán với giá 78.000 USD, thế nhưng không so được với hiệu thời trang cao cấp Hermes, đã làm hai túi xách da cá sấu nạm kim cương giá 148.000 USD. Ai mà mua những mặt hàng này? Cả hai cái túi xách của Hermes đã bán hết, hãng này đang làm thêm hai chiếc nữa!
Không nói đến những gia đình tỉ phú như Donald Trump hay chị em nhà Hilton, những người có thừa điều kiện để sống xa hoa quá mức, có rất nhiều người đang bị cuốn theo lối sống xa hoa. Sự giàu có nhanh chóng của nhiều người ở các nước đang phát triển ở châu Á, các nước Đông Âu cũ, châu Mỹ Latinh… giúp tạo nên thị trường cho các mặt hàng xa xỉ.
Nói như Franois-Henri Pinault, Giám đốc điều hành của Công ty Thời trang PPR, sở hữu nhãn hiệu Gucci và nhiều hiệu thời trang cao cấp khác, thì: “Chúng ta đang tiến vào cái mà tôi nghĩ là thời của sự phi lý và trở lại với thế giới của tưởng tượng, và xa hoa là một phần của nó”. Ông Pinault giải thích với tờ Financial Times rằng đây là sự khởi đầu của một xu hướng xã hội và những thay đổi về giá trị cuộc sống - rằng thời của tằn tiện đã qua.
Thời của tằn tiện chắc chắn là đã qua ở Việt Nam. Kinh tế phát triển trong vài năm qua ít nhất đã giúp chúng ta nhìn lại thời bao cấp qua một cuộc triển lãm và cảm thấy hãi hùng vì mình đã từng sống khổ như thế. Thời của xa hoa đã tới chưa?
Với đa số người dân Việt Nam, chưa, nhưng với một bộ phận không nhỏ trong xã hội, có lẽ đã tới lúc sống xa hoa. Không phải tự nhiên mà Louis Vuitton, Gucci, Escada... thi nhau mở cửa hiệu ở Việt Nam, những chiếc xe hơi cao cấp nhất thế giới đã có mặt ở đây, hay nhiều người phải xếp hàng từ đêm trước để đặt mua những căn hộ chung cư giá vài trăm ngàn USD.
Một ngày đông lạnh giá đầu tháng 12 này, khi đang trên đường phố ở hạ Manhattan, tôi tình cờ nhìn thấy một con chó nhỏ đi giày. Bốn cái chân của nó đi bốn chiếc giày tí hon rất hợp thời trang, giống hệt như giày thể thao hiệu Converse, chỉ có khác là giày dành cho chó! “Thật là giày dành cho chó đấy à?” - tôi hỏi bà chủ con chó nhỏ. “Đúng thế đấy! Chân chó rất nhạy cảm, nó cũng cần đi giày!” Bà trả lời, vẻ rất tự hào.
Ai cũng biết, chó là vật nuôi được đặc biệt yêu mến ở Mỹ, và mùa đông nhiều chú chó được mặc áo len. Nhưng chó đi giày là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Một cú tra cứu trên Google cho thấy hàng loạt sản phẩm tương tự cho bạn yêu của loài người, và những đôi giày giá từ 30-60 USD. Không hiểu con chó có thực sự thoải mái trong những chiếc giày không. Nhưng hình ảnh chú chó nhỏ ở New York cứ khiến tôi nghĩ mãi về sự trớ trêu của cuộc sống.
Ở ngay Washington DC, có những người vô gia cư ngủ ngoài trời trong nhiệt độ dưới 0 độ C sau lễ Tạ ơn. Ở New York, có những con chó đi giày tung tăng dạo phố. Ở Việt Nam, có những đứa trẻ chưa có giày để đi. Giá trị xã hội đang thực sự thay đổi, hay nó đã luôn luôn là như vậy? Dù gì đi nữa, chúng ta đang sống trong thời đại của những đổi thay.

(Theo TBKTSG)